Lọc máu liên tục cứu bệnh nhân

01:06, 13/06/2014

Máu dơ trong người bệnh nhân nặng sẽ được truyền hút ra, chạy qua hệ thống máy lọc, quả lọc, dịch lọc... và trở thành máu sạch truyền trả lại cho bệnh nhân.

Máu dơ trong người bệnh nhân nặng sẽ được truyền hút ra, chạy qua hệ thống máy lọc, quả lọc, dịch lọc... và trở thành máu sạch truyền trả lại cho bệnh nhân.

Đó là diễn giải ngắn gọn về quy trình kỹ thuật lọc máu liên tục, một trong nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, đã và đang triển khai tại Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc- Phó trưởng khoa, cho biết: Kỹ thuật lọc máu liên tục được bệnh viện tỉnh khuyến khích khi cử ê kíp các bác sĩ, điều dưỡng lên học tập ở Bệnh viện 115 (TP Hồ Chí Minh) vào năm 2012. Sau quá trình đầu tư tích lũy chuyên môn, thiết bị y tế, nhân sự, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã đến thẩm định, sau đó cho phép triển khai kỹ thuật tại bệnh viện tỉnh.

Sở dĩ có quá trình này là dịch vụ y tế kỹ thuật cao thuộc tuyến bệnh viện trung ương hay bệnh viện tuyến cuối thực hiện.

Trong khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long (bệnh viện hạng 2), dù có nhân lực, thiết bị, nhưng không được Bộ Y tế, cơ quan chuyên môn cho phép triển khai thì cũng không thể ứng dụng vào điều trị được. 32 dịch vụ y tế kỹ thuật cao mà bệnh viện tỉnh triển khai áp dụng hiện nay là cả quá trình tích lũy thời gian qua, đã được Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn cho phép.

Theo bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc, kỹ thuật lọc máu được hiểu là phương thức lọc máu ngoài cơ thể, mà khi thận đã bị tổn thương. Đối với hệ nội, lọc máu liên tục sẽ áp dụng cho bệnh nhân bệnh nặng ở giai đoạn cuối, bệnh nhân có các biến chứng suy đa cơ quan, tự tử bởi chất độc, bệnh gan/thận mãn tính...
 
Kỹ thuật trên cũng cấp cứu thành công bệnh nhân bị rắn lục cắn dẫn đến rối loạn đông máu. Hiện tại khoa có đủ và đảm bảo trang thiết bị y tế để triển khai rộng rãi kỹ thuật này khi có chỉ định.

Nhưng theo các bác sĩ tại khoa, chỉ khó về mặt con người. Bởi một cuộc lọc máu liên tục phải cần 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Ê kíp này sẽ “canh” theo dõi suốt quá trình lọc, các xét nghiệm liên quan để cuộc lọc hiệu quả, tránh biến chứng có thể xảy ra.

Thời gian cuộc lọc máu ít nhất 24 giờ, những trường hợp nặng sẽ kéo dài liên tục 48 giờ, thậm chí 72 giờ. Đặc thù của khoa là nơi tập trung nhiều bệnh nhân nặng, yêu cầu chăm sóc cao độ, liên tục.

Điều dưỡng Trưởng khoa Đỗ Thị Kim Phượng cho biết, khoa có 30 điều dưỡng trong đó hết 6 người phải phụ trách chuyên môn bên phòng thận nhân tạo. Các điều dưỡng còn lại thường có cường độ làm việc lớn, nhất là với lượng bệnh nhân nặng nhiều.

Đáng mừng là khoa đang có 1 điều dưỡng và 1 bác sĩ học tập kỹ thuật này tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đội ngũ này khi về sẽ giúp nâng số lượng nhân lực để đáp ứng chuyên môn khi có chỉ định lọc máu liên tục.

“Hầu hết trường hợp được lọc máu liên tục tại khoa đều được cứu sống”- bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc nói. Với chi phí từ 20- 30 triệu đồng một cuộc lọc máu, nên khả năng kỹ thuật y tế này có thể triển khai rộng rãi để cứu sống nhiều bệnh nhân.
 
Tuy nhiên, do chưa được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cho phép thanh toán BHYT đối với dịch vụ y tế kỹ thuật cao, nên kỹ thuật này, cũng như nhiều kỹ thuật y tế cao khác, phần nào hạn chế với bệnh nhân nặng mà không có điều kiện tài chính để thực hiện.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa trong đợt về Vĩnh Long làm việc cùng đoàn Bộ Y tế mới đây đã nói, tỉnh Vĩnh Long, cụ thể là tại bệnh viện tỉnh, là một trong 20 địa phương có triển khai được kỹ thuật lọc máu liên tục. Ông Khoa hoan nghênh nỗ lực ứng dụng kỹ thuật cao này ở bệnh viện tỉnh, cứu sống những bệnh nhân bệnh nặng.

MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh