Hiểu và thực hiện đúng trong điều trị rắn độc cắn

06:12, 26/12/2014

Mấy năm gần đây, vì nhiều nguyên nhân, lượng bệnh nhân bị rắn độc cắn nhập viện có chiều hướng tăng lên. Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn, người dân cần thiết phải được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu, điều trị kịp thời, đúng phương pháp.


Một con rắn lục đuôi đỏ bị đập chết trước khi đem lại nguy hiểm cho người dân (ảnh chụp tại huyện Long Hồ).

Mấy năm gần đây, vì nhiều nguyên nhân, lượng bệnh nhân bị rắn độc cắn nhập viện có chiều hướng tăng lên. Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn, người dân cần thiết phải được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu, điều trị kịp thời, đúng phương pháp.

Đối tượng dễ bị rắn độc cắn: nông dân

Theo Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc (CCHSTC và CĐ), thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, trong 2 năm gần đây, số bệnh nhân bị rắn độc cắn vào viện ngày càng tăng, trong đó bệnh nhân thường gặp nhất là rắn lục đuôi đỏ và rắn hổ đất cắn.

Trong báo cáo khoa học “Đánh giá tình hình rắn độc cắn và kết quả điều trị tại khoa CCHSTC và CĐ”, từ tháng 6/2012- 6/2014, đã có 67 bệnh nhân bị rắn độc cắn điều trị tại khoa. “Trường hợp bị rắn độc cắn nhiều nhất là người dân làm ruộng, chiếm 55,2%.
 
Họ thường xuyên tiếp xúc với môi trường hoạt động sinh sống của rắn. Họ đi mò cua, bắt ốc và rất hay bắt rắn để ăn, để bán. Lứa tuổi lao động hay bị rắn cắn nhiều nhất là từ 40- 60 tuổi và nam dễ bị rắn cắn nhiều hơn nữ”- bác sĩ chuyên khoa I Đặng Huỳnh Thu cho biết.

Theo bác sĩ Đặng Huỳnh Thu, đa số bệnh nhân bị rắn cắn vào bàn chân, với hơn 70%, rắn cắn vào bàn tay gần 27% và số còn lại là rắn cắn vào cẳng chân. “Do vô tình giẫm phải rắn độc và bị rắn cắn. Trong số đó, đa số bệnh nhân bị cắn bởi rắn lục đuôi đỏ”- bác sĩ Đặng Huỳnh Thu nói qua khảo sát.

Theo các bác sĩ, dấu hiệu lâm sàng rõ nhất khi bệnh nhân bị rắn độc cắn như sau: Khi bị rắn lục cắn, 100% bệnh nhân bị phù nề, rối loạn đông máu, gây chảy máu các cơ quan (chảy máu não, chảy máu đường tiêu hóa,...); khi bị rắn hổ cắn (chủ yếu là rắn hổ đất) chắc chắn sẽ bị suy hô hấp.

Trong 67 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tỉnh 2 năm qua, khoa điều trị thành công 64 trường hợp (95,5%), chuyển viện theo yêu cầu 3 bệnh nhân (4,5%) và hầu hết điều trị khỏi. Có hơn 90% bệnh nhân vào viện trước 6 giờ kể từ lúc bị rắn độc cắn, chứng tỏ họ rất lo sợ khi bị rắn độc cắn.

Có nhiều loại rắn độc, nhưng phổ biến ở khu vực ĐBSCL là 2 loại rắn hay cắn người: rắn hổ đất và rắn lục đuôi đỏ. Báo chí gần đây đưa tin nhiều về việc người dân- nhất là tại miền Trung- hay bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Bị rắn độc cắn: phải đến bệnh viện

“Chẩn đoán xác định loại rắn độc cắn gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân đến viện thường không mang theo con rắn do không bắt được rắn, hoảng sợ không nhìn rõ loại rắn cắn hoặc do đã đánh chết rắn rồi vứt đi”- bác sĩ khoa CCHSTC và CĐ cho biết.

Việc xác định loại rắn cắn là cần thiết để bác sĩ xử trí đúng, kịp thời và sử dụng huyết thanh kháng nọc độc rắn để cứu sống bệnh nhân.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, bác sĩ Đặng Huỳnh Thu kiến nghị: Bệnh nhân bị rắn độc cắn cần sơ cứu ban đầu, giữ cố định chỗ bị cắn, rửa sạch vết cắn; đưa đến bệnh viện để bác sĩ khám kỹ triệu chứng và sử dụng huyết thanh kháng nọc độc rắn.

Khi bệnh nhân bị rắn hổ cắn, cần nhanh chóng đưa đi bệnh viện để theo dõi phát hiện dấu hiệu liệt cơ, hô hấp, điều trị kịp thời.

Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Bích Thủy- Trưởng khoa CCHSTC và CĐ cho rằng để tránh bị rắn độc cắn, người dân tại cộng đồng cần phát quang cây cỏ, bụi rậm, ý thức giữ môi trường sống thoáng đãng xung quanh nhà.
 
“Nếu bị rắn độc cắn, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị đúng phương pháp. Bệnh viện luôn có thuốc đặc trị rắn độc cắn. Hầu hết 100% bệnh nhân đến đều được cứu sống 100%”- thạc sĩ, bác sĩ Hồ Bích Thủy nói.

Bác sĩ Đặng Huỳnh Thu nhấn mạnh: Khi bệnh nhân bị rắn hổ cắn, cần thiết phải đưa nhanh đến bệnh viện để được hỗ trợ hô hấp. Bởi rắn hổ cắn sẽ gây suy hô hấp cho bệnh nhân, mà người nhà thì không thể có điều kiện để hỗ trợ hô hấp trong trường hợp này nên rất dễ dẫn đến tử vong.

Có một số trường hợp bệnh nhân sau khi bị rắn hổ cắn đi thầy lang đến bệnh viện trễ thì đã bị tử vong trên đường đi, trước khi vào viện.

Có trường hợp rạch vết thương để nặn máu (nghĩ cho bớt nọc độc) nhưng vô tình làm nọc độc phát tán nhanh hơn hay đắp các loại thuốc gia truyền có khi gây nhiễm trùng rất nguy hiểm đến tính mạng. Cần biết rằng điều trị cho các trường hợp bị rắn độc cắn là phải có huyết thanh kháng nọc độc rắn.

Khi bệnh nhân bị rắn hổ cắn, cần thiết phải đưa nhanh đến bệnh viện để được hỗ trợ hô hấp. Bởi rắn hổ cắn sẽ gây suy hô hấp cho bệnh nhân, mà người nhà thì không thể có điều kiện để hỗ trợ hô hấp trong trường hợp này nên rất dễ dẫn đến tử vong.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh