Y tế Vĩnh Long ngày ấy- bây giờ

02:05, 05/05/2015

Sau ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975), Ty Y tế Vĩnh Long trong kháng chiến chống Mỹ tiếp quản một số cơ sở y tế của chế độ cũ, hình thành bộ máy của ngành y tế trong giai đoạn mới.

[links()]

Sau ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975), Ty Y tế Vĩnh Long trong kháng chiến chống Mỹ tiếp quản một số cơ sở y tế của chế độ cũ, hình thành bộ máy của ngành y tế trong giai đoạn mới.

Hệ thống tổ chức bộ máy qua từng thời kỳ có những thay đổi về tổ chức theo mô hình của Bộ Y tế, phù hợp với từng giai đoạn phát triển chung của tỉnh và cả nước.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long (giữa)- trong một lần thực tế nắm tình hình khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long (giữa)- trong một lần thực tế nắm tình hình khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Sau 40 năm, vẫn còn đó những khó khăn nhất định nhưng chỉ số phát triển con người (HDI), trong đó chỉ số y tế có thời điểm Vĩnh Long đã vươn lên đứng đầu khu vực ĐBSCL (báo cáo khoa học năm 2005), là thành quả rất đáng tự hào.

Xây nền móng ban đầu

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành y tế tỉnh Cửu Long (Vĩnh Long- Trà Vinh) tiếp quản cơ sở vật chất y tế của chế độ cũ, đồng thời bắt tay ngay vào việc chăm sóc sức khỏe cho thương bệnh binh và nhân dân. Lực lượng lúc này gồm các cán bộ y tế phục vụ kháng chiến gồm cả quân và dân y. Sau khi tiếp quản cán bộ y tế được điều động từ các vùng, miền về, một số được đào tạo trong chiến tranh đa số là y sĩ, y tá và cứu thương. Lực lượng thầy thuốc chế độ Sài Gòn chỉ còn lại một số ít được lưu dụng. Trang thiết bị y tế thiếu thốn và đơn giản, thiếu chuyên khoa, không có chuyên khoa sâu. Về cơ sở vật chất, ngành y tế Cửu Long tiếp quản bệnh viện tại TX Vĩnh Long khoảng 200 giường và nhanh chóng triển khai, khôi phục hoạt động bình thường (lúc này bệnh viện có 7 bác sĩ (BS) và khoảng 200 cán bộ nhân viên). Toàn TX Vĩnh Long, có khoảng 12 phòng mạch tư và một số phòng chữa răng tư, 10 nhà thuốc tây.

Năm 1976, ngành chỉ có 27 BS, 6 dược sĩ đại học, 184 y sĩ và dược sĩ trung cấp. Đây là giai đoạn công tác đào tạo diễn ra ồ ạt, nhằm đủ cán bộ cho mô hình y tế trong tình hình mới. Trường Trung cấp Y tế có lúc lên đến 2.000 học viên. Tỉnh cử nhiều cán bộ đi học chuyên tu BS, dược sĩ đại học. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Là người trực tiếp tham gia công tác lãnh đạo ngành y tế Vĩnh Long từ những năm đầu tiên, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên tục từ năm 1977- 1989, BS chuyên khoa II Nguyễn Hồng Trung- nguyên Giám đốc Sở Y tế- cho biết: “Giai đoạn năm 1976- 1992, do khó khăn về mọi mặt nên dù đã có bước phát triển mạnh, ngành y tế vẫn trong tình trạng chậm phát triển. Cơ sở phòng ốc của các bệnh viện huyện đa số vẫn chấp vá. Nhiều bệnh viện sử dụng tạm các cơ sở như: kho lúa, đình, chùa, phòng học,... hoặc quá nhỏ bé, xập xệ thiếu các điều kiện cần thiết cho một bệnh viện quy mô toàn huyện, như các bệnh viện: Càng Long, Châu Thành, Mang Thít, Long Hồ, Bình Minh, Tam Bình... Trang thiết bị phục vụ nói chung là cũ kỹ, lạc hậu và thiếu trầm trọng”.

Tuy nhiên, sự nỗ lực của toàn ngành đã giúp vượt qua giai đoạn khó khăn, để tiếp nối những năm sau đó là bước phát triển “nhảy vọt” về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế.

Đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân

Sau khi tách tỉnh năm 1992, chỉ 2 năm sau, toàn tỉnh Vĩnh Long đã có 61 trạm y tế được ngói hóa và đến năm 1999 nâng lên 90/107 trạm. Đến năm 2000, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 3 bệnh viện đa khoa huyện xây mới đưa vào sử dụng (Mang Thít, Long Hồ và Tam Bình). Từng bước ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến trong khám chữa bệnh nên chất lượng khám và trị bệnh tại các cơ sở y tế ngày càng tốt hơn. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của cán bộ y tế ngày càng được nâng cao. Từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện huyện, đều có các trang thiết bị thiết yếu, từng bước hiện đại.

Chưa đầy 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, có thể xem đây là bước phát triển mạnh mẽ, đáng tự hào nếu so sánh với giai đoạn 10 năm từ 1976- 1986 mà BS Nguyễn Hồng Trung gọi là “cực kỳ khó khăn”, ngân sách đầu tư cho ngành y tế rất ít, trang thiết bị lạc hậu. Hầu hết các cơ sở y tế đều tận dụng nhà phố hoặc các phòng mạch tư để lại sau năm 1975. Những cơ sở xây cất mới cũng chủ yếu bằng tre, lá như Trường Trung cấp y tế, Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh, nhất là các trạm y tế xã- phường.

Sau khi tái lập tỉnh, hoạt động y tế tiếp tục được duy trì, song khó khăn là do biến động nhân sự, chia tách và thành lập mới một số đơn vị. Ở tuyến tỉnh, củng cố 12 đơn vị trực thuộc. Tuyến huyện có 7 trung tâm y tế, trong đó có 6 bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện y học dân tộc miễn phí. Tuyến xã- phường có 72 đơn vị gồm 5 phòng khám đa khoa khu vực liên xã, 67 trạm y tế. Các mục tiêu chương trình quốc gia y tế được duy trì và mở rộng. Các cơ sở y dược tư nhân được hình thành và phát triển làm cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe có thêm nguồn lực, giảm áp lực cho các cơ sở y tế công lập. Hoạt động khám chữa bệnh được nâng dần về chất lượng. Người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế thuận lợi hơn.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh được nhận chứng chỉ ISO 9001:2000 vào ngày 30/6/2006. Về công tác khám chữa bệnh, còn tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cao từ các bệnh viện tuyến trên, ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại cứu sống bệnh nhân và điều trị hiệu quả theo Đề án 1816 như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Từ Dũ…

BS Trần Văn Út- Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho rằng: “Công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân ở Vĩnh Long liên tục phát triển trong 40 năm qua về cả quy mô lẫn chất lượng các dịch vụ y tế, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh của tỉnh, tạo niềm tin của nhân dân đối với con đường đổi mới của Đảng. Trong tương lai, ngành y tế Vĩnh Long vẫn đứng trước vận hội và thách thức mới trên con đường phát triển. Với chức năng chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, chắc chắn ngành y tế sẽ từng bước phát triển, hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng tốt nhu cầu ”.

Là một thầy thuốc gắn bó máu thịt với ngành y tế Vĩnh Long từ những ngày đầu giải phóng, luôn trăn trở quan tâm và dõi theo từng bước phát triển của y tế tỉnh nhà, giờ nhìn lại BS Nguyễn Hồng Trung không khỏi bồi hồi, xúc động: “Ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đã trải qua những thăng trầm, một chặng đường không bằng phẳng. Trong những thay đổi lớn, đan xen thuận lợi, còn ngổn ngang những khó khăn và trở ngại mà biết bao thầy thuốc phải đổ nhiều mồ hôi, công sức để tạo dáng và định hình một ngành y tế có đủ sức vươn tới những mục tiêu cao hơn”.

Nhân lực y tế tỉnh Vĩnh Long (tính đến tháng 6/2014) là 3.224 người, trong đó có 562 BS, 56 dược sĩ đại học (trong đó, có 1 tiến sĩ y khoa, 11 thạc sĩ BS, 19 BS chuyên khoa cấp II, 259 BS chuyên khoa cấp I; 2 thạc sĩ dược, 10 dược sĩ chuyên khoa I). Số cán bộ chuyên môn y dược sau và trên đại học ở tuyến tỉnh là 310 người, tuyến huyện- thị là 131 và 27 ở xã- phường. Số BS trên một vạn (10.000) dân đạt 5,87 người, số giường bệnh cho một vạn dân là 24,36 giường.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh