Hoạt động này của Hội Châm cứu (HCC) tỉnh đã tạo niềm tin, sự thân tình giữa các y sĩ, lương y y học cổ truyền trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là người dân hộ nghèo, người già neo đơn,...
Y sĩ Nguyễn Văn Đạt đến tận nhà trị liệu cho ông Nguyễn Văn Xê.
Hoạt động này của Hội Châm cứu (HCC) tỉnh đã tạo niềm tin, sự thân tình giữa các y sĩ, lương y y học cổ truyền trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là người dân hộ nghèo, người già neo đơn,...
Tổ chăm sóc sức khỏe tại nhà
Thấy chúng tôi đứng ngoài cổng, ông Nguyễn Văn Xê (76 tuổi, Khóm 6, Phường 2- TP Vĩnh Long) đon đả mời vào nhà. Ông nở nụ cười khi thấy người quen là y sĩ Nguyễn Văn Đạt của HCC tỉnh, nay đến thăm khám định kỳ cho ông.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Vân- con cả ông Xê- nói: Ban đầu ông cụ ra hội điều trị bằng châm cứu bệnh đau đốt sống cổ, dần riết rồi quen thân với các y sĩ, lương y ở hội. Nay đều đặn mỗi tuần, có y sĩ đến nhà thăm khám cho ông cụ.
Chuẩn bị dụng cụ, y sĩ Đạt hướng dẫn ông Xê các bước quen thuộc của kíp khám bệnh hôm nay là “bó thuốc bằng máy Vĩ Long”. Sau đó xoa bóp vùng cổ, đầu, mặt cho ông cụ. Việc quen thuộc anh Đạt làm loáng 30 phút là xong.
Cụ Xê cười ghẹo: “Bó thuốc, xoa bóp xong thấy mấy cơ quan trong cơ thể hoạt động lại bình thường như hồi trẻ”. Còn cô Vân nói “được thăm khám thường xuyên tận tình thế này, ông cụ cũng đỡ đau nhức hẳn và đảm bảo sinh hoạt trong nhà bình thường”.
Lượt thăm khám cho ông Xê là một trong 430 lượt thăm khám bệnh nhân mà HCC tỉnh đang trực tiếp tại nhà tính từ đầu năm đến nay, do y sĩ, lương y của Tỉnh Hội và các hội cơ sở đảm trách.
Theo y sĩ Đạt, ông Trần Văn Bò (68 tuổi, Khóm 3, Phường 9- TP Vĩnh Long) bị di chứng tai biến, sau điều trị ở bệnh viện thì về nhà nằm. Sau 2 tuần được điều trị miễn phí, ông Bò đã cầm chén cơm tự ăn được, đi lại đỡ hơn.
Bà Nguyễn Thị Hoa sau một lần đến khám bệnh (ngày 1/5), đã có hồ sơ bệnh án ngoại trú để các y sĩ theo dõi và định kỳ đến khám bệnh. Nhiều bệnh nhân khác cũng đã liên hệ với HCC và yêu cầu được khám điều trị như thế. Ngoài TP Vĩnh Long do Tỉnh Hội phụ trách, hoạt động này còn có ở Bình Tân, Tam Bình, Mang Thít, trong đó Bình Tân “xôm” nhất với 2 chi hội.
Lương y đa khoa Lê Bình An- Phó Chủ tịch Trung ương HCC Việt Nam, Chủ tịch HCC tỉnh- phấn khởi: Với tinh thần “thuốc tại chỗ, thầy tại chỗ, chăm sóc tại nhà”, HCC đã góp phần chăm sóc kịp thời, đảm bảo sức khỏe nhân dân.
Nhiệt tâm...
Theo Lương y Lê Bình An, điều phấn khởi là HCC có được nhiều anh em nhiệt huyết, luôn trên tinh thần trách nhiệm với nghề, với việc chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là những hoàn cảnh khó khăn.
Theo Chánh Văn phòng HCC tỉnh Lê Bình Tâm: Ở khu vực thành phố không nói, chỉ ngại với người dân sống ở nông thôn, khi họ có nhu cầu khám chữa bệnh, mà không tới được mình thì thiệt thòi. Nếu hội có thêm nhiều chi, tổ hội ở đó, thì kịp thời phục vụ bà con.
Theo Lương y Lê Bình An, việc đi đến khám bệnh tại nhà cho đối tượng người nghèo, người già neo đơn đều làm miễn phí. Y sĩ Đạt bảo: “Điều trị bệnh nhân khỏe khoắn lại, đỡ bệnh, vui sống; bệnh nhân vui mười, thì mình vui tới một trăm lần đó”.
Thường đến nhà khám chữa bệnh là 30.000 đ/lần, nhưng với nhiều hoàn cảnh khó khăn dù có gửi tiền xăng cũng nhất quyết không lấy. Cả tổ đều “quán triệt” như vậy. Chế độ cho đội ngũ “khám bệnh lưu động” được hội hỗ trợ gọi là xăng xe, công vụ.
“Chúng tôi tự tin vì đem đến niềm vui, giảm bớt những cơn đau, đem đến sức khỏe cho nhiều người, nhất là người già neo đơn hay đau yếu, những người nghèo. Chúng tôi không nề hà, không quản ngại, mong là đem lại niềm vui khỏe cho mọi người”- y sĩ Đạt nói như một lời nguyện.
Ngoài làm tốt công tác khám chữa bệnh, hốt thuốc cho người dân, HCC tỉnh vừa qua còn vận động được 5m3 gỗ tràm hoa vàng từ ông Nguyễn Văn Thiện (hiện là Phó Chánh Văn phòng HCC tỉnh và đóng khoảng 100 cái giường, cung cấp cho hội cơ sở. Trong hoàn cảnh hội sở cấp tỉnh còn mới mẻ, các cấp hội cơ sở còn thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị y tế, con người, thì những đóng góp này thật đáng ghi nhận. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin