Độ độc hại, gánh nặng bệnh tật và tử vong, tổn thất kinh tế, ảnh hưởng môi trường,... là các yếu tố được nói nhiều nhất khi đề cập đến việc sử dụng thuốc lá. Đó cũng là những yếu tố cần phải được cộng đồng hạn chế, loại bỏ khi nói đến thuốc lá, trên quy mô toàn cầu chứ không riêng ở quốc gia nào.
Độ độc hại, gánh nặng bệnh tật và tử vong, tổn thất kinh tế, ảnh hưởng môi trường,... là các yếu tố được nói nhiều nhất khi đề cập đến việc sử dụng thuốc lá. Đó cũng là những yếu tố cần phải được cộng đồng hạn chế, loại bỏ khi nói đến thuốc lá, trên quy mô toàn cầu chứ không riêng ở quốc gia nào.
Viện Chiến lược và Chính sách y tế thống kê năm 2011: yếu tố nước sạch và vệ sinh gây tử vong ở nam giới là 0,22%, ở nữ giới là 0,53%; còn yếu tố hút thuốc lá gây tử vong ở nam giới là gần 11%, ở nữ giới là hơn 3%. |
Chất độc và cực độc trong thuốc lá
Thành phần độc hại của khói thuốc lá, theo tài liệu của Vinacosh, như sau: crom (dùng trong sản xuất thép), a sen (thành phần thuốc trừ sâu), chì (sản xuất sơn), cadmium (sản xuất pin khô), toluene (dung môi pha chế), ammonia (nước lau nhà), vynyl chloride (sản xuất nhựa tổng hợp), benzene (xăng dầu), formaldehyde (bảo quản xác chết), butane (nhiên liệu bật lửa), hydrogen cyanide (vũ khí hóa học), carbon monoxide (khí thải xe hơi).’Đáng chú ý trong đó là 2 chất độc hại rất phổ biến là Nicontine và Tar (hắc ín) cấu thành thành phần thuốc lá.
Nicotine là một chất gây nghiện có trong thuốc lá được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong khoảng 10 giây sau khi hút vào. Sau mỗi lần hít một hơi thuốc lá, nicotine gây tăng nhịp đập của tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp.’ Ở những người sử dụng thuốc lá, nicotine được tìm thấy ở tất cả các cơ quan bộ phận trong cơ thể và trong cả sữa mẹ.
Đối với những người hút trên 15 điếu thuốc một ngày, nồng độ nicotine trong máu luôn ở mức cao, làm cho việc cai thuốc trở nên khó khăn hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nhà sản xuất thuốc lá sử dụng nhiều hóa chất đi kèm nhằm tăng độ hấp thu nicotine vào cơ thể.
Còn hắc ín, hay còn gọi là nhựa thuốc lá, có màu đen quánh giống như nhựa đường, chứa rất nhiều chất gây ung thư.
Theo các nghiên cứu đã được công bố, khói thuốc lá có chứa 7.000 chất hóa học độc hại, trong đó 69 chất hóa học gây ra bệnh ung thư. Phơi nhiễm với khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ của rất nhiều bệnh tật nguy hiểm. Chúng ta sẽ hít thở các chất hóa học độc hại khi ở gần người đang hút thuốc lá.
Gánh nặng bệnh tật vô cùng lớn
Ở một bài viết tương tự, chúng tôi đã có đề cập tổn thất kinh tế của việc hút thuốc lá, tổn thất này lớn hơn rất nhiều so giá trị kinh tế của ngành công nghiệp thuốc lá đem lại.
Còn gánh nặng bệnh tật và tử vong do hút thuốc lá- theo tài liệu- thế giới hiện có 1,3 tỷ người trưởng thành hút thuốc lá. 80% số người hút thuốc lá sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Trong thế kỷ XX, đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Mỗi năm, thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó 600.000 người chết vì bệnh do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động (hút thuốc thụ động).
Có tới 80% số ca tử vong do thuốc lá ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Tổ chức Y tế thế giới dự báo nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ XXI, tổng số người tử vong do các căn bệnh do thuốc lá sẽ lên tới 1 tỷ người.
Việt Nam được nhắc đến là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Thông tin này đã cũ nhiều năm qua, nhưng không hề thừa để thấy “sức tiêu thụ đáng kể” sản phẩm độc hại này.
5 năm trước (2010), điều tra toàn cầu công bố tại nước ta, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 47,4% (2 nam giới có một người hút thuốc lá); khoảng 33 triệu người không hút thuốc lá nhưng thường xuyên phải hít khói thuốc thụ động trong nhà; 5 triệu người thường xuyên phải hít khói thuốc thụ động tại nơi làm việc.
Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Cũng theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh do sử dụng thuốc lá.
Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người/năm 2030, nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2011 cũng cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá chiếm gần 11% tổng gánh nặng bệnh tật trong nam giới Việt Nam.
Xu hướng gánh nặng bệnh tật ở nước ta chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. Năm 1986, bệnh không lây nhiễm chỉ chiếm 39% số trường hợp nằm viện thì tới năm 2011, tỷ lệ này tăng lên 62,7%.
Năm 2008, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 75% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi,... là những bệnh hàng đầu gây tử vong ở nam lẫn nữ.
Hút, nhai, ngửi, hít, ngậm sản phẩm thuốc lá tức là sử dụng thuốc lá
Trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, định nghĩa khái niệm thuốc lá, hành vi sử dụng thuốc lá, tác hại của thuốc lá như sau: Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Sử dụng thuốc lá là hành vi hút, nhai, ngửi, hít, ngậm sản phẩm thuốc lá. Tác hại của thuốc lá là ảnh hưởng có hại của việc sản xuất, sử dụng thuốc lá gây ra cho sức khỏe con người, môi trường và sự phát triển kinh tế- xã hội... |
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin