Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng sẽ góp phần giúp người bệnh mau chóng phục hồi, lành bệnh. Điều này đối với người lành sẽ tăng đề kháng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, phòng tránh bệnh tật tốt hơn.
Bác sĩ chuyên khoa tư vấn cho người dân về dinh dưỡng tại Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng sẽ góp phần giúp người bệnh mau chóng phục hồi, lành bệnh. Điều này đối với người lành sẽ tăng đề kháng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, phòng tránh bệnh tật tốt hơn.
Đó là lời khuyên của bác sĩ dinh dưỡng đối với người bệnh đang điều trị và với cộng đồng để tránh các bệnh hay gặp phải như: béo phì, tăng huyết áp, đái thái đường,...
Dinh dưỡng hay bị “bỏ sót” trong điều trị bệnh
“Theo quan điểm thông thường của người nhà bệnh nhân và cả bản thân bệnh nhân, khi bị bệnh họ sẽ chú trọng đến vấn đề điều trị thuốc men, mà vấn đề dinh dưỡng thường họ bỏ qua vì nghĩ là không quan trọng.
Ngay cả khi nhập viện, bác sĩ, điều dưỡng khuyên cho bệnh nhân chế độ ăn uống đúng và nếu có tốn kém thì nhiều người thường e ngại, dù bỏ bao nhiêu tiền ra mua thuốc người ta cũng không ngại.
Do đó, phần dinh dưỡng hay bị bỏ sót. Mà dinh dưỡng lại đóng một vai trò quan trọng trong kết quả điều trị đối với bệnh nhân”- bác sĩ Trần Kim Chi- Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, mở đầu câu chuyện về tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị bệnh.
Theo bác sĩ Trần Kim Chi, thường người bệnh nhất là những bệnh nặng, nhu cầu cần năng lượng nhiều hơn người bình thường. Chẳng hạn với người bị bệnh sốt hay một tình trạng nhiễm trùng nào đó, thì việc tiêu hao năng lượng nhiều hơn, do đó việc cung cấp năng lượng cao hơn. Nhưng thực tế thì ngược lại.
Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố làm cho việc cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh bị hạn chế. Có thể kể: do người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân không quan tâm đến dinh dưỡng trong điều trị; do người bệnh mệt mỏi không muốn ăn hoặc ăn ít...
Do vậy, bác sĩ, điều dưỡng phải tư vấn thế nào để người bệnh và người nhà bệnh nhân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng để cải thiện tình trạng này.
Ở mỗi bệnh viện đều có khoa dinh dưỡng, nơi đây phụ trách chăm sóc về vấn đề ăn uống của người bệnh. Nếu nói về năng lượng, với những bệnh thông thường (cảm, ho, sốt,...), người bệnh không có nhu cầu tiết chế dinh dưỡng. Khi đó ngoài cần đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng đúng, bệnh nhân ăn nhiều hơn, uống thêm sữa, ăn trái cây,...
Riêng đối với một số bệnh cần áp dụng chế độ ăn bệnh lý và bệnh nhân phải tuân thủ như: đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, suy gan,... “Nếu bệnh nhân chỉ chú ý đến thuốc, mà không chú ý dinh dưỡng, kết quả điều trị bị hạn chế. Nếu bệnh nhân tuân thủ tốt chế độ dinh dưỡng theo bệnh lý, kết quả điều trị sẽ khả quan hơn”- bác sĩ Trần Kim Chi nói.
Về việc nhiều người nhà bệnh nhân có tâm lý chú trọng đến thuốc men trong điều trị mà “quên” phần quan trọng không kém là dinh dưỡng là có. Điều này sẽ được cải thiện khi bác sĩ, điều dưỡng tư vấn để họ hiểu, qua đó góp phần điều trị cho người bệnh nhanh chóng hồi phục.
Dinh dưỡng để sống lành, sống khỏe hơn
Bà Lư Thu Hồng (Phường 4- TP Vĩnh Long) là một công chức về hưu. Bà chia sẻ: “Hiện ở nhà tôi thực hiện chế độ ăn cho người lớn tuổi, kiêng cữ ăn mặn, mỡ động vật, tránh đạm động vật nhiều, đồng thời tăng cường ăn rau củ quả, thức ăn có nhiều chất xơ,...”.
Bà Hồng nói đã áp dụng yêu cầu này với cả ông nhà và con cái: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Việc tuân thủ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý vậy đã phần nào giúp mọi người trong gia đình tôi sống vui, sống khỏe. Đặc biệt có thể chống chọi với bệnh lý liên quan đến ăn uống, tuổi tác mà với lứa tuổi này hay gặp”.
Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Bích Thủy- Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- nơi có nhiều bệnh nhân nằm điều trị tích cực các bệnh nặng nói dinh dưỡng cho người bệnh nặng rất quan trọng:
“Cung cấp chế độ dinh dưỡng tốt, đảm bảo năng lượng thì bệnh nhân mau hồi phục hơn. Bệnh nhân nằm ở hồi sức thì bệnh đa số là nhiễm trùng nặng, đối tượng này đa số ngoài ăn qua đường truyền dịch thì còn phải ăn qua song (ống thông dạ dày).
Nếu người nhà có điều kiện thì mua dung dịch có chứa công thức thức ăn ở Khoa Dược (khoảng 300.000đ) thì đảm bảo cung cấp dinh dưỡng, năng lượng cho bệnh nhân trong 24 giờ với đường, đạm, chất béo,... đã được tính toán đầy đủ”.
Cũng theo bác sĩ Hồ Bích Thủy, đối với bệnh nhân nặng mà người nhà không có điều kiện để mua ống thức ăn nói trên thì người ta tự nấu ăn và cho uống thêm sữa, tuy nhiên việc đó cũng không đảm bảo đủ dinh dưỡng. Như vậy ngoài dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, thì còn phải cung cấp ăn bằng đường tiêu hóa, để một mặt là cung cấp đủ năng lượng, mặt khác để cho ruột và cơ quan khác trong cơ thể bệnh nhân hoạt động.
“Người thầy thuốc, người phụ trách vấn đề dinh dưỡng phải tư vấn cho bệnh nhân chế độ dinh dưỡng cụ thể với từng cá thể bệnh. Dựa vào từng thói quen ăn uống của từng người bệnh để tư vấn cho họ”- theo bác sĩ Trần Kim Chi.
Nói thêm về các bệnh “thời sự”
Đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì,... là các bệnh lý “thời sự” trong nhiều bệnh lý hay gặp hiện nay ở cả người già lẫn người trẻ.
Đái tháo đường là bệnh mà bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ ăn uống. Tăng huyết áp cũng liên quan đến ăn uống. Nhiều người lao động cũng có thói quen ăn mặn, hay nêm nếm, chấm với nhiều gia vị mặn. Khác với phương Tây, tăng huyết áp do họ ăn nhiều dầu, mỡ, ở mình tăng huyết áp có thể nói “đặc trưng” là do ăn mặn. Tư vấn để cho người bệnh tiết chế, bỏ thói quen này rất khó. Bởi họ nói “đã quen rồi, ăn lạt lại không được, không ngon”.
Béo phì cũng là một bệnh “thời sự” ở trẻ hiện nay và đang đáng báo động. Có thể có đứa trẻ hồi nhỏ ốm yếu, lớn lên nhiều khi dễ bị béo phì. Có thể là do người mẹ thấy con mình ốm yếu, suy dinh dưỡng nên chăm bẵm nhiều, từ đó tới lớn cứ giữ chế độ ăn quá mức như vậy, tích lũy dần và trở thành béo phì. Khi trẻ đã lớn, tiết giảm để tránh béo phì khó hơn. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin