Chớ nên chủ quan với viêm gan siêu vi B

02:12, 26/12/2014

Phần lớn người nhiễm siêu vi viêm gan B (VGB) không phát hiện cho đến khi bệnh phát triển nặng với triệu chứng lâm sàng rõ rệt hoặc tình cờ phát hiện khi thực hiện xét nghiệm máu. Đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng vì VGB có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.

Phần lớn người nhiễm siêu vi viêm gan B (VGB) không phát hiện cho đến khi bệnh phát triển nặng với triệu chứng lâm sàng rõ rệt hoặc tình cờ phát hiện khi thực hiện xét nghiệm máu. Đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng vì VGB có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.

Giật mình vì mắc bệnh

Trong lần xét nghiệm máu khi chuẩn bị sinh con, chị Trần Thị T. T. được Bệnh viện Phụ sản tỉnh thông báo chị bị nhiễm siêu vi VGB. Quá bất ngờ, chị T. không tin, vì cho rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, gia đình không có ai mắc bệnh, bản thân chị có quan hệ xã hội lành mạnh thì làm gì nhiễm bệnh cho được.

Chị T. vỡ lẽ khi được bác sĩ giải thích: Người nhiễm vi rút VGB sẽ có thời gian ủ bệnh rất lâu mà không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, trong thời gian ủ bệnh, người mang mầm bệnh hoàn toàn có thể lây vi rút VGB cho người khác qua đường máu, quan hệ tình dục, từ mẹ lây truyền sang con và cả qua việc tiếp xúc như chung bàn chải đánh răng, dao cạo…

Người mẹ mang mầm bệnh viêm gan siêu vi B sẽ lây cho thai nhi qua đường máu, nếu không được chủng ngừa khi mới chào đời thì 90% trẻ được sinh ra từ người mẹ đang mang mầm bệnh viêm gan siêu vi B sẽ trở thành người mang mầm bệnh siêu vi B suốt đời, trong đó có khoảng 25% trẻ sẽ chết vì xơ gan hoặc ung thư gan về sau.

Được giải thích cặn kẽ, chị T. đã đăng ký tiêm ngừa VGB cho con ngay khi bé chào đời và bản thân chị đã đến bệnh viện để được điều trị.

Tiêm ngừa cho trẻ càng sớm càng tốt sau khi chào đời là cách hiệu quả nhất để phòng tránh VGB.

Ông Hồ Thanh Đ. (ngụ xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) được chẩn đoán bệnh ung thư gan do biến chứng của VGB. Ông Đ. cho biết, tôi không có khám sức khỏe định kỳ, đến khi phát hiện da vàng, ăn uống khó tiêu, đau vùng hạ sườn nên đến bệnh viện khám, đã phát hiện bệnh. Bác sĩ cho biết, bệnh của tôi là do VGB gây nên, bây giờ phát hiện thì đã muộn, chỉ điều trị triệu chứng thôi chứ không khỏi được. Phải chi tôi phát hiện bệnh sớm thì đỡ biết mấy!

Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới, hiện tại trên thế giới có khoảng 2 tỷ người nhiễm vi rút VGB và khoảng 350 ngàn người trong số đó mang vi rút VGB trong máu và trở thành nguồn lây bệnh. Vi rút VGB gây hậu quả nặng nề cho nhân loại, hàng năm có khoảng 4 triệu người bị nhiễm VGB cấp tính và có khoảng 1 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến vi rút này như ung thư gan, xơ gan...

VGB là nguyên nhân gây nên 80% trường hợp bệnh ung thư gan trên thế giới. Việt Nam nằm trong vùng lưu hành cao của vi rút VGB, ước tính hiện tại có khoảng 12 triệu người mang trong người vi rút này.

Người dân còn mơ hồ

Theo nghiên cứu khoa học vừa được công bố của CN Huỳnh Thị Mỹ Phụng, Ths-BS Nguyễn Kim Thanh Lan và CN Nguyễn Đặng Thuận, có 14,66% thai phụ đến sinh tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang bị nhiễm VGB.

PGS-TS-BS Tạ Văn Trầm và BS Trần Văn Thanh đã tiến hành nghiên cứu kiến thức về bệnh VGB của người dân xã Song Bình, huyện Chợ Gạo năm 2014, đã cho kết quả: 80,2% người dân từng nghe nói về bệnh VGB và 57,5% người dân biết nguyên nhân gây bệnh là do vi rút; triệu chứng của bệnh được biết nhiều nhất là vàng da, biến chứng được biết nhiều nhất là ung thư gan; chỉ có 23,4% người biết VGB là bệnh lý không có thuốc điều trị đặc hiệu; 67,7% người dân hiểu đúng về lây truyền qua đường máu; 41% người dân biết VGB lây qua đường tình dục và 40,7% người dân biết VGB có thể lây truyền từ mẹ sang con….

Từ kết quả nghiên cứu này, các bác sĩ kết luận kiến thức của người dân xã Song Bình về bệnh VGB chưa tốt, do đó cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe hơn nữa.

Theo PGS-TS-BS Tạ Văn Trầm, việc điều trị VGB mạn tính là một vấn đề hết sức nan giải, mất nhiều thời gian và tốn kém. Chính vì vậy, vấn đề phòng ngừa lây nhiễm VGB luôn là mối quan tâm không chỉ của ngành Y tế mà của toàn xã hội. VGB là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên bệnh này đã có vắc xin phòng ngừa hiệu quả. Hiện tại, vắc xin VGB đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Theo Ấp Bắc Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh