Sống cùng người bệnh tâm thần phân liệt

12:10, 10/10/2014

Đây là chủ đề được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra nhân ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới năm 2014 (ngày 10/10); nhằm kêu gọi sự quan tâm hơn nữa từ cơ sở y tế, gia đình, cộng đồng đối với sức khỏe người bệnh tâm thần.


Người bệnh tâm thần có thể gây ra nguy hiểm cho người khác.

Đây là chủ đề được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra nhân ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới năm 2014 (ngày 10/10); nhằm kêu gọi sự quan tâm hơn nữa từ cơ sở y tế, gia đình, cộng đồng đối với sức khỏe người bệnh tâm thần.

Phối hợp chặt trong điều trị tâm thần

Chúng tôi có mặt tại khoa Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đầu tháng 10/2014, gặp bà Đặng Thị Quới (ngụ xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) có con đang điều trị bệnh tâm thần tại khoa.
 
Bà Quới thuật lại: “Hơn 3 tuần trước, thằng T. (34 tuổi, xin không nêu tên) được đưa vào đây. Tui ngồi khóc suốt. Nó nhậu suốt ngày, ai rủ cũng nhậu, không thì tự nhậu một mình. Đến lúc hết nhậu nổi thì quay ra rên la, co giựt. Nhà thì không có điều kiện, thằng T. cứ nhậu suốt và “lên cơn” như vậy khoảng 10 ngày, nhà tui mới đưa vào bệnh viện...”.

T. là một trong nhiều trường hợp loạn thần do rượu đã, đang điều trị tại khoa Tâm thần của bệnh viện, được ghi nhận. Khuôn mặt bà Quới giãn ra: “Nay sau hơn 3 tuần điều trị, chăm sóc, T. đã ngồi ăn uống được, có thể tự xoay trở đi đứng, sau thời gian dài toàn nằm một chỗ, bên bà mẹ khóc ngất và cơm cháo phải đút, vệ sinh phải có người làm thay...”.

Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Năm- Điều dưỡng trưởng khoa Tâm thần- trong 9 tháng qua, khoa tiếp nhận 136 bệnh nhân tâm thần phân liệt vào điều trị nội trú; số bệnh nhân đến khám ngoại trú có 103 người.

Công tác 30 năm, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Năm không lạ những nguy hiểm do người bị bệnh tâm thần, động kinh tự gây ra cho bản thân họ, cho điều dưỡng và bác sĩ điều trị.

“Điều dưỡng chúng tôi phải vượt khó khăn, cả nguy hiểm (nếu có) để chăm sóc tốt, đem lại khả năng phục hồi cho bệnh nhân. Vất vả nhất là các dịp lễ, tết, vào “đợt truy quét”, lượng bệnh nhân bị tâm thần vào bệnh viện tăng lên, khi đó áp lực công việc nhiều hơn”- Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Năm chia sẻ.

Bác sĩ Đinh Thị Phương Liên- bác sĩ điều trị khoa Tâm thần- nói: Khoa có 10 giường bệnh và lượng bệnh nhân điều trị nội trú luôn xê xích với số này. Với mỗi bệnh nhân, tùy mức độ bệnh khác nhau, mà sau quá trình điều trị dài ngắn, sẽ xuất viện về nhà, giao cho gia đình và cộng đồng theo dõi, quản lý.

“Với người bệnh tâm thần phân liệt, nếu phát hiện sớm, đưa đi điều trị kịp thời, điều trị đúng phác đồ, cộng với sự quan tâm chăm sóc tốt của gia đình và quản lý chặt từ y tế cơ sở, sẽ đem lại khả năng thích ứng, tái hòa nhập cộng đồng cao hơn.”- bác sĩ Đinh Thị Phương Liên nói. Ngược lại, khả năng người bệnh tâm thần sẽ dễ sa sút về tinh thần, khó thích ứng với xã hội, gây ảnh hưởng gia đình và an ninh trật tự.

 “Chung sống”, chia sẻ với bệnh tâm thần

Bác sĩ Lê Minh Thận- Trưởng khoa Tâm thần, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long- cho biết đến tháng 9/2014 tổng số bệnh nhân tâm thần phân liệt đang quản lý là hơn 1.800 người tại 109 xã-phường- thị trấn.
 
Trong đó, số bệnh nhân mới phát hiện đưa vào quản lý 9 tháng năm 2014 là hơn 100 người, số chữa ổn định đạt 98%. Còn trong 78 xã triển khai quản lý bệnh động kinh, hiện có hơn 1.370 bệnh nhân, trong đó hơn 130 bệnh nhân mới phát hiện trong 9 tháng qua.

Theo bác sĩ Lê Minh Thận, bình quân mỗi tháng khoa Tâm thần tại trung tâm khám khoảng 50 bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần phân liệt, động kinh, các chứng loạn thần (loạn thần tuổi già, do rượu, sang chấn tâm lý, rối loạn lo âu, chậm phát triển về tâm thần...).

Sau đó, bệnh nhân được lập hồ sơ quản lý theo dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng (thuộc chương trình y tế quốc gia có mục tiêu). Tùy bệnh mà bệnh nhân được tư vấn, kê đơn thuốc điều trị tại nhà hoặc theo định kỳ hàng tháng.

Theo bác sĩ chuyên khoa tâm thần, qua điều tra, khám sàng lọc, chọn bệnh, tỷ lệ người bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và loạn thần ngày càng tăng. Hệ quả từ đó có thể gây ra một số tác động xã hội như: điều kiện bệnh tật, trật tự xã hội, lao động, sinh hoạt gia đình do bệnh nhân mang lại...

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền- Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long- cho biết: Với dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, trung tâm luôn đảm bảo nguồn thuốc men cung cấp điều trị bệnh nhân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn kinh phí Trung ương dành cho hầu hết các dự án thuộc chương trình y tế quốc gia có mục tiêu bị cắt giảm, trong đó có tâm thần, dẫn tới một số chỉ tiêu trong dự án chưa triển khai thực hiện.

Tổng thể mà nói, dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng thời gian qua đã duy trì thực hiện tốt các chỉ tiêu. Qua đó, đưa đối tượng tâm thần phân liệt, động kinh vào quản lý, điều trị phù hợp. Quá trình không phải một ngày một bữa và dừng lại đó.

Để công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần hiệu quả hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu giám sát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và nhất là vai trò của gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, quản lý, cùng “chung sống” để chia sẻ với người bệnh tâm thần...

Báo chí dẫn thông tin từ WHO, cho rằng sức khỏe tâm thần hiện nay có tầm quan trọng thứ 4 sau các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường. Tới năm 2020, sức khỏe tâm thần sẽ có tầm quan trọng thứ 2 chỉ sau bệnh tim mạch.

Cũng số liệu của WHO, trên thế hiện nay có hơn 400 triệu người bị mắc một trong các rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam , Hội Tâm thần học Việt Nam cho biết hiện tình trạng rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng; tỷ lệ bệnh khác nhau theo nhóm tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Trong đó đáng chú ý là sức khỏe tâm thần trẻ em, đặc biệt là tự kỷ ngày càng gia tăng đáng kể.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh