Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm 600 triệu người mắc bệnh liên quan đến thực phẩm độc hại, trong đó có 420.000 ca tử vong, phần lớn là trẻ em.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm 600 triệu người mắc bệnh liên quan đến thực phẩm độc hại, trong đó có 420.000 ca tử vong, phần lớn là trẻ em.
Ảnh: wired.com. |
"Báo cáo chúng tôi công bố chỉ là ước tính, chắc chắn con số thực tế lớn hơn nhiều", tiến sĩ Kazuaki Miyagishima, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết. Theo Fox News, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 40% số ca mắc bệnh và 30% trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Thực phẩm độc hại gây bệnh do nhiễm vi khuẩn như salmonella, các loại virus, ký sinh trùng, độc tố, hóa chất với triệu chứng thường gặp là buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Chúng còn có thể dẫn đến ung thư, suy gan, suy thận, rối loạn hệ thần kinh, động kinh và viêm khớp.
Tiến sĩ Miyagishima giải thích một lý do khiến bệnh tật do thức ăn độc hại lây lan trên thế giới đến từ việc xuất, nhập khẩu: "Nếu một quốc gia không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và xuất khẩu sản phẩm đi nước khác, toàn bộ hệ thống sẽ bị tác động".
Ngoài ra, thức ăn bày bán ở vỉa hè cũng tiềm ẩn nguy cơ không nhỏ. "Tốt hơn hết, chúng ta nên đầu tư để giáo dục những người bán hàng rong thay vì đưa ra các hình phạt", tiến sĩ Arie Hendrik Havelaar từ Đại học Florida (Mỹ) nhận định. "Điều này sẽ giúp nhiều nước cải thiện tình hình an toàn thực phẩm".
Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do thực phẩm độc hại chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển, tuy nhiên Mỹ và châu Âu cũng không nằm ngoài vòng nguy hiểm. "Kết quả của chúng tôi cho thấy khu vực châu Phi và Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tỷ lệ tử vong bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi rất cao", Havelaar nói.
WHO khuyến cáo chính phủ các nước cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo những nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm cũng như cộng đồng để nâng cao và bảo vệ sức khỏe.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin