Phòng ngừa và điều trị bệnh răng miệng

07:01, 30/01/2015

Số dân các độ tuổi mắc các bệnh về răng miệng (sâu răng, nha chu) khá cao và đội ngũ bác sĩ chuyên môn nha khoa thấp là các vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa và điều trị bệnh răng miệng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Số dân các độ tuổi mắc các bệnh về răng miệng (sâu răng, nha chu) khá cao và đội ngũ bác sĩ chuyên môn nha khoa thấp là các vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa và điều trị bệnh răng miệng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Đã có ít nhất 8 bác sĩ RHM tại thời điểm tháng 10/2014 về các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, trung tâm y tế và các đơn vị trực thuộc sở để đảm nhiệm chuyên môn này.

Bệnh sâu răng, nha chu chiếm cao

Đa số người dân mắc bệnh sâu răng, với 82,9%; sâu răng sữa ở trẻ 6 tuổi trầm trọng, mỗi trẻ có trung bình 7 răng sâu không điều trị; 93% người dân 35- 44 tuổi sâu răng và ở người 65- 74 tuổi là 98%; trên 90% người dân ở 2 độ tuổi trên đều có vấn đề về nha chu.

Tỷ lệ người có vấn đề về nha chu tăng dần theo lứa tuổi... Đó là các thông số về thực trạng, được nêu trong đề tài khoa học “Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa và điều trị bệnh răng miệng cho người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” do Tiến sĩ Trần Thị Phương Đan- Trưởng khoa Răng hàm mặt (RHM), Trường Đại học Y dược Cần Thơ và nhóm cộng sự thực hiện. Đề tài thu thập số liệu tại 4 huyện: Long Hồ, Vũng Liêm, Tam Bình và TP Vĩnh Long trong năm 2014.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Phương Đan: phòng bệnh răng miệng hiện chủ yếu do ý thức của người dân, và các chương trình cộng đồng sẽ không hiệu quả nếu không có sự tham gia tích cực của họ.

Biện pháp được chứng minh hiệu quả là chải răng kết hợp việc tăng cường sử dụng fluor (kem đánh răng có fluor, súc miệng với fluor, fluor hóa nước máy). Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân có thể đi khám định kỳ răng miệng một lần/năm để sớm phát hiện bệnh.

Theo khảo sát, mặc dù mạng lưới y tế phủ 109/109 xã- phường- thị trấn với cơ sở vật chất khá tốt, trang thiết bị nha khoa tuy còn đơn giản nhưng đủ để chăm sóc sức khỏe răng miệng ban đầu cho người dân, song tỷ lệ này vẫn chiếm thấp, khi hiện nay 8/10 bệnh viện các tuyến ở tỉnh và 11/109 trạm y tế tuyến xã là có điều trị bệnh răng miệng, không có trung tâm y tế huyện nào có chức năng này. Dù vậy, vấn đề răng miệng trong y tế học đường được các ngành nỗ lực phối hợp thực hiện và đã đạt kết quả đáng kể.

Năm qua, y tế dự phòng tỉnh cho biết có 100/100 trường tiểu học đăng ký cho học sinh súc miệng bằng fluor (đạt 100%). Trong năm, tỷ lệ học sinh được khám chữa răng đạt cao so yêu cầu đề ra (115,9%).

Tăng đầu tư nhân lực, vật lực

Trong phạm vi nghiên cứu, số bác sĩ RHM và y sĩ nha khoa tại Vĩnh Long chiếm thấp. Trung bình một bác sĩ RHM cơ sở công lập điều trị cho 49.000 người dân; một nhân viên nha khoa công lập điều trị cho 25.000 người dân; tính chung y tế công/tư, bác sĩ RHM có đăng ký hành nghề là 31/1,032 triệu dân số tỉnh. “Khó khăn nhất vẫn là thiếu nhân lực đảm trách vai trò đó (điều trị bệnh về răng miệng)”- Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thúy- Khoa RHM Trường ĐH Y dược Cần Thơ cho biết.

Tháng 10/2014, Sở Y tế Vĩnh Long tổ chức lễ tiếp nhận và phân công 18 tân bác sĩ, dược sĩ (tốt nghiệp Trường ĐH Y dược Cần Thơ, ĐH Tây Nguyên) các hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng, cử tuyển.

Trong đó, hệ địa chỉ sử dụng có 8 bác sĩ RHM, 6 dược sĩ; hệ cử tuyển 2 bác sĩ đa khoa, 2 dược sĩ. Có 11 đơn vị, cơ sở y tế trực thuộc sở, trong đó có nhiều bệnh viện đa khoa tiếp nhận số nhân lực này.

Bác sĩ Trần Văn Út- Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long cho rằng, với đội ngũ vừa bổ sung này, cộng với lực lượng y sĩ, bác sĩ đa khoa sẽ tốt nghiệp trong năm nay tiếp tục về tỉnh, kỳ vọng nguồn nhân lực y tế tỉnh sẽ khỏa lấp dần sự thiếu hụt, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.

Trong số đó, riêng khối nhân lực ngành RHM, cũng cải thiện đáng kể so với báo cáo đã nêu. TS Trần Thị Phương Đan cho rằng: Việc tỉnh tiếp nhận một số bác sĩ đào tạo theo địa chỉ chuyên ngành RHM về công tác tại bệnh viện đa khoa các huyện, đó là giải pháp tốt giúp giải quyết nhân lực cho tuyến dưới.

Và như nhiều địa phương đã và đang làm, đó là ngành y tế tỉnh cần có giải pháp thu hút, đãi ngộ, tạo điều kiện cho bác sĩ về huyện, xã để người dân được tiếp cận các dịch vụ điều trị.

Đề tài nghiên cứu khoa học này là đặt hàng của Sở Khoa học- Công nghệ, Sở Y tế Vĩnh Long với Trường ĐH Y dược Cần Thơ mà cụ thể là Khoa RHM của trường triển khai thực hiện, từ tháng 8/2013 đến tháng 1/2015. Trong phạm vi rộng, đây là việc cụ thể hóa hợp tác toàn diện của tỉnh Vĩnh Long với ĐH Y dược Cần Thơ với nhiều nội dung trong lĩnh vực y tế. 

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh