Khắc phục những khó chịu trong ngày 'đèn đỏ'

07:11, 11/11/2015

Máu kinh là môi trường thích hợp cho các loại vi khuẩn sinh sống dễ gây viêm nhiễm và ngứa rát vùng kín, do đó chị em cần vệ sinh thường xuyên.

Máu kinh là môi trường thích hợp cho các loại vi khuẩn sinh sống dễ gây viêm nhiễm và ngứa rát vùng kín, do đó chị em cần vệ sinh thường xuyên.

  Ảnh minh họa: Womenshealth.
Ảnh minh họa: Womenshealth.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, chuyên khoa Phụ sản Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, cho biết trong những ngày hành kinh, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi, một số biểu hiện khó chịu chị em thường phải chịu đựng như:

- Đau bụng dưới: Mức độ đau khác nhau ở từng thể trạng, có người đau ít, người đau nhiều, người đau dữ dội, toát mồ hôi, xanh xao và phải dùng thuốc giảm đau, có chị em phải nghỉ ngơi hoặc đi khám bác sĩ do đau nhiều.

- Đau lưng khi ngồi lâu hoặc đứng lâu, cơ thể nhức mỏi. Chị em có thể lao động bình thường trong các ngày hành kinh nhưng bác sĩ khuyến khích nghỉ ngơi và tránh căng thẳng, hạn chế các hoạt động nặng nhọc, công việc ngâm mình suốt ngày dưới nước, không nên đi xa, ngồi lâu vì dễ mệt mỏi, khó chịu.

- Cảm thấy nóng trong người nên dễ nóng giận, căng thẳng trong công việc.

- Chóng mặt, mệt mỏi do thiếu máu, nhất là đối với chị em có các bệnh lý thiếu máu, huyết áp thấp. Do những khó chịu trong cơ thể như kể trên nên phụ nữ cần có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân hơn trong những ngày hành kinh.

Theo bác sĩ Thúy, cơ thể phụ nữ vào kỳ kinh có nhiều thay đổi, các tĩnh mạch vùng chậu hơi giãn nở, niêm mạc âm đạo sung huyết, dễ chảy máu, cổ tử cung hé mở nên vi khuẩn dễ xâm nhập vào buồng tử cung. Máu kinh là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong âm đạo nên rất dễ dẫn đến viêm nhiễm nếu không giữ gìn vệ sinh đúng mức.

Để bảo vệ sức khỏe và tránh viêm nhiễm, khó chịu, chị em nên tắm rửa thường xuyên hơn, vệ sinh âm hộ và thay băng vệ sinh mỗi 6 giờ hoặc thay nhiều lần nếu lượng máu kinh nhiều. Quần lót cần được ngâm giặt kỹ với xà phòng, phơi ngoài trời nắng. Nên mặc quần lót cotton và băng vệ sinh thích hợp.

 Cần tránh các thức ăn nước uống có tính kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê, gia vị mạnh... ăn các món giải nhiệt sẽ đem lại cảm giác dễ chịu hơn trong những ngày ấy.

Ngoài ra, chị em cần để ý hơn đến các dấu hiệu bất thường của kinh nguyệt. Thông thường, máu kinh thường loãng, đỏ sậm, không đông, lượng máu mất khoảng 50-80 ml, trong 3-5 ngày hành kinh, chu kỳ khoảng 28-32 ngày. Trong trường hợp bất thường máu kinh ra nhiều hơn, kéo dài nhiều ngày hơn, máu đỏ tươi và có vón cục, đau bụng dưới nhiều thì cần đi khám phụ khoa ngay vì đó là các dấu hiệu bệnh lý cần điều trị sớm.

Nếu có xuất huyết âm đạo bất thường ngoài những ngày hành kinh thì phải khám phụ khoa ngay, vì đó có thể là dấu hiệu viêm nhiễm đường sinh dục, khối u đường sinh dục, ung thư cổ tử cung, ung thư thân tử cung hoặc bệnh lý toàn thân nào đó.

Theo http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/khac-phuc-nhung-kho-chiu-trong-ngay-den-do-3310020.html

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh