2 mũi vắc xin ngừa lao và ngừa viêm gan B tiêm cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu, riêng mũi tiêm viêm gan B đầu năm đến nay tỷ lệ chung cả tỉnh chiếm thấp. Đây là các mũi tiêm ngừa đầu đời cho trẻ, đem lại tác dụng phòng bệnh hiệu quả về sau này. Phạm vi bài viết nói về mũi tiêm viêm gan B.
Nữ hộ sinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long tư vấn trước giờ vào tiêm vắc xin ngừa lao và viêm gan B sơ sinh.
2 mũi vắc xin ngừa lao và ngừa viêm gan B tiêm cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu, riêng mũi tiêm viêm gan B đầu năm đến nay tỷ lệ chung cả tỉnh chiếm thấp. Đây là các mũi tiêm ngừa đầu đời cho trẻ, đem lại tác dụng phòng bệnh hiệu quả về sau này. Phạm vi bài viết nói về mũi tiêm viêm gan B.
Đầu giờ chiều ngày 22/7, như thông lệ, nhiều bà nội, bà ngoại, cha của trẻ sơ sinh đã ẵm trẻ ngồi ngay ngắn trước cửa phòng tiêm chủng của Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Tại đây họ được tư vấn, hướng dẫn trước khi tiêm vắc xin ngừa lao và viêm gan B sơ sinh cho trẻ.
Trẻ sinh ra đều được tiêm
Theo thống kê của Khoa Sản, 6 tháng đầu năm nay, trong 2.719 trẻ sinh ra tại bệnh viện, có 2.268 trẻ được tiêm mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh.
“Tỷ lệ tiêm ngừa như vậy là cao”- một cán bộ khoa nói. Theo Điều dưỡng trưởng khoa Võ Thị Kim Thoa, hầu hết các trẻ sinh ra khỏe mạnh, hồng hào, bú được, không có bệnh lý sơ sinh, đều được tiêm ngừa.
Các trường hợp không tiêm trong tổng số sinh ra, phần lớn do trẻ có bệnh lý sơ sinh, điều trị từ 5 ngày trở đi, sẽ chỉ định không tiêm ngừa. Các trường hợp này được nữ hộ sinh, điều dưỡng tư vấn cho về địa phương tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
“Không có trường hợp nào không đồng ý tiêm mũi vắc xin này. Hầu hết người nhà đều đồng ý tiêm ngừa cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ”- Điều dưỡng trưởng Kim Thoa cho biết.
Theo bác sĩ, điều dưỡng tại khoa, thời gian qua đã có nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế khoa về công tác tiêm chủng, vì thế chất lượng khám sàng lọc, tư vấn, hướng dẫn và theo dõi trẻ trước và sau tiêm ngừa hiệu quả tốt hơn.
Anh Nguyễn Tấn Đức (thị trấn Tam Bình- Tam Bình) đang ngồi chờ đưa con vào tiêm tại phòng tiêm chủng của bộ phận hậu sản, nói “đây là lần thứ 2 đưa vợ đi sinh nên quen rồi”.
“Quen” mà anh Đức nói với chúng tôi, là trả lời câu hỏi về vấn đề cùng lắng nghe tư vấn, khuyến cáo cặn kẽ của nữ hộ sinh trước khi đưa vào cơ thể trẻ 2 mũi vắc xin đầu đời, có ý nghĩa rất lớn để phòng chống bệnh tật, cụ thể là ngừa lao và viêm gan B.
Các mũi tiêm ngừa này góp phần đáp ứng miễn dịch phòng bệnh ngay từ đầu đời cho trẻ.
Kiểm soát tỷ lệ tiêm, nâng hiệu quả phòng bệnh
Năm 2013, Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, toàn tỉnh có 8.950 trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu. Mũi tiêm này nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Trong khi đó năm qua, số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ (vắc xin tiêm chủng mở rộng) là 15.626 trẻ, đạt 95,28% (chỉ tiêu 95%). Không khó để thấy, mũi tiêm viêm gan B sơ sinh như vậy là thấp. Thực tế hiện tại tỷ lệ tiêm mũi vắc xin này cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh trên toàn tỉnh thấp!
Nguyên nhân mũi tiêm này trên diện rộng thấp, nhiều cán bộ y tế cho hay, một mặt do các bậc cha mẹ vẫn còn lo ngại tai biến sau tiêm tại Quảng Trị hồi đầu năm (đã có kết luận tiêm nhầm thuốc, không do vắc xin); một mặt “còn có e ngại” từ chính cán bộ y tế tiêm chủng.
Giao ban tháng 7/2014 của ngành, Sở Y tế chỉ đạo cơ quan y tế dự phòng về vấn đề vắc xin, cụ thể cần có kế hoạch tăng cường tập huấn cho cán bộ khám sàng lọc và tiêm ngừa vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu.
Nhìn nhận tỷ lệ tiêm ngừa mũi vắc xin này chung toàn tỉnh thấp, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y học dự phòng tỉnh Vĩnh Long nói, sắp tới hệ y tế dự phòng sẽ tiếp tục củng cố, có các biện pháp tăng cường giám sát các cơ sở y tế các tuyến có thực hiện chức năng sinh đẻ và triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh. Mục tiêu để đạt kết quả tiêm ngừa cao, đảm bảo đủ miễn dịch phòng bệnh ngay từ đầu đời cho trẻ.
Mũi viêm gan B sơ sinh là mũi đơn liều, độc lập với 3 mũi vắc xin “5 trong 1” (có ngừa viêm gan B) trong tiêm chủng mở rộng mà trẻ sẽ được tiêm nối tiếp khi đã đủ 2, 3, 4 tháng tuổi.
Tác dụng phòng bệnh (từ mẹ) cho trẻ sơ sinh ở mũi tiêm viêm gan B sơ sinh rất lớn. Thậm chí trường hợp mẹ bị viêm gan B, ngay sau khi sinh con ra, là trẻ sẽ được chỉ định tiêm ngay chứ không chờ.
Để phát huy cao nhất hiệu quả của mũi tiêm này cho trẻ, rất cần ngoài sự đồng thuận hợp tác của người dân có trẻ sơ sinh, còn cần công tác giám sát kịp thời, chặt chẽ từ ngành chức năng.
Tỷ lệ tiêm ngừa vắc xin VGB mũi sơ sinh đã hạ xuống rất thấp trong 6 tháng đầu năm 2014- theo thông báo ngày 20/7/2014 của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tỷ lệ này ở mức 20% kế hoạch năm trên phạm vi cả nước, thậm chí có địa phương đạt dưới 10% so kế hoạch năm. Và dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia nhận định số này là thấp nhất trong nhiều năm gần đây. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin