Qua hơn 2 năm triển khai hợp phần vệ sinh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tại nhiều địa bàn dân cư trong tỉnh, vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Qua hơn 2 năm triển khai hợp phần vệ sinh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tại nhiều địa bàn dân cư trong tỉnh, vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong đó kết quả đáng ghi nhận ở chuyện “nhà tiêu hợp vệ sinh” (NTHVS). Điều này góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn nước, bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh... từ hành vi sử dụng NTHVS.
Việc đầu tư xây dựng NTHVS ngày càng được chú trọng và phổ biến.
Sử dụng NTHVS đã tăng đáng kể
Anh Hùng (33 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn), mới xây căn nhà tầm 250 triệu đồng, sạch đẹp khang trang. Thiết bị, công trình phụ trong nhà đều không thiếu thứ gì. Dĩ nhiên trong đó có... nhà vệ sinh mới tinh.
Ấy vậy mà, khi đề cập đến một vấn đề khá nhạy cảm, là đi vệ sinh, anh Hùng vẫn còn giữ thói quen đi... cầu tiêu ao cá. Anh Hùng không phủ nhận việc phải đảm bảo vệ sinh cho 2 đứa con, cho vợ và mẹ ở nhà, nhưng anh cũng thừa nhận rằng, việc “giải quyết đầu ra” như vậy “đã quen” và thoải mái hơn.
Đây chỉ là một trong nhiều người còn suy nghĩ về chuyện một thời: “cầu tiêu ao cá”. Dù nay đã giảm rất nhiều, nhưng hiện vẫn còn hành vi thực tế này với suy nghĩ: tiện, nhanh, đơn giản,... cho đến “kinh tế” như duy trì cầu tiêu ao cá để đảm bảo một phần thu nhập từ cá thả nuôi trong ao.
Khoa Sức khỏe cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long dẫn số liệu điều tra theo bộ chỉ số nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho thấy đến nay toàn tỉnh có 53,3% hộ dân sử dụng NTHVS.
Đây là con số mới nhất của hợp phần này, so thời điểm điều tra năm 2010, số này tăng hơn 20%. Được biết mục tiêu của hợp phần vệ sinh này đặt ra đến năm 2015 phải có 65% người dân trong tỉnh sử dụng NTHVS. Số liệu tại từng địa phương thể hiện, tỷ lệ hộ sử dụng NTHVS thấp nhất từ gần 35% đến cao nhất trên 90%.
TP Vĩnh Long có 91% hộ gia đình sử dụng NTHVS, huyện Trà Ôn chỉ có 34,8% hộ sử dụng NTHVS. Theo đơn vị này, ngoài tỷ lệ 53,3%, số còn lại có thể là do hộ dân không có nhà tiêu, nhưng phần lớn là do vẫn còn tồn tại các kiểu nhà tiêu không hợp vệ sinh: nhà sàn và cầu tiêu ao cá.
Theo cán bộ y tế sức khỏe cộng đồng, còn khá nhiều hạn chế trong việc triển khai hợp phần vệ sinh, cụ thể là vận động, hỗ trợ người dân sử dụng NTHVS. Bà Lâm Thùy Trang- Phó Khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long nói, dù kết quả là chuyển biến khá tích cực, nhưng cũng cho rằng còn một số nguyên nhân làm cho độ bao phủ của hợp phần này còn thấp.
Cụ thể do: nguồn vốn dự án hỗ trợ ít; tập quán sống và thói quen sử dụng cầu tiêu ao cá ở người dân; nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, một phần người nghèo, cận nghèo không có kinh phí xây dựng NTHVS;...
Vệ sinh đúng, khả năng phòng bệnh cao
Tại Long Hồ, theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện, tính từ khi triển khai hợp phần đến nay có hơn 200 NTHVS được giao xây dựng, chủ yếu hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Một con số khá nhỏ so nhu cầu thực tế sử dụng NTHVS trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên ở khía cạnh khác, cũng theo điều tra của Trung tâm Y tế huyện theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (giai đoạn 2011- 2020 của Bộ Y tế), hiện có 29.518/38.328 NTHVS so tổng số nhà tiêu trên toàn địa bàn, tỷ lệ 77,01%. Trung tâm Y tế huyện Long Hồ cho biết, theo chỉ tiêu 75% của bộ tiêu chí áp dụng ở khu vực đồng bằng, tỷ lệ này đạt yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ, đối với một số xã có số công trình NTHVS còn thấp, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc sử dụng NTHVS, từ đó để họ nỗ lực xây dựng và sử dụng NTHVS. Và thường trong các đợt kiểm tra ở y tế xã, với địa bàn xã có tỷ lệ NTHVS đạt thấp, trung tâm y tế sẽ đề xuất “nhờ” chính quyền địa phương chỉ đạo nhằm nâng cao ý thức người dân về việc nên sử dụng NTHVS.
Theo Trưởng Khoa Y tế công cộng thuộc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ Mai Thị Linh Sa, đầu năm đến nay khoa đã truyền thông 24 cuộc tại 6 xã cho hàng trăm hộ gia đình về hợp phần vệ sinh này, lồng ghép tuyên truyền sử dụng NTHSV.
Một số cán bộ y tế ở lĩnh vực y tế sức khỏe cộng đồng, cho rằng nếu số NTHVS tăng lên thì sẽ kéo giảm lại số cầu tiêu ao cá, kéo giảm “áp lực” về ô nhiễm môi trường nguồn nước. “Môi trường nước hợp vệ sinh, NTHVS góp phần giúp hạn chế các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ). Sử dụng NTHVS giúp tránh được ruồi, muỗi (con vật trung gian) gián tiếp lây truyền bệnh truyền nhiễm”- ông Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ.
Giải pháp then chốt nhất để nâng cao kết quả hợp phần vệ sinh thời gian tới là tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức người dân để sử dụng NTHVS. Ngoài ra còn có nhiều đề xuất hợp lý như: vận động nguồn kinh phí hỗ trợ thêm cho hộ nghèo xây dựng NTHVS; có thể xây dựng mô hình mẫu NTHVS với giá cả hợp lý, phù hợp với đặc điểm từng địa phương...
NTHVS sẽ có vẻ mỹ quan hơn, đem lại nhiều tiện lợi cho người già và trẻ em, cũng như đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định. |
Bài, ảnh: AN DĨ HIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin