Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là cách trực tiếp để nâng cao chất lượng dân số, là điều kiện quan trọng để bảo vệ và phát triển giống nòi. Kỹ năng, kiến thức tư vấn chăm sóc SKSS đầy đủ, hợp lý sẽ quyết định sự thành công của công tác này đối với những người nằm trong độ tuổi sinh sản.
Cán bộ Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Vĩnh Long tư vấn chăm sóc SKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là cách trực tiếp để nâng cao chất lượng dân số, là điều kiện quan trọng để bảo vệ và phát triển giống nòi. Kỹ năng, kiến thức tư vấn chăm sóc SKSS đầy đủ, hợp lý sẽ quyết định sự thành công của công tác này đối với những người nằm trong độ tuổi sinh sản.
Vấn đề này được đặt ra tại hội thảo khoa học: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS phụ nữ 15- 49 tuổi ở tỉnh Vĩnh Long”.
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do Tiến sĩ, bác sĩ (TS.BS) Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long và nhóm cộng sự thực hiện. Đề tài nghiên cứu sẽ cung cấp cái nhìn tổng quát về: thực trạng kiến thức, thái độ, hành vi về chăm sóc SKSS; thực trạng chất lượng hệ thống chăm sóc SKSS ở phụ nữ 15- 49 tuổi trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đề xuất các giải pháp để công tác chăm sóc SKSS ngày càng hiệu quả.
Kiến thức chăm sóc SKSS còn thấp và thiếu
BS Hồ Việt Thu- Phó Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai cho rằng, SKSS không chỉ riêng là sức khỏe trước, trong và sau sinh sản của phụ nữ, mà còn là sức khỏe (cộng hưởng) từ người đàn ông (người chồng) của họ, rồi mối quan hệ gia đình, xã hội.
Theo BS Hồ Việt Thu, hiện nay các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc SKSS chỉ chú ý đến chăm sóc sức khỏe trước và trong khi sinh cho phụ nữ, mà sau sinh về là “hầu như bà mẹ được thoái thác cho gia đình là chủ yếu”. Vấn đề là cần chú trọng chăm sóc SKSS cho phụ nữ cả trong các giai đoạn trước, trong và sau sinh sản.
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng cho biết qua khảo sát một số đối tượng nhất định, cho thấy chính phụ nữ còn hạn chế trong hiểu biết kiến thức chăm sóc SKSS, chưa có hành vi đúng để bảo vệ SKSS; hệ thống chăm sóc SKSS chưa hoàn thiện đáp ứng nhu cầu này ngày càng cao...
Học vấn, vị trí địa lý, điều kiện gia đình của người trong độ tuổi sinh sản... để nâng cao nhận thức, hiểu biết đúng về hành vi và tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS cũng là vấn đề đặt ra hiện nay.
Khảo sát kiến thức của phụ nữ 15- 49 tuổi là đối tượng nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài thấy tỷ lệ phụ nữ có kiến thức đúng về chăm sóc SKSS còn thấp với 67,8%, còn lại là số phụ nữ sinh sản có kiến thức không đúng về chăm sóc SKSS. Thiếu hoặc có kiến thức không đúng về chăm sóc SKSS sẽ ảnh hưởng đến SKSS của phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình.
Do đó, có đến 94,5% phụ nữ thuộc đối tượng nghiên cứu có nhu cầu nhận thông tin về chăm sóc SKSS- kế hoạch hóa gia đình. Điều đó chỉ ra, không chỉ phụ nữ đã có gia đình, ngay cả phụ nữ chưa có gia đình cũng có nhu cầu tiếp cận thông tin về nội dung trên.
Cũng theo số liệu nghiên cứu, gần 94% phụ nữ thuộc đối tượng nghiên cứu có nhu cầu cao cần tập huấn chăm sóc SKSS- kế hoạch hóa gia đình. Qua đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin- giáo dục- truyền thông một cách bao phủ, tích cực.
Để nâng hiệu quả chăm sóc SKSS
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng, chăm sóc SKSS thành công, hiệu quả cao hay không còn phụ thuộc vào sự quan tâm của chính quyền địa phương, phối hợp và hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng bên cạnh vai trò chủ đạo ở ngành y tế.
Nhìn nhận y tế cơ sở hiện nay khá hoàn chỉnh về vật chất, thiết bị để phục vụ tư vấn chăm sóc SKSS, BS Lê Thị Huệ- Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Vĩnh Long cho rằng, hệ thống y tế ngoài vai trò chủ đạo trong tư vấn chăm sóc SKSS, thì rất cần sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp để hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực.
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng trong một hoạt động tư vấn trước sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Giải pháp TS.BS Hồ Thị Thu Hằng đưa ra là cần tập trung vào đào tạo, đào tạo lại các kỹ năng tư vấn cho nữ hộ sinh, cán bộ tư vấn chăm sóc SKSS để hoạt động này thêm hiệu quả.
“Cải thiện kỹ năng tư vấn cho đội ngũ tư vấn chăm sóc SKSS là vấn đề quan trọng. Kiến thức đúng, đủ để phụ nữ tự biết thực hành chăm sóc SKSS cho bản thân là rất ít. Do vậy, kiến thức này phải được cung cấp từ đội ngũ tư vấn với kỹ năng, kiến thức đầy đủ thì mới mang lại hiệu quả trong chăm sóc SKSS”- TS.BS Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ.
Đồng tình điều này, BS Lê Thị Huệ cho rằng, thông qua đó sẽ giúp giám sát thường xuyên để nâng hiệu quả chăm sóc SKSS; giúp hệ thống y tế đi sâu hơn, rộng khắp vào tư vấn chăm sóc SKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Điều kiện để nâng chất lượng chăm sóc SKSS còn được các cán bộ quản lý y tế đề xuất: nâng kỹ năng tư vấn và lâm sàng của nhân viên y tế; nâng cấp cơ sở vật chất y tế; cần có phác đồ, lưu đồ, định nghĩa chuẩn về chất lượng, tránh tập trung vào chỉ tiêu và vấn đề hành chính; phối hợp tuyên truyền giữa các cơ quan thông tin y tế,...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin