Hàng năm, Vĩnh Long đều đạt chỉ tiêu trên 95% trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (CTTCMR) quốc gia.
[links()]
Hàng năm, Vĩnh Long đều đạt chỉ tiêu trên 95% trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (CTTCMR) quốc gia. Qua đó đã làm giảm rõ rệt, khống chế, đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ. Nhiều bệnh nhiễm như bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, bại liệt,... trong khoảng 10 năm trở lại đây được ghi nhận không còn tại tỉnh.
Nhiều bệnh nhiễm nguy hiểm đã được thanh toán, đẩy lùi. Tương lai sẽ có nhiều bệnh nữa được khống chế, bắt nguồn từ việc bao phủ đầy đủ vắc xin phòng bệnh. |
Tiêm ngừa vắc xin- thay đổi tình hình bệnh tật
Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Vĩnh Long) cung cấp số liệu 25 năm tỉnh nhà bắt đầu thực hiện tiêm chủng thường xuyên trong CTTCMR, tại thời điểm năm 2012. Cập nhật 3 năm nay, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết, thay vì được tiêm theo chiến dịch đối với vùng có nguy cơ cao trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản B, tháng 6/2015 rồi vắc xin này được đưa vào tiêm chủng mở rộng tại địa phương theo yêu cầu Bộ Y tế. “Hồi đó, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin DCT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) từ mũi 1 đến mũi 3 là hết, thì nay trẻ tiếp tục được tiêm nhắc mũi 4. Tương tự trẻ được 9 tháng tuổi sẽ được tiêm mũi sởi đơn liều, đến 18 tháng tuổi sẽ tiêm nhắc lại mũi sởi đơn liều thứ 2, thì nay mũi tiêm lúc trẻ 18 tháng tuổi sẽ là vắc xin tổ hợp ngừa sởi- rubella. Cũng nhiều năm trước, hầu hết vắc xin tiêm đơn liều cho trẻ, thì bây giờ ngành y tế đã đưa vắc xin phối hợp vào để tiêm một lượt cho trẻ, cộng với cập nhật vắc xin ngừa các bệnh mới, như vắc xin 5 trong 1 đã gồm có ngừa bệnh viêm phổi hoặc viêm màng não do vi khuẩn Hib”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nói điểm mới của tiêm chủng thời gian gần đây.
Như vậy nay sau 30 năm, tỉnh đã triển khai tiêm chủng thường xuyên tại 100% xã- phường- thị trấn được 10 loại vắc xin tiêm miễn phí cho trẻ trong CTTCMR để phòng bệnh: lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, rubella, sởi, viêm não Nhật Bản B. Đồng thời bổ sung 2 mũi tiêm nhắc sởi mũi 2 (tức là mũi tiêm sởi- rubella) và DPT mũi 4 (bạch hầu, ho gà, uốn ván). Riêng vắc xin ngừa bệnh tả, thương hàn chỉ sử dụng cho những vùng nguy cơ.
20 năm trước (1995), CTTCMR ở Vĩnh Long triển khai 6 loại vắc xin phòng bệnh (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi), bao phủ được 50% số huyện trong tỉnh. Đến nay, qua 30 năm tỉnh triển khai CTTCMR, đã đạt nhiều thành quả đáng kể trong việc mở rộng địa bàn và nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng. Theo bác sĩ Văn Công Minh- Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, CTTCMR đóng một vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi cơ bản tình hình các bệnh tật truyền nhiễm của trẻ em, góp phần thực hiện thành công việc chăm sóc sức khỏe trẻ em nói riêng và sức khỏe cộng đồng người dân Vĩnh Long nói chung.
Luôn nhớ đến lịch tiêm ngừa
Hầu hết phụ huynh bây giờ đã ý thức rất cao trong việc đưa con em mình tới trạm y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh. |
Bởi chỉ có tiêm ngừa đúng lịch, đủ liều mới tăng khả năng bảo vệ trẻ trước bệnh truyền nhiễm. Số liệu về tiêm chủng cho thấy, bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, bại liệt,... trong khoảng 10 năm trở lại đây không ghi nhận tại tỉnh. Tỉnh đang rất nỗ lực để giảm số mắc sởi trên tinh thần của cả nước nhằm giảm gánh nặng và tiến tới loại trừ bệnh này tại Châu Á- Thái Bình Dương vào năm 2017.
Anh Nguyễn Việt Hùng (ấp Mỹ Hưng, xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) làm nghề buôn bán, nói dẫu bận thế nào vợ anh cũng nhớ ngày đưa con (nay đã 3 tuổi) đi tiêm ngừa ở thời điểm bé chưa tròn tuổi. Con trai anh bụ bẫm, dễ thương, rất ít bệnh vặt. Chị Nguyễn Hoàng Thanh Thảo (Phường 2- TP Vĩnh Long) là công chức nhà nước, giữ rất kỹ cuốn sổ tay tiêm chủng mà cán bộ y tế phường đưa. Con chị nay 8 tháng tuổi, khi chúng tôi hỏi về lịch tiêm ngừa, chị nói “nhớ đâu tháng 9 sẽ đưa đứa nhỏ đi chích ngừa vắc xin sởi như ghi trong lịch tiêm chủng”. Nhiều phụ huynh mà phóng viên gặp phỏng vấn tại trạm y tế thì nhiều người nhớ rất rõ, có người mang máng nhớ, có người ít khi giở cuốn sổ theo dõi tiêm ngừa ra coi, nhưng đều chung mối quan tâm là... đến ngày tháng thì chủ động, tranh thủ đưa con trong độ tuổi đi tiêm ngừa. “Người dân đã ngày càng thấy được hiệu quả của việc sử dụng vắc xin bảo vệ con em mình trước các bệnh truyền nhiễm”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân đúc kết.
Tỷ lệ bao phủ các loại vắc xin trong tiêm chủng thường xuyên ở tỉnh hàng năm luôn đạt cao hơn 95% yêu cầu. Và dẫu đâu đó ở các địa phương khác xảy ra tai biến sau tiêm ngừa (được ngành y tế kiểm chứng do lỗi kỹ thuật chứ không phải do vắc xin) thì ít nhiều vẫn ảnh hưởng tới tỷ lệ tiêm chủng chung vắc xin trong CTTCMR. Nhưng những “hạt sạn” ấy cũng sẽ tiêu biến để nhường cho sự tin tưởng của đại bộ phận người dân mà rõ rệt nhất là thông qua việc đưa trẻ đi tiêm ngừa đã cung cấp đủ miễn dịch phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho con em mình.
Tổng hợp lịch tiêm ngừa cho trẻ theo quy định Bộ Y tế
STT |
Tuổi của trẻ |
Vắc xin sử dụng |
1 |
Sơ sinh |
Tiêm vắc xin viêm gan B (VGB) mũi 0 trong 24 giờ đầu sau sinh Tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao |
2 |
2 tháng |
Tiêm vắc xin bạch hầu- ho gà- uốn ván- Hib- viêm gan B mũi 1 (vắc xin 5 trong 1) Uống vắc xin bại liệt lần 1 |
3 |
3 tháng |
Tiêm vắc xin bạch hầu- ho gà- uốn ván- Hib- viêm gan B mũi 2 (vắc xin 5 trong 1) Uống vắc xin bại liệt lần 2 |
4 |
4 tháng |
Tiêm vắc xin bạch hầu- ho gà- uốn ván- Hib- viêm gan B mũi 3 (vắc xin 5 trong 1) Uống vắc xin bại liệt lần 3 |
5 |
9 tháng |
Tiêm vắc xin sởi mũi 1 |
6 |
12 tháng |
Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản Tiêm 2 mũi khi trẻ 1 tuổi. Mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 2 tuần. Tiêm mũi thứ ba sau mũi thứ hai 1 năm. |
7 |
18 tháng |
Tiêm vắc xin bạch hầu- ho gà- uốn ván mũi 4 Tiêm vắc xin sởi- rubella (mũi nhắc sởi mũi 1) |
8 |
Từ 2- 5 tuổi
|
Uống 2 liều vắc xin phòng bệnh tả (tại các vùng có nguy cơ dịch) |
9 |
Từ 3- 10 tuổi
|
Tiêm 1 mũi vắc xin ngừa thương hàn (tại các vùng có nguy cơ dịch) |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin