Cần thực hành đúng về dinh dưỡng đối với trẻ

03:01, 08/01/2015

Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quyết định đến sức khỏe của mỗi người. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ mang lại sự phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng trong những năm đầu đời là nền tảng cho sự phát triển của trẻ về sau.

Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quyết định đến sức khỏe của mỗi người. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ mang lại sự phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng trong những năm đầu đời là nền tảng cho sự phát triển của trẻ về sau.

Thách thức thấp còi

Tiền Giang đã đạt kết quả rất tốt trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ em bị SDD thể nhẹ cân đã giảm đáng kể qua mỗi năm, tuy nhiên điều cần đánh động là tình trạng thấp còi ở trẻ em chưa được cải thiện.

Bơi lội là biện pháp hữu hiệu cải thiện thể trạng trẻ béo phì.

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, chiều cao của người Việt Nam hiện nay hầu như không thay đổi so với nửa thế kỷ trước. Tại Tiền Giang, trong giai đoạn 2006 - 2010, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm rõ rệt, năm 2000 là 28%, đến năm 2009 là 17,3% và năm 2012 là 13,9%.

Tuy nhiên, tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao, tỷ lệ này ở năm 2006 và năm 2009 đều ở mức 29,6% và năm 2012 là 26,4%. Như vậy, có đến gần 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi. Các huyện Châu Thành, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và Tân Phước có tỷ lệ trẻ em thấp còi cao.

Nguyên nhân của tình trạng này là do việc thực hành dinh dưỡng cho trẻ không hợp lý. Kết quả điều tra năm 2010 cho thấy, ở Tiền Giang có 74,1% bà mẹ cho con bú trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, 4% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và chỉ có 55% trẻ được cho ăn bổ sung hợp lý.

Theo Ths-BS Trần Xuân Mai, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD thể thấp còi, nhưng nguyên nhân chính là do các bà mẹ thiếu kiến thức chăm sóc con cái. SDD không phải chỉ do thiếu ăn, vì có rất nhiều gia đình có điều kiện rất tốt trong chăm sóc con cái, nhưng con họ vẫn bị SDD.

Hiện nay, trên thị trường các loại sữa và sản phẩm thay thế sữa mẹ ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, chất lượng, việc cho trẻ dưới 6 tháng tuổi dùng sữa ngoài (sữa hộp, sữa bột…) là một thực hành sai, đang có chiều hướng gia tăng.

Do điều kiện kinh tế cao, các bậc cha mẹ muốn dành cho con những gì tốt đẹp nhất và với sự quảng cáo quá mức của các công ty sữa đã khiến không ít người trong số họ chọn sữa công thức để thay thế sữa mẹ.

Theo nghiên cứu vừa công bố của tác giả Trần Quang Dư và Tạ Văn Trầm, do chế độ dinh dưỡng tốt nên tỷ lệ SDD của trẻ em ở các trường mẫu giáo trên địa bàn TP. Mỹ Tho thấp. Hiện tỷ lệ SDD thể nhẹ cân chỉ chiếm tỷ lệ 2,5% và tỷ lệ SDD thể thấp còi chỉ ở mức 3,9%, trong đó có 0,7% bị thấp còi nặng.

Báo động béo phì

Trong khi tình trạng SDD thể nhẹ cân ở trẻ em đang giảm tốt thì nhịp sống hiện đại đã đẩy tình trạng béo phì ở trẻ em đến mức báo động. Trung bình mỗi tháng có khoảng chục trẻ đến khám và điều trị béo phì tại Khoa Chăm sóc sức khỏe trẻ em của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Tiền Giang. Đây là con số không lớn so với số trẻ đến điều trị bệnh tại đây. Tuy nhiên, theo Ths-BS Trần Xuân Mai thì con số này không phản ánh được số trẻ thừa cân, béo phì trong tỉnh.

Khi xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống ngày một cao thì căn bệnh này dễ phát triển. Trẻ đến Trung tâm điều trị béo phì có tuổi từ 4 - 12 và không chỉ tập trung ở TP. Mỹ Tho mà có ở khắp các địa phương trong tỉnh. Các bác sĩ cho biết, không chỉ những trẻ bụ bẫm mới bị béo phì, trẻ từng điều trị SDD cũng có nguy cơ béo phì nếu phụ huynh cứ giữ chế độ ăn bác sĩ đã dành riêng cho căn bệnh này.

Có nhiều yếu tố dẫn đến thừa cân, béo phì, trong đó phổ biến nhất là chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực của trẻ.

Ngày nay điều kiện kinh tế khá hơn, mỗi gia đình thường chỉ có từ 1 - 2 con nên các phụ huynh đầu tư chăm sóc trẻ nhiều hơn. Không ít bậc cha mẹ có quan niệm sai lầm rằng trẻ ăn ngon miệng, ăn nhiều sẽ mau lớn và khỏe mạnh nên cho trẻ ăn thoải mái theo nhu cầu, đặc biệt là thường xuyên cho trẻ ăn các loại thức ăn nhanh.

Các phụ huynh cũng không chú ý nhiều đến việc tập cho trẻ thói quen vận động, mà quên rằng đây cũng là một trong những yếu tố giúp trẻ tiêu hao năng lượng, tránh tình trạng thừa cân hữu hiệu nhất.

Nghiên cứu của tác giả Tạ Văn Trầm và Ngô Trọng Khánh về tình trạng dinh dưỡng của học sinh bậc tiểu học tại TP. Mỹ Tho năm 2014 cho kết quả rất đáng lưu tâm: Trong khi chỉ có 3,9% trẻ thấp còi và 4,3% trẻ nhẹ cân thì có đến 42% trẻ thừa cân và béo phì. Nghiên cứu này cho thấy, tỷ lệ trẻ thừa cân và béo phì tập trung nhiều ở nội thành và trẻ nam bị béo phì nhiều hơn nữ.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bất kỳ trẻ em nào cũng có thể mắc bệnh béo phì và có đến 70% số trẻ thừa cân, béo phì bị rối loạn mỡ máu - một yếu tố nguy cơ gây các tai biến tim mạch trong tương lai.

Chứng thừa cân, béo phì sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ khi trưởng thành. Những trẻ mắc bệnh này sẽ ngừng tăng trưởng sớm. Trước dậy thì, chúng thường cao lớn và mập hơn so với tuổi nhưng khi dậy thì chiều cao ngừng phát triển và trẻ có xu hướng thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Ngoài ra, chứng béo phì cũng làm tăng nguy cơ bệnh tật (tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, sỏi mật, viêm khớp...). Ngoài ra, bệnh cũng sẽ gây sức ép về mặt tâm lý, nhất là khi bị bạn bè chế giễu sinh ra mặc cảm, tự ti và ngại tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Tóm lại, dinh dưỡng là vấn đề quan trọng trong cuộc sống con người, đặc biệt là đối với trẻ em tuổi cắp sách đến trường. Tình trạng thiếu dinh dưỡng xảy ra trong giai đoạn tiền dậy thì sẽ làm trẻ chậm tăng trưởng, ảnh hưởng đến chiều cao lúc trưởng thành. Ngược lại, việc thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì cũng tác động xấu đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Do đó, để trẻ phát triển khỏe mạnh cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học.

Theo Ấp Bắc Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh