Đông y trong điều trị phục hồi và bảo tồn

06:09, 19/09/2014

Với đặc thù kết hợp giữa Đông y- Tây y trong khám và điều trị bệnh nhân, mà chủ đạo là sử dụng Đông y, Bệnh viện Y dược cổ truyền TP Vĩnh Long đã áp dụng điều trị phục hồi, điều trị bảo tồn đạt hiệu quả cao. Điểm nhấn đáng chú ý là điều trị “hậu” tai biến mạch máu não với các biến chứng, các bệnh lý về khớp,...

Với đặc thù kết hợp giữa Đông y- Tây y trong khám và điều trị bệnh nhân, mà chủ đạo là sử dụng Đông y, Bệnh viện Y dược cổ truyền TP Vĩnh Long đã áp dụng điều trị phục hồi, điều trị bảo tồn đạt hiệu quả cao. Điểm nhấn đáng chú ý là điều trị “hậu” tai biến mạch máu não với các biến chứng, các bệnh lý về khớp,...


Y sĩ y học cổ truyền đang làm thao tác “cứu” (thuật ngữ châm cứu) cho bệnh nhân.

Gia giảm thuốc theo người bệnh

Theo các bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền: với tai biến mạch máu não, khi vào điều trị bằng Đông y, thường đã được điều trị trước đó bằng Tây y tính từ thời điểm cấp cứu. Vào điều trị bằng Đông y, bệnh nhân sau khi đã ổn định huyết áp, tim mạch, quá trình điều trị sẽ bắt đầu. Điều trị bằng Đông y chủ yếu là từ các bài thuốc Nam , thuốc Bắc.
 
“Điều trị đơn thuần bằng Tây y thì hiệu quả trong một số trường hợp bệnh trạng không cao, khả năng phục hồi khó. Điều trị bằng Đông y- Tây y kết hợp dù khả năng phục hồi kéo dài, nhưng ít để lại tác dụng phụ”- một bác sĩ chuyên khoa về y học cổ truyền chia sẻ.

Bác sĩ y học cổ truyền Trương Hoàng Minh, thuộc Khoa Nội của Bệnh viện Y dược cổ truyền TP Vĩnh Long cho biết: Với bệnh nhân tai biến mạch máu não, khoa thường đảm trách giai đoạn điều trị phục hồi.

Quá trình điều trị sẽ kết hợp Đông- Tây y: “Tây y duy trì thuốc để ổn định huyết áp, đường huyết, tăng tuần hoàn não, hoặc dùng kháng sinh nếu có bội nhiễm. Điều trị Đông y có thuốc thành phẩm, thuốc dạng thang dùng theo phác đồ; kết hợp châm cứu, vật lý trị liệu, hoặc dưỡng sinh, sóng siêu âm”.
 
Bác sĩ Trương Hoàng Minh ước tính, khoảng 60% bệnh nhân bị các biến chứng “hậu” tai biến vào điều trị nội khoa đạt yêu cầu về phục hồi vận động (yếu, liệt, dị cảm); số còn lại tùy vào bệnh lý đi kèm, tuổi tác, ý chí bệnh nhân mà phục hồi về rối loạn tiểu tiện, rối loạn ngôn ngữ,...

Ở bệnh lý về khớp, nhiều bác sĩ y học cổ truyền cũng cho rằng nếu sử dụng thuốc Tây kéo dài, sẽ gây ra các tác dụng không mong muốn (về dạ dày, tá tràng, gan,...).

Bởi vậy một số bệnh nhân bệnh khớp, khi vào bệnh viện... gần như điều trị hoàn toàn bằng Đông y. Theo bác sĩ y học cổ truyền Trương Hoài Phong, với bệnh lý này, dù Đông y có điều trị lâu dài nhưng ít tác dụng phụ, người bệnh an tâm hơn.

Tâm đắc nhất là thuốc dạng thang, bác sĩ Trương Hoài Phong cho rằng: “Nếu bệnh nhân trong quá trình điều bị bệnh khớp, có giảm bớt hoặc xuất hiện các triệu chứng mới thì cũng “dễ dàng gia giảm những vị thuốc” theo bệnh lý người bệnh. Với sự đa dạng của các loại thuốc Nam, thuốc Bắc hiện nay, đã đem lại sự phong phú, thuận tiện cho bác sĩ khi bốc thuốc điều trị cho bệnh nhân”.

Quen với y học cổ truyền

Ghi nhận có nhiều cụ ông, cụ bà đã và đang điều trị các bệnh lý về khớp, các hội chứng liên quan đến thần kinh, vận động,... tại Khoa Nội.

Ông Nguyễn Văn Đến (75 tuổi, thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) bị tê nhức chân tay phía bên phải đã lâu, vào viện ngày 3/9 được bác sĩ chẩn đoán “các viêm khớp khác”.

Điều trị kết hợp Đông- Tây y đến nay, ông Đến nói thấy “vận động đã thoải mái, thấy khỏe hơn rồi”. Cũng đang điều trị nội trú cao huyết áp vô căn, rối loạn giấc ngủ/hội chứng chóng mặt, cụ ông Lê Thành Đắc (67 tuổi, ngụ phường Thành Phước- TX Bình Minh), nói đã cảm thấy đỡ hơn nhiều dù mới 3 ngày vô đây.


Trong thuốc cấp cho bệnh nhân hàng ngày, luôn có thuốc thành phẩm, thuốc dạng thang kết hợp thuốc Tây.

Theo bác sĩ chuyên khoa II, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền TP Vĩnh Long Huỳnh Văn Hải: “Trong khám chữa bệnh kết hợp Đông y- Tây y, bác sĩ phải giỏi Đông y và phải vững cả Tây y. Có vậy mới đem đến hiệu quả điều trị cao cho bệnh nhân”.

Bệnh viện cho biết có khá nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy các bệnh về cột sống, thoát vị đĩa đệm, sau đó về cơ sở này đã được điều trị bảo tồn.
 
Các phương pháp thủy châm, kéo cột sống đã được áp dụng điều trị các trường hợp đó. Có bệnh nhân ở Cà Mau, Long An đến bệnh viện điều trị từ nhiều năm qua, với các bệnh lý “đặc thù” về khớp, cột sống, tai biến đã “gắn bó” với hoạt động điều trị tại đây.

Ban Giám đốc bệnh viện cho biết, có thời điểm mỗi tháng có tới 40- 60% bệnh nhân chấp nhận khám vượt tuyến (từ xã), trái tuyến (các huyện) đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Có thể hiểu con số này như sau: sau khi Bệnh viện Đa khoa TP Vĩnh Long đưa vào hoạt động, theo quy định của ngành y tế, 100% đầu thẻ BHYT trên địa bàn thành phố chuyển về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở này. Theo tìm hiểu, việc có nhiều người dân chấp nhận vượt tuyến hoặc trái tuyến là do họ đã “quen” quá trình điều trị kết hợp Đông- Tây y mang lại hiệu quả cho họ.
 
“Khoảng 40% bệnh nhân, hầu hết là người bệnh lớn tuổi mắc các bệnh mãn tính về khớp, biến chứng tai biến,... nằm điều trị nội trú tại bệnh viện”- đại diện lãnh đạo bệnh viện nêu thêm.

Trong định hướng kết hợp Đông y- Tây y ngày càng phát triển, Bệnh viện Y dược cổ truyền TP Vĩnh Long cho biết sẽ chú trọng tham gia đào tạo chuyên sâu, mũi nhọn theo từng sở trường của mỗi bác sĩ. Bệnh viện đã và đang có một số bác sĩ tham gia đào tạo chuyên khoa I đi vào mũi nhọn bệnh lý khớp, bệnh trĩ, viêm gan,...

Thống kê của Sở Y tế Vĩnh Long tháng qua, các cơ sở y tế đã khám ngoại trú cho 283.770 lượt người, trong đó gần 65.500 người khám chữa bệnh y học dân tộc.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh