Trí thức Việt kiều tại Pháp hướng về Tổ quốc

03:06, 02/06/2014

Ngày 1-6, các trí thức Việt kiều tại Pháp đã có cuộc gặp gỡ tại Sứ quán Việt Nam nhằm trao đổi những kinh nghiệm để có thể tiếp tục đóng góp cho tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước.


Tại môi trường khoa học tiên tiến như nước Pháp, lực lượng trí thức người Việt phát huy được tối đa tiềm năng của mình đóng góp cho đất nước.

Ngày 1-6, các trí thức Việt kiều tại Pháp đã có cuộc gặp gỡ tại Sứ quán Việt Nam nhằm trao đổi những kinh nghiệm để có thể tiếp tục đóng góp cho tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước.

Đây là một hoạt động ý nghĩa, thu hút tiềm năng của các thế hệ trí thức người Việt Nam tại Pháp. Dù sống xa Tổ quốc nhưng họ luôn tìm cách đóng góp công sức tài năng cho sự phát triển và bảo vệ quê hương.

Cuộc gặp gỡ lần thứ hai, với chủ đề “Trí thức người Việt Nam tại Pháp với sự nghiệp hội nhập và phát triển của đất nước", có nhiều gương mặt trẻ, thể hiện sự nối tiếp thế hệ trong lực lượng trí thức người Việt tại Pháp.

Phát biểu khai mạc buổi gặp gỡ, Đại sứ Dương Chí Dũng nói: "Pháp là một địa bàn có số lượng trí thức nhiều và gắn bó với đất nước. Tôi thực sự rất tự hào về khối lượng đồ sộ những đóng góp của các trí thức kiều bào tại Pháp. Khoa học và công nghệ cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố hết sức căn bản của mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập một cách có hiệu quả vào khu vực và thế giới. Vì vậy, phát huy kết quả tích cực của cuộc gặp lần trước, chúng tôi mong các trí thức Việt kiệu tại Pháp tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho các vấn đề lớn, mang tính chiến lược đối với Việt Nam hiện nay".

Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, đã có nhiều dự án của trí thức kiều bào tại Pháp được thực hiện ở trong nước, trong đó có Trung tâm Khoa học giáo dục chuyên ngành tầm cỡ quốc tế được khai trương ở Quy Nhơn năm 2013. Đây là lần đầu Việt Nam mời được năm nhà khoa học từng đoạt giải Nobel vật lý và 200 nhà khoa học vật lý từ 30 quốc gia trên thế giới về tham dự. Có được những kết quả như vậy là nhờ có sự đóng góp về trí tuệ và công sức bền bỉ của các trí thức Việt kiều tại Pháp, trong đó có hai vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc.

Có mặt trong buổi gặp gỡ lần này có rất nhiều trí thức dù tuổi cao vẫn miệt mài đóng góp cho khoa học nước nhà như Giáo sư Nguyễn Khoa Mân, nguyên giảng viên trường Đại học René-Descartes và nhiều đại học (ĐH) khác là thành viên nhóm nghiên cứu chế tạo máy lọc thận nhân tạo của Pháp những năm 1970.

Giáo sư Mân cùng một số trí thức Việt kiều đang thực hiện dự án chế tạo máy lọc thận nhân tạo tại Việt Nam với giá thành bằng khoảng 25% giá thị trường, trong đó mọi chi phí đi lại, nghiên cứu, đào tạo nhân viên sử dụng máy... đều do trí thức Kiều bào đóng góp. Dự án này hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa lọc thận nhân tạo đến với người nghèo ở Việt Nam .

Các trí thức khác cũng đã có quá trình đóng góp cho đất nước từ nhiều năm nay, như anh Nguyễn Kim Đan đã tham gia rất nhiều trong các dự án chống ngập lụt, chống bồi lấp cửa sông ở TP Hồ Chí Minh, giúp cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Nhiều hoạt động có ý nghĩa khác cũng cần phải kể tới như bác Nguyễn Khắc Nhẫn về điện hạt nhân, bác Nguyễn Đắc Chí về cầu đường, anh Lâm Minh Chiếu với nhóm xây cầu đã góp phần xóa hàng chục cây cầu khỉ ở Việt Nam thay thế bằng cầu bê-tông, anh Lê Văn Cường về kinh tế, anh Võ Toàn Trung về y tế và những nỗ lực của Hội đồng Tư vấn Pháp-Việt do bác Nguyễn Quý Đạo làm Chủ tịch.

Bên cạnh những mái đầu bạc, đã có sự nối tiếp tích cực của thế hệ trí thức trẻ, trong đó có sự ra đời của của Hội Khoa học chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE). Mặc dù mới ra đời nhưng AVSE đã chứng tỏ khả năng tập hợp trí thức cũng như những đóng góp cho khoa học của mình. Ngoài việc chủ trì hoặc tham gia các đề tài, đề án giúp trong nước, sáng kiến tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên ngành, các “ngày hội nghiên cứu sinh” của AVSE thực sự đã thu được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp cho Việt Nam những kiến thức trên từng lĩnh vực cụ thể cũng như giúp cho những sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam có được những kiến thức, kinh nghiệm quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học tại địa bàn.


Lực lượng trí thức Việt kiều tại Pháp luôn đoàn kết hướng về quê hương.

Tại cuộc gặp lần này, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về những chủ đề lớn và rất thiết thực đối với Việt Nam như giáo dục, y tế, phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Nhiều ý kiến cho rằng, để huy động có hiệu quả lực lượng trí thức Việt kiều, cần xây dựng các kênh và mạng lưới với sự phối hợp chặt chẽ ở trong và ngoài nước.

Về vấn đề giáo dục và y tế, bác Bích cho rằng sinh viên Việt Nam sang đây học còn thiếu nhiều kiến thức để tiếp cận môi trường giáo dục của Pháp, chính vì vậy cần thiết xây dựng các chương trình với sự hỗ trợ của các trí thức Việt kiều giúp các em ngay từ giai đoạn vào ĐH ở trong nước. Việc này như xây móng nhà, nếu gia cố tốt thì có thể yên tâm xây cao.

Các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn rằng, các bộ, ngành ở trong nước cần tạo điều kiện để họ có thể tham gia trực tiếp vào các dự án phát triển đất nước. Lý do là vì các nhà khoa học Việt kiều tại Pháp có trình độ và uy tín không thua kém người nước ngoài. Nhiều người còn đào tạo các thế hệ chuyên gia có tiếng trên thế giới. Có như vậy thì mới khuyến khích đông đảo trí thức Việt kiều về chung tay xây dựng đất nước.

Là một Việt kiều Pháp trở về giúp đất nước từ lâu, bác Nguyễn Ngọc Chân, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài và nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, chia sẻ tự hào khi được tham gia quá trình phát triển đất nước. Theo bác, đất nước hiện rất cần sự đóng góp của lực lượng trí thức Việt kiều tại Pháp trong nhiều lĩnh vực để phục vụ công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước. "Việt kiều tại Pháp cần phải tiếp tục kiên nhẫn để đóng góp cho quê nhà vì Việt Nam là nước đang phát triển đòi hỏi có quá trình nhất định", bác nói khi đề cập đến những thành tựu trong thời gian vừa qua, nhất là sự phát triển của lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Nhân dịp này, các trí thức Việt kiều bày tỏ ý kiến phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam . Đây là bước đi nguy hiểm của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế.

Đại sứ Dương Chí Dũng đề nghị cộng đồng người Việt tại Pháp cung cấp thông tin chính xác để giúp người dân Pháp hiểu rõ về hành động đơn phương và trắng trợn của Trung Quốc.

Các trí thức Việt kiều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân trong nước nhằm bảo vệ chủ quyền, đồng thời cho biết, sẵn sàng đồng lòng có những đóng góp thiết thực để tạo thành sức mạnh và khối đoàn kết cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.

Theo NDĐT

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh