25 năm kể từ khi trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở TP Hồ Chí Minh vào tháng 12/1990, cùng với sự nỗ lực của toàn xã hội và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang ra sức khống chế và giảm trường hợp nhiễm mới.
25 năm kể từ khi trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở TP Hồ Chí Minh vào tháng 12/1990, cùng với sự nỗ lực của toàn xã hội và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang ra sức khống chế và giảm trường hợp nhiễm mới. Việc cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đạt được bước tiến quan trọng, hướng đến mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030.
Sớm tiếp cận với các chương trình tư vấn chăm sóc và điều trị sẽ giảm tỷ lệ tử vong vì AIDS. |
25 năm chống chọi với căn bệnh thế kỷ
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 226.900 trường hợp nhiễm HIV, trong đó trên 71.400 người bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS và trên 71.300 trường hợp người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong. Số người nhiễm HIV được phát hiện hàng năm có xu hướng giảm trong 7 năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao (khoảng 12.000- 14.000 trường hợp nhiễm mới mỗi năm). Đến cuối năm 2014, tất cả tỉnh- thành, 98,9% quận- huyện và 80,3% số xã- phường trên cả nước đã có người nhiễm HIV. Một số xã- phường có số người nhiễm HIV cao gấp 10 lần số ca nhiễm trung bình của toàn quốc và tập trung chủ yếu ở các vùng xa và dân tộc thiểu số. HIV ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở 3 nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao là người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ bán dâm.
Số liệu của Cục Phòng chống HIV/AIDS, đến tháng 12/2014, đã có 92.843 người nhiễm HIV được điều trị ARV miễn phí, trong đó 88.321 người lớn và 4.522 trẻ em. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy và phụ nữ bán dâm đã giảm đáng kể nhờ những hoạt động can thiêp dự phòng. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã điều trị trên 25.000 người tiêm chích ma túy.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được cải thiện rõ rệt. Độ bao phủ xét nghiệm HIV trong phụ nữ mang thai tăng từ 11% năm 2005 lên 71% vào năm 2014. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm từ 10,8% năm 2010 xuống còn 3,2% trong năm 2014.
Năm 2030: kết thúc AIDS
Nhằm hướng đến mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030, Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ các biện pháp can thiệp theo chiến lược 90- 90- 90. Nghĩa là vào năm 2020, 90% người nhiễm HIV được biết tình trạng HIV của họ, 90% người nhiễm HIV đã biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người nhiễm HIV điều trị ARV đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Việt Nam đang tập trung can thiệp vào nhóm có hành vi nguy cơ cao theo hướng chăm sóc liên tục từ tiếp cận- xét nghiệm- điều trị- duy trì điều trị với mục tiêu chẩn đoán sớm để điều trị sớm thông qua phương pháp tiếp cận cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, tiếp cận mới trong chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào việc mở rộng điều trị ARV, lồng ghép điều trị HIV/AIDS vào hệ thống y tế chung, ưu tiên hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, chuyển các dịch vụ chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, dự phòng và hỗ trợ HIV/AIDS vào hệ thống y tế cơ sở.
Tại Vĩnh Long, theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế tỉnh, hiện đang duy trì Phòng khám Ngoại trú người lớn, nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Phòng khám Ngoại trú người lớn tại Bệnh viện Đa khoa TX Bình Minh nhằm đáp ứng tốt nhất việc chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV. Song song đó, nhiều dịch vụ thiết yếu và thân thiện đã được hình thành và phát triển như chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội. Ngành giáo dục lồng ghép nội dung phòng chống HIV/AIDS vào các chương trình ngoại khóa, phong trào thi đua.
Theo bác sĩ Lê Văn Việt- Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, trong 6 tháng đầu năm 2015, số người nhiễm mới HIV giảm 49 trường hợp, giảm 20 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS. Đạt được kết quả trên là do bệnh nhân được tiếp cận với các chương trình điều trị sớm. Bên cạnh đó là vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ chuyên trách AIDS, cộng tác viên và đồng đẳng viên trong việc tuyên truyền và giới thiệu cơ sở điều trị cho người bệnh.
Một số điểm sẽ được ưu tiên trong chăm sóc và điều trị HIV trong giai đoạn tới là: chẩn đoán sớm và điều trị sớm; hình thành chuỗi cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV liên tục từ tiếp cận đối tượng nguy cơ cao tới chẩn đoán nhiễm HIV, điều trị ARV và duy trì điều trị lâu dài; tập trung cung cấp dịch vụ vào khu vực địa lý có nhiều người nhiễm và nhiều đối tượng nguy cơ cao; lồng ghép các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS vào hệ thống y tế sẵn có; phân cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị tại tuyến y tế cơ sở; kết nối CLB với các tổ chức dân sự xã hội và các tổ chức hỗ trợ dựa vào cộng đồng, CLB đồng đẳng và các tổ chức xã hội khác; tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ. |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin