Nhiều người không hề biết mình có nguy cơ hay đã mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), do ít có điều kiện và "chưa từng nghĩ đến" việc phải khám tầm soát, phát hiện bệnh.
Nhiều người không hề biết mình có nguy cơ hay đã mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), do ít có điều kiện và “chưa từng nghĩ đến” việc phải khám tầm soát, phát hiện bệnh.
Người dân tham gia khám tầm soát miễn phí bệnh ĐTĐ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
ĐTĐ ngày càng tăng
Bệnh ĐTĐ thường chia thành 2 nhóm: ĐTĐ tuýp 1, ĐTĐ tuýp 2. ĐTĐ tuýp 1 là bệnh nặng, mang yếu tố di truyền, thường xuất hiện sớm, ở những người trẻ (dưới 40 tuổi), gầy, biểu hiện đầy đủ các triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều...
Đối với người béo phì, có khi không có biểu hiện đầy đủ các triệu chứng như vậy. Còn ĐTĐ tuýp 2, có thể coi nguyên nhân do thiếu insulin.
Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long giải thích thêm: Bây giờ người ta thường không nói là tuýp 1, tuýp 2.
Bởi chẳng hạn như các trẻ béo phì, thừa cân, khi bác sĩ làm các xét nghiệm miễn dịch, định lượng các gien mang yếu tố di truyền ở trẻ đó, thì lại không là ĐTĐ tuýp 1, mà lại mang tính như ĐTĐ tuýp 2. Tức là do ảnh hưởng tuyến tụy, liên quan đến thừa cân, béo phì do “đời sống hiện đại”... Ngày trước, người ta hay nói dưới 40 tuổi mắc ĐTĐ tuýp 1, nhưng giờ tuổi đó vẫn có mắc ĐTĐ tuýp 2.
Ngày 3/11 vừa rồi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp Công ty Astra Zeneca tầm soát bệnh ĐTĐ cho 250 người từ 15 tuổi trở lên. Kết quả, 43 người đường huyết mao mạch bất thường.
Tiếp tục làm gói xét nghiệm tổng quát cho các đối tượng này về: công thức máu, sinh hóa máu, các chức năng gan, thận, mỡ, HbA1c, phân tích nước tiểu.
Do nguy cơ cao và đã được xác định mắc ĐTĐ, nhóm đối tượng này được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị bệnh, chế độ dinh dưỡng và điều chỉnh lối sống cho phù hợp. Hầu hết những người này đều chưa biết hoặc chưa từng tầm soát ĐTĐ.
“Bệnh ĐTĐ trong cộng đồng đang được cảnh báo gia tăng, một phần do người dân chưa quan tâm, phần do nhiều người chưa có điều kiện khám tầm soát, phát hiện bệnh”- bác sĩ Bạch Yến nhận xét.
Khi qua khảo sát tại buổi khám tầm soát, hầu hết bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị hoặc chăm sóc người bệnh tại đây nói họ lần đầu tiên có tham gia khám bệnh ĐTĐ như thế này.
Bám các yếu tố phòng tránh ĐTĐ
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, có 2 yếu tố có thể phòng tránh và không phòng tránh được ĐTĐ. Các yếu tố không phòng tránh có di truyền, tuổi và sắc tộc; các yếu tố phòng tránh được gồm: mập, quá cân, rối loạn mỡ máu, rối loạn đường huyết, nghiện rượu, thuốc lá,... Tỷ lệ mắc ĐTĐ ở người mang yếu tố nguy cơ cao hơn hẳn so với người không mang yếu tố nguy cơ.
Theo Chương trình Phòng chống ĐTĐ, hàng năm có 3 diện đối tượng trong tỉnh được khám sàng lọc ĐTĐ, nhằm phát hiện đối tượng bệnh hoặc tiền ĐTĐ để quản lý, tư vấn điều trị kịp thời; giảm biến chứng với người mắc ĐTĐ, giảm nguy cơ phát triển bệnh với người tiền ĐTĐ.
Đáng lo ngại là qua khám sàng lọc, 65% người mắc bệnh ĐTĐ không hề biết mình bệnh và căn bệnh không lây nhiễm này đang tăng đáng báo động cũng như nguy cơ bệnh ngày càng trẻ hóa. Việt Nam không là quốc gia có người bệnh ĐTĐ chiếm cao, nhưng có tỷ lệ phát triển bệnh nhanh trên thế giới.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, tỷ lệ nguy cơ ĐTĐ gần 1/5 trên tổng số người khám tầm soát- “Tỷ lệ vậy là cao”.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tuân thủ hợp lý các biện pháp kiểm soát đường huyết nhằm giảm nguy tiền ĐTĐ, dẫn đến ĐTĐ. |
Theo bác sĩ, 3 biện pháp quan trọng để kiểm soát đường huyết, giúp phòng tránh bệnh ĐTĐ, tiền ĐTĐ là: chế độ dinh dưỡng, tập luyện và dùng thuốc điều trị. ĐTĐ tuýp 1, phải sử dụng insulin (do phụ thuộc insulin), còn ĐTĐ tuýp 2 do hoàn toàn không phụ thuộc insulin nên có thể dùng thuốc kích thích tiết insulin.
Và: “Nên điều chỉnh lối sống với chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động thể dục đều đặn, giúp kiểm soát lượng đường huyết trong mỗi người”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nêu.
|
Việt Nam không phải là quốc gia có người bệnh ĐTĐ chiếm cao, nhưng tỷ lệ phát triển bệnh nhanh trên thế giới. Tuy nhiên, có thể kiểm soát được các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ để có thể phòng tránh, hạn chế bệnh ĐTĐ cho mọi người trong cộng đồng. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin