Không chỉ thực hiện chức năng vị giác, lưỡi của người cũng chứa đựng các dấu hiệu có thể tiết lộ những chứng bệnh mà chủ nhân đang mắc phải, từ dị ứng tới bệnh giang mai.
Không chỉ thực hiện chức năng vị giác, lưỡi của người cũng chứa đựng các dấu hiệu có thể tiết lộ những chứng bệnh mà chủ nhân đang mắc phải, từ dị ứng tới bệnh giang mai.
Theo các chuyên gia, lưỡi có thể bộc lộ các dấu hiệu của chứng ho, sốt, bệnh vàng da, đau đầu hoặc tình trạng đường ruột, giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán.
Lưỡi khỏe mạnh cần phải có màu hồng, sạch và bao phủ trong các gai thịt chứa nụ vị giác. Tuy nhiên, lưỡi đỏ tấy và đau hoặc lưỡi màu đỏ, đen hay trắng có thể là dấu hiệu bệnh, chẳng hạn như bệnh tưa miệng, trong khi lưỡi sưng phồng có thể là biểu hiện của một phản ứng dị ứng.
Các nhà khoa học Ấn Độ phát hiện, lưỡi đen, biến đổi màu là dấu hiệu của việc sử dụng kháng sinh dài ngày hoặc sự phát triển quá mức của nấm ở bệnh nhân HIV. Các nếp nhăn dài trên bề mặt lưỡi là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục - bệnh giang mai.
Tình trạng lở loét ở lưỡi lại là dấu hiệu cảnh báo về bệnh Crohn hoặc viêm ruột kết. Trong khi đó, lưỡi "nở nang và trơn nhẵn" có thể hé lộ việc thiếu hụt vitamin B12, sắt hoặc axit folic hay bệnh thiếu máu của chủ nhân.
Nghiêm trọng hơn, Tổ chức nghiên ứu ung thư Anh khuyến cáo, các đau nhức và u bướu trên lưỡi hoặc việc chảy máu không lí giải được có thể là đấu hiệu của bệnh ung thư miệng.
Tuy nhiên, đối với những người đang sinh sống ở các vùng xa xôi, hẻo lánh của thế giới, nơi khó có cơ hội thăm khám bác sĩ, việc kiểm tra lưỡi của bệnh nhân để chẩn đoán bệnh có thể tương đối phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học ở Ấn Độ đã phát triển một loại hình kiểm tra mới.
Theo tạp chí Kỹ thuật và Công nghệ sinh học quốc tế, hệ thống chẩn đoán mới hoạt động nhờ kết hợp các triệu chứng với việc phân tích số hóa hình ảnh lưỡi của bệnh nhân. Karthik Ramamurthy đến từ trường Cao đẳng Kỹ thuật Rajalakshmi ở Chennai cùng Siddharth Kulkarni và Rahul Deshpande thuộc Trường Kỹ thuật điện tử, Đại học VIT, Ấn Độ đã phát triển phần mềm mới này.
Hệ thống máy tính mô phỏng bộ não con người có thể nhận "dữ liệu đầu vào mềm" (các câu hỏi tiêu chuẩn về các triệu chứng) và chụp một hình ảnh kỹ thuật số về lưỡi của bệnh nhân để giúp đưa ra chẩn đoán. Trong đó, các hình ảnh số hóa lưỡi của bệnh nhân sẽ cho thấy tình trạng biển đổi màu, kết cấu bề mặt và các yếu tố khác liên quan đến nhiều căn bệnh khác nhau.
Hệ thống hiện tại cho phép người dùng chẩn đoán tự động khoảng 14 chứng bệnh khác nhau, kể cả cảm lạnh thông thường, cúm, viêm phế quản, bệnh viêm họng do vi trùng stretptococcus, viêm xoang, dị ứng, hen suyễn, phù phổi và nhiễm độc thức ăn.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu hy vọng họ có thể sớm cho thêm các hình ảnh mắt của bệnh nhân để gia tăng đáng kể nguồn dữ liệu giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Theo VietNamNet
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin