Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh phí, hạn chế nhân lực, các cán bộ quản lý y tế tỉnh Vĩnh Long đã đề xuất các giải pháp giúp giữ vững, hoặc nâng cao hiệu quả triển khai hầu hết chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Chương trình mục tiêu chống lao là một “điển hình trong khó khăn” đó.
Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh phí, hạn chế nhân lực, các cán bộ quản lý y tế tỉnh Vĩnh Long đã đề xuất các giải pháp giúp giữ vững, hoặc nâng cao hiệu quả triển khai hầu hết chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Chương trình mục tiêu chống lao là một “điển hình trong khó khăn” đó.
Việc bệnh nhân điều trị tuân thủ phác đồ là giải pháp hiệu quả nhất trong điều trị bệnh lao.
Dịch tễ lao trong cộng đồng còn cao
Trong 6 tháng qua, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức khám tầm soát 9.834 trường hợp so tổng số 16.190 chỉ tiêu trong chương trình lao, đạt 60,7%.
Tuy nhiên, thử đàm phát hiện chỉ đạt 43,5% so kế hoạch; thu dung điều trị chỉ xấp xỉ phân nửa chỉ tiêu cả năm. Đáng mừng, số bệnh nhân được điều trị khỏi (AFB dương tính) chiếm cao với 91,3% trong tổng số thu dung điều trị.
Theo Sở Y tế Vĩnh Long, 6 tháng qua có hơn 900 ca dương tính mới với bệnh lao trong hơn 5.400 ca có thử đàm.
Tổng số bệnh nhân lao đang được quản lý hiện nay hơn 1.850, số bệnh nhân điều trị khỏi là 777, đã có 28 bệnh nhân lao tử vong. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền- Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long, “những số liệu trên chứng tỏ dịch tễ lao trong cộng đồng vẫn chưa giảm”.
Tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc toàn tỉnh hiện nay chiếm 4,5%, tức trên 70 bệnh nhân trong tổng số khoảng 1.500 bệnh nhân lao tỉnh đang quản lý. “Tỷ lệ như vậy là cao”- trung tâm khẳng định.
Tỷ lệ cao do bệnh nhân hoặc không có khả năng để đi khám tầm soát lao hoặc đã mắc lao kháng thuốc nhưng không có điều kiện điều trị.
Theo bác sĩ Chuyên khoa I về lao phổi Nguyễn Văn Tha: Lao kháng thuốc có các nguyên nhân: do nhiều bệnh lý “tích hợp” trong bệnh nhân (suy giảm miễn dịch, tiểu đường, ung thư, suy dinh dưỡng), do chấp hành không tốt phác đồ điều trị, điều kiện kinh tế... đã ảnh hưởng tỷ lệ điều trị khỏi.
Dù dịch tễ lao còn cao, nhưng việc áp dụng phác đồ điều trị mới kỳ vọng giúp bệnh nhân lao giảm trong cộng đồng. Từ 1/7/2014, tỉnh áp dụng việc điều trị bệnh lao bằng phác đồ mới: 6 tháng (so phác đồ 8 tháng trước đây).
“Phác đồ này rút ngắn thời gian điều trị, bệnh nhân sẽ uống thuốc chứ không chích thuốc. Đặc biệt phác đồ này có mô hình giám sát cộng đồng, tức gia đình bệnh nhân, các tổ chức chính trị đoàn thể sở tại, cộng tác viên chống lao cùng giám sát điều trị, quản lý bệnh nhân. Qua đó đem lại khả năng điều trị khỏi bệnh cao hơn”- bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền nêu.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền phân tích: “Lao sẽ có khả năng lây dữ dội trong cộng đồng nếu công tác khám phát hiện, giám sát, điều trị không tốt. Phong lây ít hơn lao (tỉnh Vĩnh Long được công nhận loại trừ bệnh phong trên địa bàn từ 2 năm qua), nhưng nguy cơ gây tàn tật cao. Tâm thần cũng vậy, nếu quản lý và điều trị không tốt, sẽ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội do người bệnh tâm thần gây ra”. |
Đề xuất bệnh viện tham gia chống lao
Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng, khó khăn hiện nay trong phòng chống lao, là kinh phí đã giảm rất nhiều.
Trong khi đó, quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống lao do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 17/3/2014, có yêu cầu các địa phương bố trí đủ ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cho phòng, chống lao tại địa phương cùng ngân sách trung ương cấp hàng năm.
Đơn cử với lao, năm 2014, kinh phí trung ương từ chương trình mục tiêu quốc gia về y tế cấp cho trung tâm 145 triệu đồng, chỉ bằng 20% năm 2013.
Trung tâm đã có ý kiến với Sở Y tế, sở cũng đã đề nghị tỉnh về việc hỗ trợ ngân sách địa phương để duy trì hoạt động phòng chống lao, vì: “Kinh phí giảm, sẽ khó triển khai rộng rãi khám phát hiện bệnh lao mới. Phong, tâm thần cũng tương tự”- bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền nói.
Theo Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, cái khó nữa còn ở đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Hiện mỗi cán bộ y tế cơ sở phụ trách ít nhất 3 chương trình thành phần trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Gánh vác nhiều việc nên thời gian, công sức, cộng với chế độ ít cũng là “áp lực”, nên hiệu quả các chương trình chưa cao.
Ở tuyến huyện, trong bối cảnh khó khăn chung, các trung tâm y tế đề xuất: ngành y tế tỉnh có thể giao cho bệnh viện đa khoa tuyến huyện tham gia khám phát hiện bệnh nhân lao.
Cụ thể gồm xét nghiệm đàm và sau đó chuyển sang tổ lao của trung tâm y tế quản lý. Nét mới này nếu triển khai sẽ giúp nâng lượng bệnh nhân lao được quản lý trong cộng đồng nếu đã phát hiện sớm ngay từ đầu, nâng hiệu quả phòng chống lao.
Ngày 29/7/2014, tại TP Vị Thanh (Hậu Giang), Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo đại biểu Quốc hội với chính sách pháp luật về phòng chống lao. Những nội dung được bàn thảo có: tổ chức khám và điều trị lao ở tuyến xã, huyện; nguồn lực phục vụ phòng chống bệnh lao tại cấp tỉnh; thuốc phục vụ điều trị bệnh lao; nguồn lực bền vững và an ninh thuốc phòng chống lao;... Có thể thấy, công tác phòng chống lao đã, đang và sẽ rất được quan tâm. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin