Trầm cảm, stress nhan nhản trong cuộc sống bận rộn

05:11, 27/11/2015

Đau đầu, mất ngủ, lo âu, sang chấn tâm lý, trầm cảm, stress,... là những biểu hiện cơ bản của vấn đề về tâm thần kinh mà cuộc sống hiện đại nhiều người hay gặp. Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo chúng ta không nên bỏ qua các biểu hiện này, mà hãy chủ động "nhìn thấy" để có giải pháp can thiệp kịp thời, để cân bằng trong cuộc sống...

Đau đầu, mất ngủ, lo âu, sang chấn tâm lý, trầm cảm, stress,... là những biểu hiện cơ bản của vấn đề về tâm thần kinh mà cuộc sống hiện đại nhiều người hay gặp. Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo chúng ta không nên bỏ qua các biểu hiện này, mà hãy chủ động “nhìn thấy” để có giải pháp can thiệp kịp thời, để cân bằng trong cuộc sống...

Một người đến khám bệnh “rối loạn lo âu”và nhận thuốc tại Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long.
Một người đến khám bệnh “rối loạn lo âu”và nhận thuốc tại Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long.

Các bệnh tâm thần và thần kinh hay gặp nhiều hiện nay, đối với bệnh tâm thần có: tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần cấp tính, loạn thần do sử dụng chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá), loạn thần tuổi già,...

Với bệnh thần kinh có: động kinh, đau thần kinh ngoại biên, liệt mặt, các đau nhức khác,... Nói đơn giản nhất, theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, là một người nào đó xuất hiện triệu chứng bất thường: đau đầu, mất ngủ, lo lắng, sang chấn tâm lý, trầm cảm, stress,... thì nên biết đó là dấu hiệu của một trong các trạng thái tâm thần và thần kinh.

“Chúng ta nên để ý đến các biểu hiện nhỏ vặt này, từ việc ăn ngủ, lời nói, hành vi,... và chủ động thăm khám, phát hiện, nếu có bệnh điều trị kịp thời. Đừng nên xem thường. Không nên bỏ qua.

Quan trọng nhất là phát hiện sớm bệnh, điều trị đúng chuyên khoa, thì bệnh có thể thuyên giảm và hết. Ngược lại, nếu bỏ qua các yếu tố nguy cơ, thì bệnh (nếu có) về lâu dài dễ dẫn đến biến chứng, mãn tính”- bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Diên- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long- cho biết.

Phát hiện sớm dựa vào đâu? Ai sẽ là người phát hiện? Bác sĩ Phạm Văn Diên trả lời: Đó là dựa vào người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Những người đó trực tiếp tiếp xúc, nhìn thấy hành vi, biểu hiện bất thường của một người khi có một trong các yếu tố nguy cơ đã nêu. Khi đó, việc thăm khám bệnh là điều cần thiết.

Theo bác sĩ Phạm Văn Diên, sau hơn một tháng hoạt động, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đã đến Bệnh viện Tâm thần để thăm khám. Nếu như những ngày đầu, có ngày chỉ hơn 10 người đến khám, thì nay bình quân 30- 40 người/ngày, nhiều thì 70- 80 người/ngày.

Hiện tại bệnh viện đang điều trị nội trú khoảng 20 người bệnh. Tại Bệnh viện Tâm thần, từng khoa nam và khoa nữ sẽ có khu bệnh nhẹ, bệnh nặng, bệnh không có người nhà chăm sóc. “Ngoài điều trị, bệnh viện sẽ đảm đương chăm sóc cho bệnh nhân không có người nhà theo cùng”- bác sĩ Phạm Văn Diên nói.

H.T. (sinh năm 1993, ngụ xã Trung Chánh- Vũng Liêm) theo chẩn đoán của bác sĩ là “F41- Rối loạn lo âu khác đau vai gáy”. H.T. lên khám định kỳ, lấy thuốc về uống. Dạng bệnh này theo bác sĩ chuyên khoa I Bùi Anh Đông, là thường gặp trong cuộc sống bận rộn, áp lực hiện nay.

Trái với nghĩa đen của bệnh tâm thần và thần kinh mọi người thường nghĩ, tức là một cái gì đó nặng nề, nghiêm trọng, bất thường; một số bệnh nhân mà chúng tôi gặp và trao đổi rất bình thường. Bởi, theo bác sĩ, đó có khi chỉ là một dạng bệnh tâm lý, đau nhức, lo lắng, trầm cảm. 

“Có những biểu hiện bất thường về hành vi, cảm xúc mà chúng ta có thể điều chỉnh lại được (thông qua khám phát hiện, tư vấn điều trị)”- bác sĩ Phạm Văn Diên khẳng định. Đồng thời khuyến cáo: Một khi gặp chuyện gì khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, người ta rất nên chia sẻ với gia đình, bạn bè để được thông cảm, sẻ chia, giúp đỡ. Từ đó giúp họ vượt qua áp lực, lấy lại trạng thái cân bằng.

Nhiều người trong xã hội hiện đại đối diện với cuộc sống bận rộn và áp lực thường gặp dạng biểu hiện này. Khi đó, họ cũng cần đến biện pháp tư vấn, hướng dẫn điều trị đúng đắn.

Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long hiện có 11 bác sĩ (1 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 7 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 3 bác sĩ điều trị), quy mô 100 giường bệnh, 9 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, dinh dưỡng. Có thể coi đây là cơ sở y tế chuyên khoa về các bệnh tâm thần kinh. Là nơi tổ chức khám bệnh, tư vấn, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại bệnh viện và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng. Riêng theo báo cáo của Sở Y tế về công tác bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long hiện đang quản lý hơn 1.800 trường hợp. 

 

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh