Nguy cơ dịch sởi bùng phát trở lại

10:10, 16/10/2014

Sau một thời gian tạm yên ắng, dịch sởi lại đang có dấu hiệu trở lại, nhất là các địa bàn có tỷ lệ tiêm vét rất thấp. Dịch sởi đã xuất hiện tại Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và gần đây nhất là Nghệ An.

Sau một thời gian tạm yên ắng, dịch sởi lại đang có dấu hiệu trở lại, nhất là các địa bàn có tỷ lệ tiêm vét rất thấp. Dịch sởi đã xuất hiện tại Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và gần đây nhất là Nghệ An.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo mà Cục nhận được từ Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An, thì dịch sởi đang xảy ra tại bản Piêng Cooc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Theo đó tại địa phương này đã ghi nhận 49 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi; chủ yếu 1-12 tuổi.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, để kịp thời khống chế, không để lan rộng dịch, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đề nghị cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm để tiến hành cách ly, xử lý ổ dịch một cách triệt để; tập trung các nguồn lực tổ chức, khám, điều trị chăm sóc và cách ly các bệnh không để xảy ra các trường hợp tử vong cũng như lây chéo trong cơ sở y tế.

Đồng thời, cử các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động xuống địa bàn để hỗ trợ địa phương cứu bệnh nhân. Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu địa phương tổ chức tiêm chủng vắc xin ngay đối với các huyện, xã thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có nguy cơ xảy ra dịch.

Ông Phu cho biết, sau đợt bùng phát dịch sởi hồi tháng 4 vừa qua trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tiêm vét sởi cho trẻ. Kết quả, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các địa phương báo cáo lên Bộ đều đạt rất cao, trên 90%. Tuy nhiên, đến nay sởi lại tái bùng phát ở một số điểm.

Theo ông Phu, thực tế có địa phương chưa giải quyết được chiến dịch tiêm vét này. Như Nghệ An báo cáo tỷ lệ tiêm chủng của cả tỉnh đạt rất cao trên 96% nhưng có xã lại rất thấp. Ngoài ra, chiến dịch tiêm trước mới chỉ tập trung tiêm vét cho trẻ 1-2 tuổi. Vì thế, chiến dịch tiêm sởi-rubella đang được tiến hành hiện nay sẽ tiêm cho trẻ 1-14 tuổi. Và phải sau tiêm 2 tuần đến một tháng, trẻ mới có miễn dịch phòng bệnh.

Hiện nay, chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi – rubella cho 23 triệu trẻ em trong độ tuổi 1 – 14 tuổi cũng đang diễn ra trên toàn quốc. “Bộ Y tế yêu cầu tỷ lệ tiêm mũi sởi-rubella phải đạt 95-100%, không phải trên quy mô tỉnh mà xã. Nếu không cứ để một xã cao, xã bên cạnh thấp thì bệnh sẽ rất dễ lây lan. Các tỉnh phải thống kê từ xã, huyện, tỉnh; sau này điều tra địa phương không tiêm được 95% thì nơi đó phải chịu trách nhiệm. Bộ có kiểm tra giám sát, nhưng chính quyền địa phương vẫn là chính”, cục trưởng Phu nói.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng rất lo ngại những khó khăn trong chiến dịch tại các vùng sâu, vùng xa này. Vì thế, để chuẩn bị tốt cho chiến dịch, tại các vùng khó khăn, Bộ Y tế đã có sự phối hợp với chính quyền, với bộ đội biên phòng, quyết tâm triển khai tiêm vắc xin tới những địa phương dù khó khăn nhất. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương cần tổ chức tiêm vét hợp lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ trẻ bị bỏ sót tiêm chủng sau hoãn tiêm.

Dịch sởi đang tái xuất tại một số tỉnh. Ảnh minh họa.

Tăng cường phòng chống dịch bệnh sởi

Nhằm tăng cường hơn nữa việc phòng chống dịch sởi Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ, người dân quan tâm đến sức khỏe của các cháu với việc thực hiện tốt các việc sau:

- Chủ động đưa toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng từ 9 - 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi theo kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi.

- Đối với các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cần đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với các loại bệnh có vắc xin dự phòng, trong đó có vắc xin sởi.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Theo VnMedia.vn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh