Đó là khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa mắt đối với người dân trong phòng chống bệnh viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ) lúc thời điểm giao mùa, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều...
Đó là khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa mắt đối với người dân trong phòng chống bệnh viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ) lúc thời điểm giao mùa, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều...
Đau mắt đỏ, bệnh nhạy lây
Ghi nhận tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, hiện mỗi ngày có trên dưới 50 người đủ các độ tuổi đến khám các bệnh về mắt. Khoảng 10-15 trường hợp trong đó là viêm kết mạc, viêm giác mạc mắt.
Ghi nhận của phóng viên chỉ trong một giờ đồng hồ, 2 trong số 6 trường hợp đến khám mắt tại Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 1/10, được bác sĩ chẩn đoán bị viêm kết mạc và viêm giác mạc mắt.
Trần Thanh Tùng (27 tuổi, ngụ Châu Thành- Đồng Tháp) nói bị đau mắt 5 ngày nay. Theo Tùng: “Mắt mới bị đau, tui đi khám ở Cái Tàu nhưng không hết, nay xuống đây bác sĩ nói bị viêm giác mạc”. Tương tự như Tùng là bé Mộng Thùy (10 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn) cũng bị đỏ mắt trái, mãi đến sáng ngày 1/10 mới đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và được nói là viêm kết mạc cấp.
“Ngoài những đợt cấp tính, những đợt bùng phát dịch bệnh, thường tại Khoa Mắt lúc nào cũng có bệnh nhân đến khám điều trị bệnh”- bác sĩ Nguyễn Thanh Hải- Trưởng Khoa Mắt- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, bệnh đau mắt đỏ có thể do nhiều nguồn lây, nhưng nguyên nhân chính là do Adenovirus và Enterovirus tuýp 70 (loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột) gây nên. Các nguồn lây trực tiếp qua đường hô hấp do người bệnh ho, hắt hơi và lây qua người lành.
Nguồn lây gián tiếp qua việc người không bệnh nhưng tiếp xúc với các đồ dùng, vật dụng dùng chung mà người bệnh đã tiếp xúc. “Bệnh lây rất nhạy từ các nguồn lây truyền trên”- bác sĩ Nguyễn Thanh Hải nói.
Về tình hình bệnh đau mắt đỏ hiện nay, ở TP Hà Nội đang diễn biến mắc và đến bệnh viện chuyên khoa mắt điều trị ồ ạt, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải nói rằng: “Hiện tại ở địa bàn tỉnh chưa thấy đau mắt đỏ bùng phát, nhưng nếu có địa phương có bệnh ồ ạt như vậy thì bà con mình phải phòng ngừa từ đầu”. Ông nói thời gian qua cũng có trường hợp người dân di cư giữa các vùng miền đến tỉnh, bị đau mắt đỏ đến điều trị ở Khoa Mắt tại bệnh viện.
Bệnh lành tính, tự phòng ngừa là chính
Theo bác sĩ chuyên khoa mắt, ngoài yếu tố trực tiếp hay gián tiếp đã nêu, bệnh đau mắt đỏ còn lây truyền từ nguyên nhân khách quan tưởng chừng khó biết. “Trẻ bị bệnh đau mắt đỏ, nếu đi bơi ở hồ bơi, thì khả năng lây lan cho các trẻ khác rất lớn. Bởi vi khuẩn gây đau mắt đỏ thường lưu hành trong môi trường bình thường được 2 ngày. Đó có thể là nguyên nhân gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ, nếu không cẩn thận trong sinh hoạt cộng đồng nêu trên”.
Một nguyên nhân nữa, là về nguyên tắc khi công nhân, học sinh sinh viên, công chức,... bị đau mắt đỏ thì đơn vị, trường học, cơ quan nên cho nghỉ ở nhà để đi khám điều trị. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được quan tâm triệt để, vì thế cũng là nguy cơ gây lây truyền và mắc cao trong cộng đồng nếu có bệnh.
Với các bệnh cấp tính về mắt như viêm kết mạc, viêm giác mạc,... nhiều bệnh nhân thường tự mua thuốc nhỏ mắt để tự điều trị. “Đó là cách có thể gây biến chứng nặng và nguy cơ gây tổn thương giác mạc mắt kéo dài hơn, có bệnh kéo dài cả tháng”- một bác sĩ nói.
Theo bác sĩ, trẻ em thường nhạy cảm với các loại vi rút nói chung, do đó Adenovirus gây viêm kết mạc mắt cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ mặc dù dễ lây lan nhưng gây dịch quy mô nhỏ và gần như thường niên. Thời điểm tháng 7- 11 năm ngoái, khi ở thời điểm đỉnh dịch, bệnh này gần như xuất hiện hầu hết các địa phương cả nước.
Năm nay bệnh được cho là trầm lắng hơn nhiều, dù đang “vào mùa” mà bệnh thường xuất hiện. Theo bác sĩ chuyên khoa mắt, bệnh đau mắt đỏ thường diễn biến lành tính, các biến chứng có thể xảy ra nhưng ít gặp. Hiện chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy cách phòng bệnh hiệu quả là giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Tuy trẻ em là đối tượng mắc đau mắt đỏ chủ yếu, nhưng người lớn cũng không là ngoại lệ.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) , để chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ, cộng đồng cần thực hiện tốt các việc:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, mắt kính, khẩu trang...
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.
- Sử dụng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường sát trùng đồ dùng, vật dụng của người bị bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm để tránh lây nhiễm với người xung quanh, lây lan trong cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
|
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin