Cứu sống một bệnh nhi bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang ngủ

07:09, 09/09/2014

Chiều 8/9, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, khoa Hồi sức tích cực-chống độc của bệnh viện vừa cấp cứu kịp thời, cứu sống một bệnh nhi bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang ngủ.

Chiều 8/9, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, khoa Hồi sức tích cực-chống độc của bệnh viện vừa cấp cứu kịp thời, cứu sống một bệnh nhi bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang ngủ.

Bệnh nhi là em Tăng Hữu Hưng, 11 tuổi, ngụ khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Đêm ngày 6/9, em Hưng được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cấp cứu vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải khi đang nằm ngủ. Theo hồ sơ bệnh án, Hưng bị rắn cắn ở mu bàn tay trái, nhập viện trong tình trạng sưng nề bàn tay, lan tới khắp cổ tay. Vết thương do rắn cắn lan nhanh từ mu bàn tay tới cánh tay do bị rối loạn đông máu nặng.

Tiến hành cấp cứu, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - chống độc của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã tiến hành truyền 2 lần huyết thanh để kháng nọc rắn cho bệnh nhân. Qua cấp cứu, sức khỏe của bệnh nhi bắt đầu hồi phục, tỉnh táo và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Theo đánh giá của các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - chống độc, với các trường hợp bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nếu không đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ sớm bị rối loạn đông máu nặng dẫn đến xuất huyết não, gây tử vong.

Chị Nguyễn Thu Ba (mẹ của Hưng) cho biết, khoảng 10 giờ tối ngày 6/9, Hưng vào màn ngủ thì tay trái quơ trúng con rắn lục đuôi đỏ nằm sẵn trong đó và bị rắn cắn trúng. Lúc đó Hưng la lên và được gia đình đưa đi cấp cứu. Lúc Hưng vừa bị cắn, nơi vết thương ra máu, không đau nhức nhiều nhưng sau 1 giờ nơi đó đau nhức dữ dội.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân khi bị rắn cắn, bước đầu phải trấn an bệnh nhân; tránh can thiệp vào vết cắn như rạch, hút máu, đắp lá cây, thuốc không rõ loại… vì có thể gây nhiễm trùng, tăng hấp thu nọc độc và chảy máu tại chỗ. Tiếp theo phải cố định chi bị cắn bằng nẹp gỗ, nếu con rắn đã bị giết thì nên mang theo đến bệnh viện.

Bên cạnh đó, nếu thấy bệnh nhân có các dấu hiệu sau cần phải nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu như vết thương bị sưng nề lan rộng nhanh, đau nhức dọc chi bị cắn, chảy máu không cầm; bệnh nhân buồn nôn, đau đầu, nặng mi mắt, sụp mi, khó nuốt, khó thở, lơ mơ, nước tiểu đen…

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cũng khuyên người dân nên phát quang môi trường sạch sẽ, ra ngoài vườn nên mang ủng và bao tay, tránh để trẻ nhỏ chơi tại các đống củi, gỗ khô, bụi rậm./.

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh