Sống khỏe ngừa đột quỵ

06:11, 28/11/2014

Hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam, tai biến mạch máu não hay đột quỵ (ĐQ) là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật (xếp hàng thứ 3 về bệnh gây tử vong, sau ung thư và tim mạch). Các nguyên nhân hàng đầu gây ĐQ gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, lạm dụng rượu, thuốc lá, chất gây nghiện...


Bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực và chống độc- Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam , tai biến mạch máu não hay đột quỵ (ĐQ) là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật (xếp hàng thứ 3 về bệnh gây tử vong, sau ung thư và tim mạch). Các nguyên nhân hàng đầu gây ĐQ gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, lạm dụng rượu, thuốc lá, chất gây nghiện...

Nhiều người chưa hiểu biết về bệnh

ĐQ là biến chứng xảy ra đột ngột khi sự tưới máu não bị giảm, dẫn đến phần não tương ứng bị hủy hoại. Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn phế, liệt nửa người.

ĐQ để lại di chứng nặng nề cho người bệnh và gia đình, nhất là di chứng sa sút trí tuệ. Khi người bệnh ĐQ không phục hồi được, gia đình họ sẽ mất đi 1 lao động và nếu nặng, cần thêm 1 người chăm sóc. Nếu người bệnh được phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu, việc chữa trị sẽ khả quan hơn. Vấn đề là làm sao để biết được triệu chứng của bệnh và xử trí đúng cách.

Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Vĩnh Long, trong năm 2013, có trên 1.000 ca ĐQ (trong đó, xuất huyết não là 329 ca; nhồi máu não 730 ca). Tính đến tháng 10/2014, bệnh viện tiếp nhận trên 1.200 ca ĐQ, trong đó số lượng ca nhồi máu não trên 800 ca.

Anh Nguyễn Văn Lâm (xã Quới An- Vũng Liêm) cho biết, cha anh ngoài 50 tuổi, nhà làm nông lao động tay chân nhiều nhưng sức khỏe khá tốt, ít bệnh vặt. Vậy mà, đùng một cái ba anh than mệt, chóng mặt rồi té xỉu. Cả nhà quýnh quáng xức dầu cạo gió cũng không tỉnh. Sau khi đưa đến BVĐK tỉnh cấp cứu, mới biết cha bị nhồi máu não.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh: “Những trường hợp còn nằm trong bệnh viện chưa biết mức độ hồi phục như thế nào, nhưng đa số các ca mà người nhà đưa đến muộn- nếu còn sống thường là liệt một bên hoặc nửa người.

Có trường hợp bệnh nhân chỉ còn mở 2 con mắt thôi, chuyện ăn uống hay tất cả các sinh hoạt khác do người nhà chăm sóc”. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, ĐQ thường để lại nhiều di chứng cho người bệnh. 2 di chứng quan trọng thường hay gặp nhất ở người ĐQ là liệt vận động và rối loạn ngôn ngữ. Bệnh thường để lại hậu quả nặng nề như cấm khẩu, liệt nửa người,...

Trong phần lớn các ca bệnh, sự hồi phục là rất hạn chế và tùy thuộc vào mức độ tổn thương của thần kinh. Hiện nay, vấn đề điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau ĐQ còn là một vấn đề khó khăn do đòi hỏi thời gian, công sức và tiền bạc. Tại các cơ sở y tế hiện nay, việc điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau ĐQ chủ yếu còn phải dựa vào gia đình và cộng đồng.

Biểu hiện và cách phòng ngừa

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, tăng huyết áp là yếu tố quan trọng nhất gây xuất huyết não, làm tăng nguy cơ ĐQ.

Song, nếu được điều trị đúng thì có thể phòng ngừa xảy ra các cơn, là biểu hiện có thêm tổn thương ở các mạch máu não. Ngoài tăng huyết áp còn một số bệnh khác cũng có thể ảnh hưởng tới tuần hoàn não như: đái tháo đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch, bệnh phổi mãn tính...

Hút thuốc lá là nguy cơ trực tiếp gây ra ĐQ và nhồi máu cơ tim. Lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện cũng làm tăng nguy cơ ĐQ. Những năm gần đây, ĐQ ngày một trẻ hóa.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, ĐQ thường xảy ra đột ngột với rất ít dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên cũng có những dấu hiệu cảnh báo: đột nhiên bị đau đầu dữ dội, choáng váng, mất tri giác, ngủ gà hoặc hôn mê; gặp khó khăn trong nói hoặc hiểu người khác; bị yếu đột ngột ở một phần cơ thể; đột nhiên nhìn mờ hoặc nhìn nhòe, có thể chỉ bị ở một bên mắt; tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu hoàn toàn...

Khi thấy bất cứ dấu hiệu nào như kể trên, tốt nhất người nhà nên đưa người bệnh đến các cơ sở cấp cứu càng sớm càng tốt (trong 3 giờ đầu tiên).

Nếu hạn chế được các yếu tố gây bệnh sẽ làm giảm 80% nguy cơ ĐQ. Do đó phải điều trị tích cực những nguy cơ chính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, ngăn chặn sự hình thành cục máu đông. Khi khám sức khỏe, cần kiểm tra hệ thống tim mạch, siêu âm kiểm tra hệ thống động mạch cảnh.

Bệnh nhân cẩn thận giữ mình khi thời tiết chuyển lạnh vào mùa đông và khi áp suất không khí lên cao vào mùa hè; tránh tắm khuya hoặc ở nơi gió lùa; tránh trạng thái căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh; tránh mất ngủ.

Theo các chuyên gia sức khỏe, mặc dù một số trường hợp ĐQ không gây tử vong nhưng có thể gây suy giảm thể chất và tâm thần, ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống. Vì vậy, thay đổi lối sống để phòng ngừa chứng bệnh này sẽ mang lại nhiều ý nghĩa tích cực.

Bao gồm: thực hiện chế độ ăn phòng ngừa bệnh tăng huyết áp với thành phần nhiều hạt, trái cây, rau củ. Hạn chế chất béo bão hòa như thịt đỏ, phô mai và bơ; hạn chế rượu bia; nước uống có gas, cà phê.

Theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà. Tránh bị tăng huyết áp bằng cách tập thể dục, tránh thừa cân. Nếu đã bị tăng huyết áp thì cần phải kiểm soát tốt bằng các thuốc điều trị. Hạn chế muối trong chế độ ăn và đặc biệt tránh xa không hút thuốc lá...

Xử trí khi người thân bị ĐQ

ĐQ là tình trạng khẩn cấp, cần gọi cấp cứu 115.

Lưu ý khi sơ cứu:

- Cần để bệnh nhân nằm yên, đầu nâng cao 30 độ.

- Nới rộng quần áo, theo dõi sắc diện, nhịp thở.

- Quan sát xem bệnh nhân tỉnh hay hôn mê.

- Trấn an bệnh nhân, nhắc họ hít sâu và thở chậm.

- Nếu bệnh nhân ói mửa, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất ói mửa từ mũi và miệng bệnh nhân.

- Người bệnh co giật cần để nằm nghiêng, đề phòng họ cắn vào lưỡi bằng cách dùng khăn vải quấn quanh một chiếc đũa hay cán muỗng đặt giữa hai hàm răng của bệnh nhân.

- Nếu bệnh nhân hôn mê, ngừng thở phải tiến hành hô hấp nhân tạo.

Chú ý không cạo gió, không xoa bóp, không nặn chanh…

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh