Một năm ghi nhận các bệnh truyền nhiễm sụt giảm

09:01, 09/01/2015

Có thể nói trong năm 2014, ngoại trừ bệnh sởi “có số mắc tăng đột biến so các năm qua”, còn lại các bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường tiêu hóa, hô hấp, véc-tơ hầu hết có số mắc giảm và giảm mạnh so cùng kỳ năm 2013.


Vĩnh Long đang triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella trên diện rộng, nhằm miễn dịch phòng sởi trong cộng đồng.

Có thể nói trong năm 2014, ngoại trừ bệnh sởi “có số mắc tăng đột biến so các năm qua”, còn lại các bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường tiêu hóa, hô hấp, véc-tơ hầu hết có số mắc giảm và giảm mạnh so cùng kỳ năm 2013.

Các bệnh “nóng” đã sụt giảm

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2014, tổng số lượt khám bệnh tay chân miệng là 4.718 (năm 2013: 3.220), số ca điều trị 1.402 (năm 2013: 1.311), và cả 2 năm qua đều không ghi nhận có trẻ tử vong do bệnh lý này.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Năm- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đều ở thể nhẹ (độ 1, 2A), thể nặng (độ 2B, 3, 4) chiếm ít và các ca bệnh nặng đều được điều trị thành công.

Dẫn chứng tham luận trong khám điều trị bệnh truyền nhiễm này, bác sĩ Phan Văn Năm cho hay, qua nghiên cứu trên 100 bệnh nhi nhập viện điều trị tay chân miệng từ độ 2B trở lên, kết quả cho thấy nhóm trẻ mắc bệnh nhiều nhất là từ 3 tuổi trở xuống (91,7%), trẻ trên 3 tuổi mắc rất thấp, trẻ 5 tháng tuổi cũng có thể mắc tay chân miệng. Do đó vì nhiều nguyên nhân, khả năng trẻ rất dễ mắc bệnh truyền nhiễm này trong cộng đồng.

Ở hệ dự phòng, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long- nhận xét, bệnh tay chân miệng dù số mắc giảm nhưng vẫn còn cao và diễn biến mắc mới vẫn cao nhất các tháng cuối năm.

Năm 2014, bệnh truyền nhiễm này giảm nhẹ so cùng kỳ. Báo cáo từ Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm thuộc cơ quan này cho thấy, từ 1/1/2014 đến tháng 12/2014, y tế dự phòng ghi nhận hơn 3.300 ca mắc tay chân miệng. Tuần đầu tháng 1/2015 đã có 28 ca bệnh này được báo.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân thông tin thêm: Năm qua, y tế dự phòng đã phát hiện và xử lý thành công 297/297 ổ dịch nhỏ bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và trường học; cung cấp Cloramin B, kết hợp với các nơi này xử lý vệ sinh môi trường.

Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết có số ca mắc giảm rất mạnh so cùng kỳ và không có trường hợp tử vong so với một trường hợp tử vong năm ngoái.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân: “Sốt xuất huyết dù giảm mạnh, nhưng rải đều khắp các địa bàn, nhưng chính vì không tập trung như vậy... mới đáng lo. Bởi do quần thể bệnh (lăng quăng, muỗi) xuất hiện rộng, và nếu dịch bệnh bùng phát là bùng phát diện rộng”.

Năm qua, y tế dự phòng cũng đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi cho 36 xã- phường nguy cơ cao đồng thời xử lý 38/39 ổ dịch nhỏ bệnh truyền nhiễm này.

Chỉ có sởi là “tăng đột biến”

Bệnh sởi, năm 2014 cả tỉnh ghi nhận số mắc tăng đột biến so các năm trước, với 51 trường hợp dương tính với sởi trong 218 ca sốt phát ban được ghi nhận. Và bệnh này trong các tháng cuối và đầu năm mới, với thời tiết chuyển hanh, lạnh, nên nguy cơ mắc bệnh tăng cao.
 
“Y tế dự phòng đang tập trung triển khai tiêm đợt 3 của chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella và các mũi sởi đơn liều (mũi 1- 9 tháng và mũi 2- 18 tháng) trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ toàn tỉnh đồng thời với việc tăng cường giám sát tiêm chủng để đạt mục tiêu đề ra.

Làm tốt điều này, đảm bảo cộng đồng trẻ được bảo vệ miễn dịch trước sởi các năm sau đó”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nói. Tính đến nay, 2 mũi tiêm vét sởi cho trẻ 9- 24 tháng tuổi từ hơn giữa năm qua đạt lần lượt 94,06% (mũi 1) và 96,46% (mũi 2).

Riêng chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella trong tiêm chủng mở rộng (3 đợt, từ tháng 10/2014 đến tháng 2/2015), toàn tỉnh đã tiêm đợt 1 đạt trên 97% và đợt 2 đạt hơn 96%, đạt yêu cầu phải có trên 95% đối tượng cần tiêm.

Phía ngành y tế tỉnh cho biết, tiếp tục tập trung vào truyền thông, tuyên truyền việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường bằng rửa tay bằng xà phòng cho học sinh, cô giáo, bảo mẫu ở các cơ sở giáo dục mầm non, người trong gia đình... nhằm giảm nguy cơ mắc, lây lan trong đối tượng dễ có khả năng mắc bệnh sởi, tay chân miệng,...

Ở góc độ điều trị, dù hầu hết đạt những kết quả điều trị cao, với nhân lực, trang thiết bị y tế đầy đủ, bác sĩ Phan Văn Năm đề xuất nên có kế hoạch giám sát chặt chẽ ngay từ đầu đối với nhiều bệnh truyền nhiễm nêu trên, giúp can thiệp kịp thời nhằm hạn chế bệnh chuyển nặng, gây sốc hoặc các biến chứng, nhằm giảm chi phí điều trị, không để tử vong.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh