Các bác sĩ sản khoa khẳng định mũi tiêm vắc xin ngừa lao và vắc xin ngừa viêm gan B (VGB) sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu khi trẻ được sinh ra), góp phần rất lớn trong phòng tránh bệnh lao, VGB và biến chứng ung thư gan cho trẻ và trong cộng đồng sau này...
Các bác sĩ sản khoa khẳng định mũi tiêm vắc xin ngừa lao và vắc xin ngừa viêm gan B (VGB) sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu khi trẻ được sinh ra), góp phần rất lớn trong phòng tránh bệnh lao, VGB và biến chứng ung thư gan cho trẻ và trong cộng đồng sau này...
Tỷ lệ ngừa bệnh VGB và ung thư gan sau khi trẻ được tiêm VGB sơ sinh đạt từ 90% trở lên. Hai vắc xin này nằm trong 11 loại vắc xin tiêm chủng thường xuyên, miễn phí thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia.
Mũi tiêm VGB sơ sinh, một trong 2 mũi tiêm đầu đời quan trọng để phòng các bệnh về gan sau này cho trẻ.
|
2 mũi vắc xin đầu đời
Hai mũi tiêm này, theo quy định về tiêm chủng, sẽ tiêm cho trẻ từ khi được 8 giờ sau sinh đến trước 24 giờ (trong vòng 24 giờ sau sinh). Theo cử nhân điều dưỡng Võ Thị Kim Thoa- Điều dưỡng trưởng Khoa Sản, hiện phòng hậu sản tiêm bình quân cho 15 em bé mỗi ngày với 2 mũi vắc xin trên. “Việc quan trọng nhất là tiêm trong vòng 24 giờ đầu để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh sau này cho trẻ”- điều dưỡng Thoa cho biết.
Với nữ hộ sinh Bùi Thị Mỹ Linh, công việc thường nhật tại phòng hậu sản là “diễn thuyết” và thực hành tiêm chủng 2 vắc xin trên cho trẻ sơ sinh. Nôm na, là trước khi tiêm ngừa phải tư vấn, càng kỹ càng tốt.
Khi tư vấn, nữ hộ sinh ngoài nói về lợi ích của việc tiêm vắc xin ngừa bệnh; tư vấn về an toàn trước, trong, sau tiêm ngừa; nói lồng ghép cả khuyến cáo sản phụ cho con bú bằng sữa mẹ đến thời điểm thích hợp hãy thôi bú,...
Theo nữ hộ sinh Mỹ Linh, trong hàng trăm, hàng ngàn trẻ sinh ra ở đây, ngoài vắc xin ngừa lao thì dễ (ai ai cũng đồng ý tiêm), còn VGB có lúc có một số trường hợp người nhà không đồng ý tiêm cho trẻ (nhất là thời điểm xảy ra tai biến sau tiêm ở một số địa phương).
“Trường hợp nếu người nhà nhất định không đồng ý tiêm cho trẻ, thì ký xác nhận với bệnh viện. Thường thì mình tư vấn cặn kỹ, giải thích tác dụng của việc tiêm ngừa phòng bệnh, hầu hết người ta đều đồng thuận”- nữ hộ sinh nói.
Tỉnh Vĩnh Long cùng với cả nước, chương trình TCMR đã triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi năm 1985, phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi. Năm 2001, địa phương được bổ sung thêm một vắc xin mới VGB.
Đến 2011, vắc xin Hib (viêm phổi nặng và viêm màng não do vi khuẩn Hib) cũng được bổ sung. Đến nay Vĩnh Long đã triển khai 8 loại vắc xin miễn phí cho trẻ trong TCMR thường xuyên bao gồm: lao, VGB, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi và Hib.
“Mọi trẻ sinh ra đều được hưởng quyền lợi tiêm ngừa. Nơi nào có phòng hậu sinh thì phải trang bị để việc tiêm ngừa sơ sinh cho trẻ”, bác sĩ điều trị thuộc Khoa Sản Nguyễn Thị Diệu nói. Bác sĩ trẻ này nói cần tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm rõ lợi ích của tiêm ngừa và hợp tác để đảm bảo tiêm đầy đủ các vắc xin mà trẻ em được thụ hưởng trong TCMR.
Để nâng hiệu quả phòng bệnh...
Theo số liệu của Khoa Sản BVĐK tỉnh Vĩnh Long, trong quý I/2014, có 1.427 trẻ sinh ra tại bệnh viện thì trong 24 giờ sau sinh có 1.374 lượt trẻ được tiêm mũi vắc xin ngừa lao (96,28%), 1.150 lượt trẻ được tiêm mũi vắc xin VGB (80,58%). Tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin này được cho biết luôn đạt cao. Điều này xuất phát từ trách nhiệm của các cán bộ y tế và ý thức phối hợp ngày càng cao của người dân.
Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2014 (từ ngày 24/4-30/4) mà Việt Nam hưởng ứng có chủ đề: “Bảo vệ con bạn không bị bệnh VGB và ung thư gan, hãy cho con bạn tiêm vắc xin phòng bệnh VGB trong vòng 24 giờ đầu sau sinh”. Tuần lễ nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của TCMR trong cuộc sống; chia sẻ thông tin về TCMR trong cộng đồng; tăng cường tuyên truyền về TCMR; tăng cường dự phòng phòng bệnh bằng vắc xin cho trẻ từ những ngày đầu tiên của cuộc đời...
|
“Khi trẻ sinh ra khỏe mạnh, hồng hào, bú được, đủ cân nặng là có thể tiêm vắc xin được”, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu cho biết. Thậm chí trước đây trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2,5kg là không tiêm được 2 mũi vắc xin sơ sinh, nhưng nay từ 2kg trở lên vẫn chỉ định tiêm, miễn là em bé hồng hào, bú được.
Còn những em bé không tiêm được khi thiếu cân nặng, bệnh hô hấp, các bệnh phải cấp cứu nhi... sẽ tiêm sau ở y tế cơ sở sau đó.
Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu chia sẻ thêm, có trường hợp sản phụ khám thai định kỳ, biết mình bị bệnh VGB hoặc C, thì sau khi trẻ sinh ra phải tiêm thêm một liều kháng thể, trước khi thực hiện 2 mũi tiêm ngừa lao và VGB sơ sinh.
Sau đó trẻ vẫn thụ hưởng các mũi tiêm ngừa còn lại trong TCMR để đảm bảo miễn dịch. “Các bà mẹ nên biết điều này, để đảm bảo bảo vệ con mình trước bệnh tật sau này tốt hơn”- bác sĩ Nguyễn Thị Diệu nói.
Theo bác sĩ Trưởng Khoa Sản Nguyễn Thanh Vân, các bà mẹ khi khám thai định kỳ nếu phát hiện bệnh liên quan VGB, sau khi sinh em bé, nếu em bé không được chích kháng thể trước lúc tiêm VGB sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh thì khả năng mắc VGB của trẻ chiếm khoảng 40%.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Vân: “Quá trình tiêm ngừa ở bệnh viện, bác sĩ phát hiện khoảng 10-15% trẻ có chỉ định tiêm kháng thể trước khi tiêm 2 mũi vắc xin ngừa lao và VGB sơ sinh”.
Vị bác sĩ sản khoa lâu năm chia sẻ: hiện chỉ mới có bệnh viện tỉnh là có tiêm mũi kháng thể này trước khi tiêm 2 mũi ngừa lao và VGB cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh, các bệnh viện huyện không có. Nếu các bệnh viện có điều kiện triển khai đại trà quy trình này, hiệu quả tiêm ngừa phòng bệnh cho trẻ cao hơn.
Lịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ trong chương trình TCMR quy định:
- Sơ sinh: lao và VGB.
- 2 tháng tuổi: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, VGB, Hib (còn gọi vắc xin “5 trong 1”).
- 3 tháng tuổi (mũi tiêm nhắc của 2 tháng tuổi).
- 4 tháng tuổi (mũi tiêm nhắc của 3 tháng tuổi).
- 9 tháng tuổi: sởi.
- 18 tháng tuổi: sởi mũi 2 (tiêm nhắc), bạch hầu, ho gà, uốn ván (tiêm nhắc mũi 4- DPT4).
|
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin