Cẩn trọng giúp trẻ không bị tai nạn, thương tích

01:06, 20/06/2014

Nhiều tai nạn, thương tích có thể xảy ra với tất cả mọi người khi bất cẩn, thiếu hiểu biết và đôi khi vẩn vơ không ngờ tới. Đáng nói trong số đó là đối tượng trẻ em và thời điểm nghỉ hè là cao điểm xảy ra những tai nạn, thương tích.


Đứt tay do dao...

Nhiều tai nạn, thương tích có thể xảy ra với tất cả mọi người khi bất cẩn, thiếu hiểu biết và đôi khi vẩn vơ không ngờ tới. Đáng nói trong số đó là đối tượng trẻ em và thời điểm nghỉ hè là cao điểm xảy ra những tai nạn, thương tích.

Trẻ rất dễ “dính” tai nạn, thương tích

Chị Ngô Thị Thanh Tuyền (xã Đồng Phú- Long Hồ) nghe con nói muốn uống nước dừa, chị liền trèo hái dừa cho con, vì cha của cháu nhà đi làm suốt ngày. Xoay xở hái không được, chị kêu đứa con gái 9 tuổi đưa con dao cho chị.
 
Dù cây dừa thấp và con dao được buộc dây lại cẩn thận, ấy vậy mà lúc vuột tay, con dao rơi xuống, trúng và cắt ngay ngón cái bàn tay phải của con, máu chảy...
 
Chị đưa con ra trạm y tế, rồi chuyển sang Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, ngón tay cháu đứt phần cơ mềm, được chỉ định nằm theo dõi. Sau 2 ngày thì về nhà, thế nhưng khi đi tái khám, bác sĩ kêu nằm viện theo dõi tiếp. Chị Tuyền nói, mặc dù vết đứt ở phần mềm nhưng sâu, bác sĩ kêu phải theo dõi thuốc men, băng bó để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

“Yêu cầu tới nghỉ hè là thấy tai nạn, thương tích ở trẻ nhiều hơn liền, thấy rõ lắm”.
 Đó là một tai nạn sinh hoạt hàng ngày trong gia đình gây thương tích cho trẻ em.

Cháu Bích Trâm (4 tuổi)- con chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (xã Quới An-Vũng Liêm) thì gặp một tai nạn “quen thuộc” mà nhiều trẻ rất hay gặp phải: chân máng vào căm xe đạp.

Chị Trúc kể, bữa đó chị được đứa cháu chở chị và con bằng xe đạp đi đám cưới. Mới đi một đoạn bỗng nghe tiếng thất thanh: “Kẹt chân con rồi, đau quá mẹ ơi!”
 
Cháu Bích Trâm được đưa lên BVĐK tỉnh, bác sĩ chẩn đoán bị gãy xương ống chân bên chân trái, gót chân phải bị một vết cắt nhỏ. Hậu quả: bó bột thẳng đuột chân trái bé gái và quấn quanh gót chân phải một vòng băng.

Đây là trường hợp bắt nguồn từ sự không để ý, chút bất cẩn của người lớn và “sự chưa biết gì” của trẻ đã dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ. Một số tai nạn thương tích ở trẻ đã và đang điều trị ở BVĐK tỉnh được ghi nhận: té gãy tay do chạy xe đạp tránh cục đá trên đường đi học, bỏng nước sôi từ phích nước ở nhà...


... Và gãy tay do chạy xe đạp tránh cục đá trên đường đi học.

Cẩn trọng vẫn hơn

Sự cẩn trọng, suy tính kỹ từ người lớn đối với trẻ nhỏ, trước khi sai trẻ làm một việc gì hay khi nhắc nhở trẻ vui chơi cần đề cao tối đa. Nhất là trong dịp hè, thời gian thoáng và trẻ được “thả” tự do vui chơi chạy nhảy. Đó là lời khuyên của bác sĩ để đề phòng tai nạn, thương tích cho trẻ.

Theo bác sĩ điều trị Nguyễn Thanh Tùng- hệ ngoại tổng quát thuộc Khoa Ngoại: Mùa hè là mùa tai nạn, thương tích ở trẻ nhiều nhất. Các tai nạn như: leo cây té gãy tay, gãy chân; cầm dao gọt trái cây gây đứt tay; chạy xe đạp té ngã; tắm sông đuối nước; nghịch bị ong đốt, rắn cắn;...

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, tai nạn do trèo cây tự té ngã gãy tay, gãy chân là hay gặp nhất ở trẻ. Trong khi đó tắm ao, sông bị đuối nước là nguy hiểm nhất, đe dọa tính mạng trẻ.

Nguyên nhân của các tai nạn, gây thương tích cho trẻ kể trên một phần do người lớn bất cẩn, ít theo dõi trẻ sinh hoạt trong nhà; phần do trẻ hiếu động và chưa ý thức được nguy hiểm của những cuộc vui đùa.

Các bác sĩ chuyên nhi khoa chia sẻ: Nghỉ hè, trẻ thoải mái vui chơi nhưng cha mẹ cần phải quan tâm, coi sóc trẻ nhiều hơn. Đặc biệt người lớn cần tránh cho trẻ tiếp xúc, chơi với vật sắc nhọn (dao, kéo); nhắc trẻ nhỏ không chơi gần chỗ nước sôi, điện; không cho trẻ tự đi chơi gần ao, sông... nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế nguy hiểm.

Một số tai nạn, gây thương tích ở trẻ cần được sơ cứu kịp thời, đúng cách. Khi trẻ bỏng, người nhà nên chườm lạnh hoặc lấy nước sạch lau ở vết bỏng cho nhiệt độ hạ xuống; không nên dùng kem đánh răng hay nước mắm chườm vào sẽ làm nhiệt tăng lên và nhiễm trùng. Với gãy tay, gãy chân mà trẻ gặp phải, nên cố định bằng vật cứng rồi đưa đi cơ sở y tế...

Thống kê 3 tháng đầu năm 2014 của Phòng Kế hoạch tổng hợp, BVĐK tỉnh Vĩnh Long: có 2.874 trường hợp bị tai nạn, thương tích, gây tử vong 7 người. Trong số đó, gần 460 trẻ em từ 0 đến 14 tuổi bị tai nạn, thương tích do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, không có tử vong do tai nạn, thương tích ở đối tượng này.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh