Truyền thông tiên phong trong phòng bệnh tay chân miệng

06:09, 26/09/2014

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, do đang ở thời điểm mùa “đỉnh” dịch tay chân miệng (TCM) thứ 2 trong năm, nên công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phòng bệnh vẫn là yêu cầu hàng đầu... Dù hiện số mắc bệnh truyền nhiễm này giảm hơn 400 ca so cùng kỳ năm 2013, nhưng tại một số địa bàn số mắc tích lũy lại tăng.


Thị phạm rửa tay sạch và đúng quy cách bằng xà phòng trong phòng chống TCM.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, do đang ở thời điểm mùa “đỉnh” dịch tay chân miệng (TCM) thứ 2 trong năm, nên công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phòng bệnh vẫn là yêu cầu hàng đầu... Dù hiện số mắc bệnh truyền nhiễm này giảm hơn 400 ca so cùng kỳ năm 2013, nhưng tại một số địa bàn số mắc tích lũy lại tăng.

Nguồn lây bệnh có thể từ người lớn

Long Hồ hiện là địa bàn có số mắc TCM chiếm nhiều và tăng cao so các địa phương. Trung tâm Y tế huyện Long Hồ thống kê đến tháng 9, cả huyện tích lũy có hơn 780 ca mắc TCM, tăng gần 130 ca so cùng kỳ.

Theo bác sĩ Hồ Huỳnh Như Trâm- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ, do địa bàn rộng, lượng di dân cao, công nhân tạm trú đông đúc làm trong khu công nghiệp,... nên khi có dấu hiệu bệnh TCM, người dân thường đưa trẻ đi khám trực tiếp tại bệnh viện tỉnh.

Sau khi trung tâm nhận được phản hồi ca bệnh, sẽ trực tiếp xuống địa bàn để giám sát. Thế nhưng qua giám sát, có khi người dân có bệnh thường không thuộc địa bàn Long Hồ mà thuộc địa bàn huyện khác.

Theo bác sĩ Hồ Huỳnh Như Trâm, thường thì có 2 ca bệnh phản hồi về huyện và thuộc cùng một địa bàn là trung tâm sẽ tiến hành giám sát ngay. Qua đó nhận định nếu có nguy cơ xuất hiện ổ dịch thì kịp thời khống chế, không để lây lan.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long cho biết: Quá trình điều tra giám sát ca bệnh, y tế dự phòng thấy ở nhiều địa bàn những trẻ bị TCM thường ở tại nhà và khả năng không thể tiếp xúc với nguồn lây.

Do vậy, có thể do người lớn (chủ yếu từ bàn tay), qua cưng nựng các trẻ khác (có thể đã mắc TCM), sau đó về ẵm bồng, chăm sóc trẻ ở nhà mà không chú ý việc rửa tay sạch, đã là nguyên nhân phát tán nguồn lây bệnh đáng lo.

Giao ban ngành y tế tháng 9/2014, Sở Y tế đã chỉ đạo các địa phương có số mắc TCM cao, gia tăng nhiều cần đẩy mạnh truyền thông hướng dẫn phòng chống dịch bệnh. Đồng thời cần tăng cường giám sát phát hiện sớm ổ dịch nhỏ để khống chế số mắc, dập tắt kịp thời.

Truyền thông y tế phải tiên phong, sâu, rộng

Tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế chủ trì mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Để phòng chống các dịch bệnh hiệu quả, truyền thông y tế phải đi trước một bước, trong đó chú trọng vào công tác dự phòng.

Truyền thông phải chủ động cung cấp thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn, tọa đàm, nhằm giúp người dân biết cách và tự mình phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

Bác sĩ Trần Thanh Thúy- Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ cho biết: Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức được 20 cuộc nói chuyện nhóm về phòng chống TCM trên địa bàn.

Khoảng 600 bà mẹ có con dưới 5 tuổi đã được hướng dẫn cách phát hiện dấu hiệu bệnh TCM, cách rửa tay sạch bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ,...

Theo bác sĩ Trần Thanh Thúy, cuối tháng này trung tâm tiếp tục tập huấn cho 60 cô giáo, bảo mẫu các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn các nội dung trên. Trước đó, đầu năm học ngành y tế huyện đã tổ chức phun hóa chất ở 10/15 xã- thị trấn có số mắc TCM nhiều và tăng khá cao.

Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long thời gian qua đã phối hợp Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Vĩnh Long truyền thông sâu, rộng trong cộng đồng để phòng bệnh TCM.

Ngoài chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh tay, chân, miệng cho trẻ nhỏ, còn đặc biệt chú ý đến người thân trong gia đình. Những người thường xuyên tiếp xúc trẻ cần vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi ẵm bồng trẻ, nhằm hạn chế nguy cơ lây bệnh cho trẻ (nếu có) từ trong cộng đồng.
 
“Tháng 9 cũng là thời điểm bắt đầu mùa “đỉnh” dịch thứ 2 trong năm (tháng 9- tháng 11), công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng bệnh TCM tiếp tục đẩy mạnh, để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh cho con em mình”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân lưu ý.

Theo cơ quan y tế, thời gian qua, công tác tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh, trong đó có bệnh truyền nhiễm mới nổi TCM đã đem lại hiệu quả phòng bệnh đáng kể trong cộng đồng. TCM hiện có số mắc giảm so mọi năm và phần lớn ca bệnh ở mức độ nhẹ.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long cho biết: Đến tháng 9/2014, tỉnh ghi nhận 2.534 ca mắc TCM, giảm so với 2.925 ca mắc ở cùng thời điểm năm rồi. Trong tháng 9/2014, TCM có số mắc tăng 87 ca so tháng 8, trong đó tăng cao nhất là TP Vĩnh Long với 27 ca, Vũng Liêm 26 ca và Long Hồ 16 ca. Long Hồ hiện là địa bàn có số mắc TCM chiếm nhiều và tăng cao so các địa phương. Trung tâm Y tế huyện Long Hồ thống kê đến tháng 9, cả huyện tích lũy có hơn 780 ca mắc TCM, tăng gần 130 ca so cùng kỳ.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh