Tại Việt Nam, mặc dù sức khoẻ bà mẹ đã được cải thiện một cách đáng kể nhưng tỷ lệ tử vong mẹ vẫn không có nhiều thay đổi. Tỷ lệ chết mẹ tại 225 xã vùng sâu, vùng xa khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số vẫn gấp đôi tỷ lệ quốc gia. Thực tế này cho thấy Việt Nam khó có thể đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 5b (bao phủ tiếp cận toàn dân đối với sức khỏe sinh sản)
Đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng. (Ảnh: Hạnh Nguyên)
Tại Việt Nam, mặc dù sức khoẻ bà mẹ đã được cải thiện một cách đáng kể nhưng tỷ lệ tử vong mẹ vẫn không có nhiều thay đổi. Tỷ lệ chết mẹ tại 225 xã vùng sâu, vùng xa khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số vẫn gấp đôi tỷ lệ quốc gia. Thực tế này cho thấy Việt
Bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai về Nghiên cứu sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) diễn ra ngày 11-11, tại Hà Nội.
Theo bà Hồng, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa nhằm đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ là giảm tỷ lệ tử vong mẹ còn 58,3 ca tử vong trên 100.000 ca sinh (tỷ lệ này vào năm 2010 là 69/100.000 và không mấy thay đổi cho đến nay). Trong đó tỷ lệ tử vong đẻ tại nhà lên tới 33% ở khu vực miền núi và 20% ở khu vực đô thị.
Số liệu từ các cuộc điều tra về dân số cũng cho thấy, vẫn còn có sự khác biệt và thiếu công bằng trong tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD có chất lượng giữa các vùng miền khác nhau trên toàn quốc. Một phần ba thanh niên gặp cản trở trong việc tiếp cận đầy đủ thông tin và dịch vụ về chăm sóc SKSS/SKTD.
Trong khi đó, mạng lưới và chất lượng chăm sóc chưa đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, đặc biệt là công tác cấp cứu, chuyển viện và chăm sóc trẻ sơ sinh. Hệ thống báo cáo thống kê chưa bảo đảm chất lượng, số liệu chưa chính xác, đầy đủ. Kinh phí được cấp chưa đáp ứng đủ cho các hoạt động nhằm đạt các nội dung trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là một nước nông nghiệp với hơn 90 triệu dân và 54 dân tộc khác nhau. Chính sách đáp ứng được tất cả các nhu cầu của mọi người sẽ không hiệu quả và chúng ta cần bảo đảm các nhu cầu khác nhau của tất cả mọi người liên quan đến SKSS/SKTD phải được xem xét và thực hiện. Chính vì vậy, cần thiết phải tiến hành các nghiên cứu xã hội và thực nghiệm để có thể hiểu được tốt hơn về các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế và cấu trúc xã hội ảnh hưởng như thế nào đến phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ SKSS/SKTD.
Hội nghị Quốc gia về Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là diễn đàn vận động chính sách được tổ chức hai năm một lần. Năm nay, hội nghị với chủ đề “Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục: từ bằng chứng đến chính sách”.
Hội nghị sẽ thảo luận về áp dụng kết quả nghiên cứu vào việc lập kế hoạch và triển khai chính sách trong lĩnh vực SKSS/SKTD trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, tập trung vào các lĩnh vực còn mới, chưa nhiều thông tin để giúp cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý định hướng trong phân bổ nguồn lực phù hợp, giảm sự chênh lệch về SKSS/SKTD giữa các vùng miền.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin