Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Đông- Xuân

06:10, 24/10/2014

Lồng ghép, đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm vào hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, hoạt động phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và cộng đồng nhằm ngăn chặn, khống chế không để dịch bệnh xảy ra.

Lồng ghép, đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm vào hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, hoạt động phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và cộng đồng nhằm ngăn chặn, khống chế không để dịch bệnh xảy ra.


Bác sĩ thăm hỏi bệnh nhi mới nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng.

Đó là một trong những yêu cầu của Bộ Y tế đối với các địa phương cả nước, nêu trong kế hoạch “Tăng cường truyền thông phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm mùa Đông- Xuân”.

Mùa xuất hiện nhiều bệnh ở trẻ nhỏ

Đông- Xuân là mùa xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ. Đó là chia sẻ của nhiều bác sĩ chuyên khoa nhi về các bệnh truyền nhiễm mà trẻ hay gặp lúc giao mùa. Cụ thể có bệnh viêm đường hô hấp cấp tính (cảm, ho, sổ mũi), viêm hô hấp do siêu vi trùng, viêm tiểu phế quản (phổi, mũi, họng); các bệnh về đường tiêu hóa có tay chân miệng, tiêu chảy cấp và tiêu chảy do vi trùng gây nên...

Tay chân miệng- một trong các bệnh truyền nhiễm được bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long nhận định- vẫn đang lưu hành, diễn biến mắc đều đặn thời gian qua. Theo thống kê của khoa này, từ đầu năm đến gần cuối tháng 10/2014, khoa đã tiếp nhận điều trị cho hơn 1.100 ca bệnh này.
 
Trong đó, hầu hết là bệnh ở mức độ nhẹ (độ I: 66 ca; độ IIA: 1.017 ca), bệnh ở mức độ nặng ít hơn (độ IIB: 53 ca; độ III: 6 ca; và chỉ duy nhất 1 ca độ IV- rất nặng). “Bệnh tay chân miệng xuất hiện nhiều với lượng bệnh khám, nhập viện điều trị cao hơn so cùng kỳ năm. Nhưng đa phần là bệnh nhẹ và hầu hết các ca bệnh nặng bệnh viện đã điều trị khỏi”- bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Năm- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết.

Cũng thời điểm này, một trong những bệnh truyền nhiễm “thường quy” ở trẻ còn có: tiêu chảy cấp do siêu vi trùng, tiêu chảy nhiễm trùng do vi trùng. Gần 300 ca tiêu chảy cấp và trên 550 ca tiêu chảy và viêm dạ dày ruột do nhiễm trùng đã nhập viện điều trị (và đã xuất viện) từ đầu năm đến nay, theo thống kê của khoa Nhi.
 
Cũng theo bác sĩ Phan Văn Năm, thời điểm mùa Đông- Xuân, bệnh viêm não cũng hay xuất hiện ở trẻ. Khoảng 5- 7 năm về trước, thời điểm giao mùa, nhất là về gần tết, lượng bệnh nhi mắc viêm não, viêm màng não do siêu vi trùng đến khám, nhập viện điều trị đông.

Theo các bác sĩ khối điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, số mắc sốt xuất huyết đã giảm rất mạnh trong năm nay. “Tuy giảm mạnh so cùng kỳ năm trước, nhưng sốt xuất huyết vẫn còn xảy ra, vẫn có trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng điều trị tại bệnh viện”- một bác sĩ điều trị nói.

Chủ động giải pháp phòng bệnh

Chị Nguyễn Thị Kim Hiền (xã Hòa Phú- Long Hồ) đứa con tên Huy (3 tuổi) lên khám và nhập viện điều trị tại bệnh viện tỉnh sáng 23/10. “2 ngày trước cháu bị sốt, bữa đầu tui không thấy có chấm đỏ ở tay, chân, nhưng đến ngày thứ 2 thì có. Do có biết nên tui nghĩ cháu mắc bệnh này. Sáng lên khám rồi bác sĩ cho nhập viện theo dõi luôn”- chị Hiền kể.

Ghi nhận khoảng 2 tuần gần đây, lượng bệnh nhập viện điều trị tại khoa Nhi đã tăng khá nhiều. Có lúc tại một buồng bệnh tay chân miệng có 3 giường nhưng có 4 bệnh nhi. Nguyễn Thị Phượng (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) đang chăm con tên Vi (3 tuổi) cũng mắc bệnh tay chân miệng. Các trẻ trên đều mắc bệnh tay chân miệng lần đầu. Bác sĩ nói bởi bệnh “nhạy lây” nên có lúc lượng trẻ mắc bệnh ồ ạt vào viện.

Do yếu tố thời tiết, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, do mầm bệnh từ người lớn “vô tình” truyền sang trẻ... mà trẻ sẽ mắc các bệnh truyền nhiễm nêu trên. “Tùy cơ chế, đặc điểm lây bệnh mà sẽ có cách phòng bệnh trong người dân và cộng đồng”- bác sĩ Phan Văn Năm, nói.

Về các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa: rất cần đề cao vệ sinh ăn uống, đảm bảo vệ sinh nguồn nước sử dụng, giữ gìn vệ sinh cá nhân mà đặc biệt là “rửa tay sạch thường xuyên bằng xà phòng” sẽ giúp hạn chế bệnh lây lan. Với bệnh lây truyền qua đường hô hấp: hạn chế tiếp xúc nguồn lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Với bệnh lây truyền do côn trùng (muỗi đốt): phòng tránh đơn giản là... tránh để muỗi đốt.

Đối với các bệnh truyền nhiễm trên, cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm tăng đề kháng cho trẻ để không mắc bệnh và chống lại bệnh khi đã mắc bệnh. Một biện pháp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm chủ động, được bác sĩ nhấn mạnh: tiêm vắc xin đầy đủ đối với những bệnh có vắc xin phòng.

“Kết hợp chặt chẽ việc tiêm vắc xin thường xuyên cho trẻ với việc học hỏi nâng cao kiến thức phòng bệnh từ phụ huynh, để phòng bệnh truyền nhiễm tốt nhất cho trẻ nhỏ”- các bác sĩ dự phòng và điều trị lưu ý như vậy.

Thời tiết mùa Đông- Xuân lạnh và ẩm nên ở người cao tuổi, trẻ em, người lao động ngoài trời, sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Do đó dẫn đến khả năng các bệnh dễ bùng phát, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa. Một số bệnh truyền nhiễm thường gặp mùa Đông- Xuân có: sởi, rubella, cúm (gồm cúm mùa, cúm A/H1N1, A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9), thủy đậu, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tay chân miệng, quai bị, viêm não vi rút, viêm não Nhật Bản, tiêu chảy do rota vi rút,... (trích kế hoạch của Bộ Y tế gửi các địa phương về việc “Tăng cường truyền thông phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm mùa Đông- Xuân”, triển khai từ 30/10/2014- 30/4/2015.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh