Hiện đang bắt đầu vào mùa "đỉnh dịch" sốt xuất huyết (SXH)- tháng 8, 9, 10 hàng năm.
[links()]
Hiện đang bắt đầu vào mùa “đỉnh dịch” sốt xuất huyết (SXH)- tháng 8, 9, 10 hàng năm. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến hết tháng 8 vừa qua, đã có hơn 25.000 ca mắc SXH, trong đó có 18 trường hợp tử vong. Tổng số ca mắc bệnh SXH trên cả nước đã tăng hơn 67% so cùng kỳ năm trước.
Đối tượng mắc SXH có cả trẻ vị thành niên, người lớn. |
Đúng chu kỳ bệnh quay lại
Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng, bệnh lưu hành tại ít nhất 50 tỉnh- thành, trong đó nhiều nhất tại TP Hồ Chí Minh (hơn 7.300 ca, 2 ca tử vong), tiếp đó là Đồng Nai (hơn 3.800 ca, 2 ca tử vong), Bình Dương (gần 2.300 ca, 4 ca tử vong), Hà Nội, Bà Rịa- Vũng Tàu,... Số mắc bệnh này tại Vĩnh Long không chiếm nhiều, nhưng hiện tại đã tăng dần lên và đã có một trường hợp tử vong.
Các chuyên gia y tế nhận định, nguyên nhân bệnh SXH năm nay có số mắc gia tăng do đúng vào chu kỳ dịch bệnh quay lại, khoảng 3- 5 năm một lần. Hiện đang vào mùa mưa, tức vào mùa dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khả năng kéo dài đến những tháng cuối năm. Theo báo cáo tháng 8/2015 của Sở Y tế Vĩnh Long, trong tháng, số ca mắc SXH là 20, giảm so 27 ca ở tháng 7. Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan y tế dự phòng tỉnh, đến nay có hơn 250 ca bệnh này được ghi nhận toàn tỉnh, tăng gần 10%. “Tính riêng trong tháng 8, ca bệnh này giảm so cùng kỳ tháng trước, nhưng kể từ đây bệnh nhiễm này có ca số mắc bắt đầu tăng so cùng kỳ năm ngoái”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Vĩnh Long) cho hay.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lúc nào cũng rải rác có ca bệnh SXH nhập viện điều trị. Hầu hết các ca bệnh vào đây có diễn biến nhẹ hoặc được xử trí thành công trước khi bệnh chuyển nặng. Bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Năm- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- khuyến cáo, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi trẻ bị sốt cao. Bởi đưa đến bệnh viện trễ hoặc tự mua thuốc uống không đúng sẽ gây nguy hiểm. Cũng bởi bệnh nếu được điều trị kịp thời, đến ngày thứ 7 tính từ khi trẻ bị SXH là bệnh sẽ hết. Bệnh sẽ có dấu hiệu trở nặng, dẫn đến nguy hiểm tính từ ngày thứ 4 trở đi nếu không tiến hành điều trị kịp thời, đúng cách.
Nhiều người đã rất ý thức phòng chống SXH
Chị Thanh Thảo (Phường 2- TP Vĩnh Long) lo ngại: “Lo nhất là vào buổi chập choạng, muỗi vằn nhiều. Tôi thường mặc áo quần dài tay, che chắn kỹ lưỡng cho con để con không bị muỗi chích”.
Chuồng nuôi bò, gà ở ngay sau nhà, nơi ẩm thấp và có nước đọng, nên chị Hồng Phượng (32 tuổi, xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) rất để ý nhắc nhở con đừng chơi đùa ở nơi ẩm, tối và mặc quần áo dài tay cho con trai 3 tuổi và cả đứa con gái lớn đang học lớp 7. Vì “nghe trên đài báo nói trẻ 10- 15 tuổi cũng bị SXH như thường”- chị Hồng Phượng giải bày.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho hay, đến nay cơ quan y tế dự phòng phối hợp với các trung tâm y tế tuyến huyện hoàn thành phun thuốc diệt muỗi tại 11 xã- phường, diệt lăng quăng tại 16 xã- phường theo kế hoạch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống SXH” 2015. Qua đó, phổ biến các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm bắt nguồn từ con muỗi trong cộng đồng dân cư. Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, người dân đã rất ý thức trong việc bảo vệ con em không để muỗi chích dẫn đến mắc bệnh SXH, ý thức hơn trong giữ môi trường sinh sống xung quanh và trong nhà quang quẻ, sạch sẽ để hạn chế lăng quăng và muỗi.
Kế hoạch trong tháng 9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục điều tra côn trùng dự án SXH ở thị trấn Long Hồ (Long Hồ), xã Long Mỹ (Mang Thít), xã Trung Thành (Vũng Liêm); chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, cung cấp kịp thời cho các trung tâm y tế huyện để sẵn sàng phòng chống dịch; phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền phòng chống SXH .
Để phòng bệnh SXH, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: - Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. - Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông, bát nước kê chân chạn. - Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... - Ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. - Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. - Khi bị sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin