Lây truyền HIV từ mẹ sang con là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Kể từ khi chương trình điều trị dự phòng (DP) lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được triển khai, mỗi năm đã có nhiều phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ y tế, tỷ lệ trẻ nhiễm HIV ngày càng giảm.
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Kể từ khi chương trình điều trị dự phòng (DP) lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được triển khai, mỗi năm đã có nhiều phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ y tế, tỷ lệ trẻ nhiễm HIV ngày càng giảm.
Phụ nữ mang thai cần chủ động sớm tiếp cận với các dịch vụ y tế để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho thai nhi. Ảnh tư liệu |
Tầm quan trọng của dự phòng
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế, chương trình điều trị DP lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã được triển khai từ năm 2014.
Đến nay, đã có 68% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, 57,1% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị DP lây truyền HIV từ mẹ sang con. Kết quả tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ còn 3,3% ở những phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị DP.
Trong khi đó, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV không được điều trị thì khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 20- 50% (tỷ lệ trung bình là 36%). Tuy nhiên, nếu điều trị tốt, đúng và sớm thì tỷ lệ này giảm xuống dưới 2%.
Giai đoạn điều trị tốt nhất là 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai, điều trị càng sớm càng tốt. Như vậy, những người phụ nữ nhiễm HIV, nếu muốn có con và biết cách điều trị sớm thì họ có thể sinh đứa con hoàn toàn khỏe mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Kích- Phó Khoa Điều trị- Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Long cho biết, hàng năm đã có nhiều phụ nữ mang thai được tiếp cận với các dịch vụ như: tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai, phụ nữ có nguy cơ nhiễm HIV; điều trị DP bằng ARV; chăm sóc hỗ trợ cho mẹ và con trước, trong và sau sinh; cung cấp sữa thay thế cho trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV đến 12 tháng tuổi.
Tất cả các bà mẹ mang thai đến khám thai hoặc sinh đều được tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV. Khi bà mẹ mang thai phát hiện nhiễm HIV thì sẽ được tư vấn, điều trị, uống thuốc DP và theo dõi đến khi sinh.
Sau khi sinh bà mẹ sẽ được chuyển đến phòng khám ngoại trú người lớn, còn em bé được chuyển đến phòng khám ngoại trú nhi để tiếp tục nhận các dịch vụ như uống thuốc DP, sữa ăn thay thế sữa mẹ,...
Chủ động tiếp cận dự phòng
Theo các chuyên gia y tế, hiện hầu hết các phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện muộn trong giai đoạn chuyển dạ. Điều này gây khó khăn trong việc tư vấn, chăm sóc theo dõi và điều trị, nhiều thai phụ đã không tiếp cận được các dịch vụ DP lây nhiễm từ mẹ sang con.
Nguyên nhân chủ yếu là do họ thiếu thông tin, thiếu kiến thức, sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Một số trường hợp chưa có ý thức DP cho chính mình, nhất là những đối tượng được liệt vào danh sách có nguy cơ cao như gái mại dâm, nghiện ma túy,...
Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Long, trong 9 tháng đầu năm 2015, đã xét nghiệm sàng lọc HIV cho 5.960 phụ nữ mang thai, phát hiện 7 trường hợp nhiễm HIV, có 6 trường hợp đã được điều trị DP bằng thuốc ARV, còn 1 trường hợp đã bỏ địa phương đi nơi khác sinh sống nên không thể tư vấn để điều trị. 5 trẻ sinh ra từ những trường hợp này đều được điều trị DP và nhận sữa ăn thay thế sữa mẹ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Kích cho rằng: Để phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Nếu thai phụ bị nhiễm HIV sẽ được hướng dẫn sử dụng thuốc DP và can thiệp sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Theo đó, các can thiệp trước sinh gồm: tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sử dụng ARV để điều trị cho mẹ hoặc điều trị DP lây truyền mẹ con.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin