Vẫn căng thẳng với nhiều dịch bệnh

07:06, 06/06/2014

Chưa bao giờ các dịch bệnh: sởi, tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH), cúm, thủy đậu, quai bị “leo thang đột biến” như thời gian qua và hiện tại, đẩy ngành y tế vào thế chống đỡ căng thẳng.


Phát xà phòng cho người dân về rửa tay cho trẻ.

Chưa bao giờ các dịch bệnh: sởi, tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH), cúm, thủy đậu, quai bị “leo thang đột biến” như thời gian qua và hiện tại, đẩy ngành y tế vào thế chống đỡ căng thẳng.

Sởi: số mắc dừng, tiêm vét đã ổn

Dịch sởi trên cả nước, Bộ Y tế nhận định đã “hạ nhiệt” so thời điểm “đỉnh” dịch vào tháng 4, ở số mắc, số tử vong. Tỷ lệ tiêm vét vắc xin ngừa sởi tại các địa phương cả nước cũng đạt cao.

Vĩnh Long nằm trong số hơn 50 tỉnh- thành tiêm vét vắc xin sởi (sau 2 đợt lồng ghép vào lịch tiêm chủng mở rộng) cho trẻ từ 9- 24 tháng tuổi đạt từ 95% trở lên. “Đến 4/6/2014, tỷ lệ tiêm vét sởi mũi 1 cả tỉnh đạt 97,76%, mũi 2 đạt 95,11%.

Đến nay cả tỉnh ghi nhận 12 ca dương tính trong 119 ca sốt phát ban dạng sởi. Không có tử vong.”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long cho biết.

Trước đó, ngành y tế tỉnh cho hay đều được cấp đủ các vắc xin ngừa sởi và các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, đầu tháng 6/2014, theo một nguồn tin chức năng, vắc xin ngừa sởi trong “tháng 6 này không được cấp về”.

Tiêm vét vắc xin ngừa sởi và rubella cho trẻ từ 1- 14 tuổi

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch tiêm vét vắc xin ngừa sởi và rubella cho trẻ em từ 1- 14 tuổi theo chỉ đạo của Bộ Y tế, triển khai trên phạm vi cả nước. Tại tỉnh Vĩnh Long, đợt 1 của chiến dịch dự kiến trong quý IV/2014, đợt tiếp theo đầu năm 2015.

Theo nguồn tin này, do Bộ Y tế và nhà cung cấp “ưu tiên” cấp cho một số tỉnh- thành miền Đông (Bình Dương, TP Hồ Chí Minh), 2 trong số 10 địa phương cả nước, để phục vụ nhu cầu tiêm vét vắc xin cho trẻ 2 đến 10 tuổi. Như vậy, lịch tiêm chủng mở rộng tháng 6 trên địa bàn Vĩnh Long, “khả năng sẽ thiếu vắc xin ngừa sởi” và “sẽ tiêm lùi lại tháng sau”.

Về các vắc xin ngừa thủy đậu, quai bị, rubella,... thuộc dạng tiêm dịch vụ, thời gian qua tại cơ quan y tế dự phòng tỉnh khá “khan hiếm”.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, tình trạng thiếu vắc xin ngừa thủy đậu xảy ra cục bộ do bệnh này không nằm trong nhóm được tiêm chủng mở rộng. Người dân có nhu cầu phòng bệnh cho trẻ phải đi tiêm dịch vụ. Mà khi tiêm dịch vụ lại phụ thuộc nhu cầu, nên một khi dịch bệnh xảy ra đột biến, ngành y tế không dự trù đầy đủ và kịp thời vắc xin.

Có thể thấy, chưa bao giờ các loại dịch bệnh: sởi, TCM, SXH, cúm, thủy đậu, quai bị “leo thang đột biến” như thời gian qua, đẩy ngành y tế vào... thế chống đỡ căng thẳng!

“Liều vắc xin”... tuyên truyền và giám sát

Ngoại trừ sởi, cúm, thủy đậu, rubella, quai bị,... đã có vắc xin phòng ngừa, thì bệnh SXH, TCM là các bệnh truyền nhiễm mà ngành y tế đều triển khai “liều vắc xin” phòng chống tập trung vào tuyên truyền và giám sát.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, SXH tập trung vào 4 nội dung chủ yếu: giám sát ca bệnh (để phát hiện sớm ổ dịch nhỏ, vùng có nguy cơ mắc cao và đánh giá diễn biến dịch bệnh);

giám sát côn trùng (để theo dõi mật độ côn trùng, vùng có nguy cơ dịch bệnh bùng phát); triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH); và dập dịch trên diện rộng (vùng có ổ dịch nhiều, ca bệnh nhiều và đột ngột).
 
Ngoài ra, tuyên truyền đến cộng đồng, tập huấn cán bộ y tế, dự trù hóa chất,... cũng là giải pháp để y tế các tuyến và cộng đồng phòng chống tốt SXH. Cả tỉnh ghi nhận từ đầu năm đến ngày 1/6 đã có 160 ca SXH, giảm hơn 45% so cùng kỳ 2013.

Hiện tại cơ quan y tế dự phòng đang tổ chức tọa đàm tại các xã ở địa bàn Long Hồ, nơi có số mắc tay chân miệng nhiều nhất toàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Tại đây, hàng chục câu hỏi của phụ huynh về biểu hiện, về đường lây truyền, cách thức chăm sóc tại nhà, khả năng lây nhiễm từ trẻ mắc bệnh TCM sang trẻ không có bệnh trong trường hợp trong nhà có nhiều trẻ...? Tất cả đều được các bác sĩ giải thích cặn kẽ để người dân rõ.

Theo bác sĩ Phạm Trí Châu- Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Vĩnh Long: Rửa tay sạch sẽ đúng cách bằng xà phòng cho trẻ, cho những người chăm sóc, tiếp xúc trẻ hàng ngày là biện pháp tối ưu phòng chống TCM hiệu quả. Đó cũng là cách để giảm khả năng lây bệnh giữa các trẻ, giảm phát tán nguồn lây trong cộng đồng.

Tích lũy từ đầu năm nay đến ngày 3/6, cả tỉnh ghi nhận 1.355 ca mắc TCM, không có trường hợp tử vong.

Số ca mắc bệnh truyền nhiễm này trên cả nước, theo số liệu của Bộ Y tế, hiện có xu hướng gia tăng từ tuần 16 (14- 20/4/2014). Dù số mắc tích lũy từ đầu năm 2014 vẫn thấp hơn cùng kỳ 2013. 70% ca bệnh trong tổng số hơn 24.700 ca mắc TCM tập trung ở phía Nam .
 
So một số địa phương, số mắc TCM tăng đột biến như: Cà Mau, Bà Rịa- Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đăk Lăk thì tỉnh Vĩnh Long số mắc dù không tăng nhanh, nhưng vẫn có và khá cao.

 

Bộ Y tế gửi tin nhắn khuyến cáo các biện pháp phòng tránh dịch bệnh

Bộ Y tế, ngày 3/6/2014, đã gửi tin nhắn đến toàn bộ thuê bao di động của các nhà mạng tại Việt Nam . Nội dung tin nhắn: Để phòng chống dịch bệnh mùa hè, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân thực hiện các biện pháp sau: 1. Rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày. 2. Lau rửa sàn nhà và đồ chơi của trẻ hàng ngày bằng chất tẩy rửa thông thường. 3. Hãy đổ, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết để diệt bọ gậy nhằm phòng chống SXH. 4. Đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của trẻ em.


Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh