Chiến dịch tiêm ngừa lớn nhất

06:09, 12/09/2014

Bắt đầu từ tháng 10/2014, chiến dịch tiêm vắc xin phối hợp sởi- rubella cho toàn bộ trẻ em 1-14 tuổi sẽ triển khai tại tất cả xã- phường trên cả nước, kéo dài đến đầu năm 2015. Mục tiêu nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi và rubella, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh. Theo ngành chức năng, có thể nói chiến dịch


Đưa trẻ đi tiêm vắc xin dịch vụ ngừa sởi hồi giữa năm nay.
Ảnh minh họa

Bắt đầu từ tháng 10/2014, chiến dịch tiêm vắc xin phối hợp sởi- rubella cho toàn bộ trẻ em 1-14 tuổi sẽ triển khai tại tất cả xã- phường trên cả nước, kéo dài đến đầu năm 2015. Mục tiêu nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi và rubella, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh.

Theo ngành chức năng, có thể nói chiến dịch tiêm ngừa này là lớn nhất trên địa bàn tỉnh với lượng trẻ được tiêm ngừa đồng loạt cao và thời gian kéo dài.

Cả nước theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 23 triệu trẻ em trong độ tuổi nêu trên được tiêm ngừa vắc xin phối hợp này.

Chiến dịch quan trọng, cần thiết

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, đợt tiêm ngừa vắc xin ngừa sởi và rubella này là rất lớn về số đối tượng được tiêm và thời gian triển khai.

Sởi và rubella là bệnh truyền nhiễm rất dễ gây thành dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế- xã hội. Với sởi, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm ở trẻ em, có thể dẫn đến tử vong. Với rubella, tuy ít biến chứng nặng nhưng nếu phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ bị nhiễm rubella, sẽ dễ dẫn đến hội chứng rubella bẩm sinh (gây dị tật cho trẻ sơ sinh như đầu nhỏ, câm, điếc...).

“Phát động chiến dịch là rất cần thiết với ý nghĩa rất quan trọng. Chiến dịch tiêm ngừa sẽ giúp tạo miễn dịch đầy đủ trong cộng đồng, phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe cho trẻ, bà mẹ trước các bệnh truyền nhiễm nói trên”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nhận định.

Hiện tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang tập huấn cho cán bộ y tế phụ trách tiêm chủng ở các địa phương để nắm rõ mục đích tiêm ngừa cũng như các quy định về an toàn tiêm chủng.
 
Bên cạnh, việc điều tra đối tượng là hết sức quan trọng, đảm bảo tất cả đối tượng trong độ tuổi đều được tiêm ngừa, tránh bỏ sót. Do đối tượng tiêm ngừa trải dài từ trẻ ở độ tuổi mầm non (1-5 tuổi), tiểu học (6-10 tuổi), THCS (11-14 tuổi), nên ngành giáo dục là đơn vị phối hợp rất quan trọng để chiến dịch tiêm ngừa thành công.

Theo kế hoạch, chiến dịch tiêm chia thành 3 đợt: đợt 1 (tháng 10/2014) tiêm cho trẻ độ tuổi mầm non tại trạm y tế xã- phường; đợt 2 (tháng 11/2014) tiêm cho trẻ tiểu học tại các trường tiểu học toàn tỉnh; đợt 3 (tháng 1/2015) tiêm cho trẻ độ tuổi THCS tại các trường THCS nơi các em đang học.

Tại trạm y tế xã, một đội tiêm có một bàn tiêm, thực hiện tiêm cho khoảng 200 trẻ/ngày và kéo dài mỗi đợt hơn 2 tuần lễ.

Ở các trường học, cũng thời gian tiêm ngừa như trên, nhưng tại trường mỗi đội tiêm có thể tổ chức 2 bàn tiêm và tiêm 200 trẻ/ngày. Riêng với đối tượng vãng lai, tức trẻ trong quá trình đi theo gia đình làm ăn, ngay tại thời điểm tiêm ngừa, có nhu cầu vẫn được tiêm ngừa như tất cả trẻ đã điều tra.

Kỳ vọng tiêm ngừa đạt cao

Hơn 217.000 trẻ em 1-14 tuổi trong tỉnh Vĩnh Long được tiêm ngừa vắc xin phối hợp sởi- rubella trong chiến dịch. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tỷ lệ tiêm ngừa đạt 95% trở lên và đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Ngày 29/8 vừa rồi, đến dự hội nghị triển khai kế hoạch tiêm vắc xin ngừa sởi- rubella 1-14 tuổi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng- Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đánh giá cao và yên tâm với công tác tổ chức chiến dịch ngay từ đầu của tỉnh; bởi quá trình triển khai đã có hầu hết lãnh đạo các huyện tham dự. Với vai trò chủ đạo của ngành y tế, phối hợp ngành giáo dục cộng với sự sâu sát của chính quyền địa phương, kết quả tiêm ngừa kỳ vọng thành công.

Chia sẻ về chỉ tiêu tiêm phải đạt tối thiểu 95% trở lên, bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng- Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho rằng tiêm ngừa đạt 100% là quá tốt và không có lỗ hổng miễn dịch, tiêm 95% trở lên vẫn có lỗ hổng miễn dịch.
 
Theo ông, tỷ lệ tiêm đạt càng thấp thì lỗ hổng miễn dịch càng lớn. Dẫn chứng vụ dịch sởi hồi đầu năm nay, nhiều bác sĩ cho rằng đó là lỗ hổng miễn dịch của việc tiêm ngừa đạt thấp tích lũy các năm qua, dẫn đến đợt dịch như đã nêu.

Phát biểu tại hội nghị kế hoạch triển khai chiến dịch này hôm 29/8, bác sĩ Trần Văn Út- Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long cho hay, ngành y tế sẽ cố gắng triển khai thực hiện tốt chiến dịch, để đạt chỉ tiêu tiêm ngừa và hiệu quả phòng bệnh cao nhất.

Việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella cho tất cả trẻ em 1-14 tuổi sẽ góp phần lớn giảm gánh nặng bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh, góp phần rất quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi của khu vực Tây Thái Bình Dương vào năm 2017 và bệnh rubella trong tương lai (trích kế hoạch triển khai chiến dịch này của Bộ Y tế). Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, chiến dịch tiêm ngừa sởi- rubella trị giá gần 35 triệu USD

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh