Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có thể phòng ngừa được nếu thay đổi chế độ ăn uống. Thế nhưng số người mắc bệnh vẫn ngày càng tăng.
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có thể phòng ngừa được nếu thay đổi chế độ ăn uống. Thế nhưng số người mắc bệnh vẫn ngày càng tăng.
Trong 10 năm qua, số bệnh nhân mắc bệnh ở nước ta tăng hơn 200%, đáng ngại là ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh ĐTĐ.
Vì sao nhiều trẻ mắc bệnh?
Bệnh ĐTĐ liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, lối sống. Thực tế cho thấy, tuổi mắc bệnh ĐTĐ ngày càng trẻ, nếu như trước đây 40-50 tuổi mới mắc bệnh thì nay có không ít bệnh nhân chỉ 8-9 tuổi. Điều kiện sống thay đổi, các bé được chăm sóc và ăn uống nhiều hơn. Sự thiếu cân đối về mặt dinh dưỡng, dẫn đến béo phì - một trong những nguy cơ của ĐTĐ.
Theo IDF (Liên đoàn Bệnh ĐTĐ quốc tế), trong hơn 50 năm qua, lượng đường tiêu thụ trên thế giới tính trên đầu người tăng hơn 50%. Điều đáng ngại, trẻ em Việt đang dần thay đổi thói quen ăn uống, ăn nhiều đồ ngọt, chất béo.
Ví dụ, một phần hamburger bao giờ cũng kèm khoai tây chiên và nước ngọt. Các cửa hàng bán bánh ngày càng cho ra nhiều mẫu mã mới bắt mắt, các món kem ngày càng ngọt đậm và béo với nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút mạnh mẽ thực khách nhí.
Bên cạnh đó, nhiều bé ngày càng ít vận động vì “bận” làm bạn với máy vi tính, dễ dẫn đến thừa cân, béo phì.
ĐTĐ là bệnh có nhiều biến chứng trầm trọng như suy thận, cao huyết áp, bệnh tim, vữa xơ động mạch, thoái hóa võng mạc, khiếm thị, mất cảm giác ngoại vi, rối loạn cương dương, nhiễm trùng bàn chân... Các biến chứng này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, điều trị tốn kém.
Liên Hợp Quốc chọn ngày 14-11 hằng năm để các quốc gia thành viên cùng nhau tìm cách ngăn chặn sự gia tăng của bệnh ĐTĐ. Mặc dù chiến dịch này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1991, nhưng đến nay tình hình vẫn không cải thiện.
Chủ đề năm nay có tên “Chấm dứt dịch bệnh ĐTĐ”. Các hoạt động và tài liệu truyền thông năm nay sẽ tập trung hướng tới chế độ ăn uống lành mạnh, thay thế các loại thực phẩm ngọt bằng trái cây, rau xanh, nước sạch, sữa chua không đường và các loại hạt.
Mẹ phòng bệnh cho con
Thay đổi hành vi là chuyện không dễ. Bệnh ĐTĐ khó khống chế vì vừa là bệnh di truyền, vừa chịu ảnh hưởng bởi lối sống. Phòng bệnh hiệu quả cho gia đình và con cháu không thể thiếu vai trò của phụ nữ.
Bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM cho biết: “ĐTĐ thai kỳ là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến ĐTĐ ở trẻ em, cần kiểm soát tốt và điều trị tích cực khi phát hiện bị bệnh”.
Cần quan tâm khống chế tỷ lệ sinh con quá nặng. Bé sơ sinh nặng trên 3,8kg có nguy cơ cao mắc bệnh ĐTĐ. Các bà mẹ cần trang bị kiến thức dinh dưỡng để con có khẩu phần phù hợp.
Bởi, thói quen ăn uống thường được hình thành trong hai-ba năm đầu đời. Nếu thời gian này bé đã quen với ăn cho đầy bụng, ăn vặt, ăn ngọt… thì sau này rất khó thay đổi. Nếu bé bị béo phì dưới bảy-tám tuổi, sẽ có nguy cơ cao bị béo phì sau này
Trong gia đình nên quan tâm, khuyến khích các thành viên khác tập thể dục: bơi lội, cầu lông, bóng bàn. Trong trường hợp khó khăn không thể tập thể dục thì có thể đi bộ. Cụ thể, sau khi ăn, cả nhà cùng nhau dọn dẹp chén đĩa, lau rửa sàn, vệ sinh nhà bếp… Cách bữa ăn khoảng hai tiếng, có thể đi bộ 30 phút.
Theo http://vov.vn/suc-khoe/nhi-khoa/phong-benh-dai-thao-duong-cho-tre-450317.vov
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin