Các bác sĩ chuyên khoa nhi và hệ y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh cho biết, thời tiết giao mùa thường gia tăng các loại bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu,... Và đối tượng mẫn cảm, dễ bị tác động nhất là trẻ nhỏ.
Đưa trẻ đi tiêm đầy đủ vắc xin đối với các loại bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng.
Các bác sĩ chuyên khoa nhi và hệ y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh cho biết, thời tiết giao mùa thường gia tăng các loại bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu,... Và đối tượng mẫn cảm, dễ bị tác động nhất là trẻ nhỏ.
Mới đây nhất, Sở Y tế chỉ đạo y tế dự phòng và các đơn vị trực thuộc chú ý các dịch bệnh ở thời điểm giao mùa, tiếp tục phòng chống dịch bệnh đang lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết; cũng như đảm bảo chỉ tiêu và an toàn tiêm chủng trong triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi- rubella.
Cơ quan này lưu ý bệnh viện đa khoa các tuyến tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, chú ý các bệnh nhân nặng, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, hạn chế thấp nhất tử vong.
Giao mùa, nhiều bệnh dễ phát triển, lây lan
Một bệnh truyền nhiễm luôn “nóng” là tay chân miệng, số liệu thể hiện số ca mắc vẫn diễn biến liên tục. Dù theo một số bệnh viện, trong tổng số mắc hầu hết là ca bệnh nhẹ, rất ít trường hợp chuyển độ nặng (độ 2B, 3, 4).
Trong tháng 12/2014, tỉnh ghi nhận 435 ca mắc bệnh này, tăng 104 ca mắc (31,41%) so tháng 11. Tổng số mắc bệnh truyền nhiễm này đến thời điểm báo cáo là 3.556, giảm 1,6% so năm 2013.
Cũng đến 15/12, tích lũy từ đầu năm nay đã có 216 ca sốt phát ban nghi sởi ghi nhận trên toàn tỉnh. Trong 152 mẫu gởi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm chẩn đoán, có 35 mẫu dương tính bệnh sởi. Với bệnh cúm, tháng 11, ngành y tế ghi nhận 122 ca cúm (cúm mùa) ở Trà Ôn và Tam Bình.
Số liệu từ Sở Y tế Vĩnh Long, hiện có số mắc sốt xuất huyết tích lũy đến hiện tại là 356 ca, giảm 470 ca (57%) so cùng kỳ năm 2013 và đây là bệnh truyền nhiễm được cho là giảm mạnh nhất trong năm nay.
“Y tế dự phòng đã giám sát chặt chẽ các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ngay khi phát hiện; triển khai các biện pháp diệt bọ gậy, lăng quăng đối với khu vực có nguy cơ cao để giảm tối đa số mắc bệnh này”- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, trao đổi với phóng viên.
Thông tin từ ngành y tế tỉnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các địa phương khuyến cáo khi thời tiết chuyển mùa thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm. Với người sức yếu hoặc chưa thích nghi kịp sẽ gây tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm và sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
Điều kiện môi trường lúc giao mùa rất thuận lợi cho nhiều mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển, lây lan, tăng nguy cơ mắc, nhất là các bệnh cảm, cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản), bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy, sởi, thủy đậu, rubella,...
Tuân thủ các yếu tố “đinh” phòng bệnh giao mùa
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, không chỉ nhi mà người lớn cũng cần phải giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh bằng cách ủ ấm khi ra ngoài trời, khi đi xe máy.
“Đặc biệt với tiết trời gió nhiều, lạnh về chiều tối đến sáng thế này, người dân chú ý giữ ấm bàn tay, bàn chân, đầu, ngực, cổ để đảm bảo sức đề kháng chống lại một số bệnh truyền nhiễm dễ gặp do yếu tố thời tiết”- một bác sĩ chuyên khoa nhi nói.
Người khỏe cũng nên hạn chế tiếp xúc với những người đang bệnh hoặc có dấu hiệu của các bệnh cúm, tay chân miệng, viêm phổi, viêm phế quản, sởi, rubella,... để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Điều không thể không nói tới trong phòng chống tốt dịch bệnh còn có: tiêm vắc xin phòng bệnh (đối với các bệnh có vắc xin dự phòng). Rõ nhất là chiến dịch tiêm ngừa sởi- rubella hiện toàn tỉnh đang triển khai; cũng như các mũi ngừa sởi đơn liều quy định trong tiêm chủng mở rộng.
Đối với bệnh cúm, bác sĩ Tân cho rằng: “Cần thiết phải chích ngừa phòng bệnh cúm cho trẻ, vì bệnh cúm là bệnh phát triển trong mùa lạnh. Nếu trẻ mắc bệnh dễ dẫn đến tổn thương đường hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh khác (viêm phổi, viêm phế quản) kèm theo”.
Bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai- Khoa Nhi- Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa khoa TP Vĩnh Long cũng cho biết, giao mùa thời tiết lạnh thì trẻ dễ nhiễm khuẩn đường hô hấp.
“Thứ nhất là người nhà phải nâng cao sức đề kháng cho trẻ; thứ hai là nên chích ngừa cho trẻ; giữ ấm; chú ý vệ sinh ăn uống thì sẽ tránh được các bệnh giao mùa dễ mắc ở trẻ”- bác sĩ Tuyết Mai chia sẻ 4 yếu tố phụ huynh nên làm để tránh bệnh cho trẻ lúc giao mùa.
Ở góc độ dinh dưỡng, bác sĩ Trần Kim Chi- Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cũng nói để nâng cao đề kháng cơ thể cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường vitamin.
Trong nhiều trường hợp, có bác sĩ còn cho rằng để đảm bảo sức đề kháng tốt nhất ở trẻ, phụ huynh nên cho uống nước ấm, tránh ăn, uống thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh...
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin