Trên cơ sở dự báo của Trung tâm Khí tượng- Thủy văn Trung ương, mùa hè năm 2015 tiếp tục có những đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng, kéo dài trên phạm vi cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
[links()]
Trên cơ sở dự báo của Trung tâm Khí tượng- Thủy văn Trung ương, mùa hè năm 2015 tiếp tục có những đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng, kéo dài trên phạm vi cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Bệnh nhi tay chân miệng điều trị nội trú tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. |
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh và phòng tránh tác hại của nắng nóng đến sức khỏe người dân, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè như: sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), viêm màng não do não mô cầu, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp (sởi, quai bị,...).
SXH, TCM là 2 bệnh khá “nhạy cảm”, xảy ra liên tục và gần như mỗi ngày ở Vĩnh Long đều ghi nhận ca mắc mới 1 trong 2 bệnh truyền nhiễm này. Trong tháng 5, ghi nhận 13 ca mắc bệnh SXH, tích lũy đầu năm đến nay có 180 ca bệnh, tăng 5,88% so 170 ca bệnh cùng kỳ 2014. Trong tháng 5 số mắc hội chứng TCM là 106 ca, tăng 73,77% so tháng 4.
Dù vậy đến thời điểm trên thì tổng số ca bệnh TCM chỉ 713/1.366 so cùng kỳ năm ngoái (giảm 47,8%). Bệnh sởi, từ đầu năm đến nay tỉnh không ghi nhận ca mắc. Tích cực hơn so năm ngoái, khi số trường hợp sốt phát ban nghi sởi chiếm cao (khoảng 200) và số ca dương tính với sởi trong cả năm “đột biến” với hơn 50 trường hợp.
Sáng 4/6, ghi nhận của phóng viên tại Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, lượng bệnh nhi điều trị bệnh TCM, SXH, sốt siêu vi có rải rác. Tùy thời điểm, bệnh nhi đến khám, nhập viện có lúc đông, lúc ít. Tại một buồng bệnh TCM, một cháu bé 30 tháng tuổi bị TCM độ 2A đang nằm viện theo dõi. Tại một buồng bệnh khác, có đến 7- 8 giường bệnh có bệnh nhân, từ trên 1 tuổi đến 14 tuổi, chủ yếu mắc các bệnh SXH, sốt siêu vi và một vài phụ huynh nói “nằm đây đã vài ngày đến gần cả tuần rồi”.
Tuy vậy, đến thời điểm này, tuy số mắc các bệnh truyền nhiễm ở tỉnh giảm và giảm sâu, nhưng đã có 2 ca là người ở địa bàn tử vong: một ca tử vong do SXH, một ca tử vong do viêm não vi rút. Đáng nói, 2 mặt bệnh nói trên nằm trong số những bệnh mà Bộ Y tế khuyến cáo tăng cường phòng chống trong mùa hè. Đáng lưu ý hơn là tỷ lệ tử vong/số mắc SXH là 1/180 và viêm não vi rút 1/1 tính đến thời điểm này tại địa phương.
Sở Y tế Vĩnh Long cho biết trong tháng 6 sẽ tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch như: cúm A (H5N1, H1N1, H7N9; H5N8), SXH, TCM, tiêu chảy cấp, dịch tả, sởi, thủy đậu, sốt rét,... để xử lý kịp thời, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, sẵn sàng chống dịch triệt để, ngăn ngừa sự lây lan. Tháng này, ngành y tế cũng tiến hành điều tra côn trùng dự án SXH ở thị trấn Long Hồ (Long Hồ), xã Long Mỹ (Mang Thít), xã Trung Thành (Vũng Liêm). Các hoạt động trên gắn với tuyên truyền mạnh mẽ hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH, cùng với chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi chủ động trên diện rộng của ngành y tế tỉnh.
Nắng nóng vẫn còn gay gắt, y tế địa phương nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Khi vào mùa mưa, tình hình này cũng tiếp tục phức tạp với nhiều mặt bệnh tỷ lệ thuận với thời tiết ẩm, mưa nhiều: SXH, cảm cúm, các bệnh về đường hô hấp,... Bác sĩ khối điều trị luôn khuyến cáo người dân hãy chủ động theo dõi, tham khảo khuyến cáo nâng cao kiến thức mình để tự dự phòng, hạn chế mắc bệnh cho con em.
Ngày 1/6/2015, Bộ Y tế có công văn gửi các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế các tỉnh- thành; y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác khám chữa bệnh do thời tiết nắng nóng và phòng chống dịch bệnh mùa hè, với nhiều yêu cầu cụ thể. Tại cộng đồng: tuyên truyền cho người dân hiểu và phòng tránh tác hại do nắng nóng đối với sức khỏe như: say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức, gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ, gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, sốt cao co giật. Chú ý đối tượng dễ tổn thương: người già, phụ nữ có thai, trẻ em, người lao động làm việc ngoài trời, người bệnh đang điều trị các bệnh: tim mạch, phổi mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường,... Bộ Y tế nêu yêu cầu chi tiết đối với từng khoa khám bệnh, khoa điều trị tại cơ sở y tế có giường bệnh, các bệnh viện về việc thực hiện hướng dẫn cải tiến quy trình khám chữa bệnh. Yêu cầu các cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè và bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp, giám sát chặt chẽ việc khám chữa bệnh trong những ngày nắng nóng bất thường, các diễn biến đặc biệt để kịp thời giải quyết. |
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin