
Là một bệnh nguy hiểm, khả năng lây lan cao trong cộng đồng nhưng nếu được kiểm soát tốt từ khám phát hiện đến quản lý điều trị, bệnh lao không còn là bệnh nguy hiểm. Bằng cách ấy, nhiều năm qua, Trạm Y tế xã Thanh Bình (Vũng Liêm) đã phát hiện và quản lý điều trị thành công nhiều bệnh nhân lao, không có trường hợp bỏ trị hoặc tử vong.
Hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân lao tại Trạm Y tế xã Thanh Bình.
Là một bệnh nguy hiểm, khả năng lây lan cao trong cộng đồng nhưng nếu được kiểm soát tốt từ khám phát hiện đến quản lý điều trị, bệnh lao không còn là bệnh nguy hiểm. Bằng cách ấy, nhiều năm qua, Trạm Y tế xã Thanh Bình (Vũng Liêm) đã phát hiện và quản lý điều trị thành công nhiều bệnh nhân lao, không có trường hợp bỏ trị hoặc tử vong.
Phát hiện sớm bệnh
Bệnh nhân lao phát hiện hàng năm tại xã Thanh Bình thường từ 10- 12 người, trong đó hơn phân nửa là thanh niên tuổi lao động. Năm 2013, qua khám phát hiện cho 145 lượt người, thử đàm 86 lượt đã phát hiện 12 bệnh nhân mới và từ đầu năm 2014 đến nay phát hiện 2 bệnh nhân mới.
Tất cả đang được quản lý và tuân thủ điều trị. Nhiều bệnh nhân đã điều trị khỏi hoàn toàn. Hiện chỉ còn 5 bệnh nhân phác đồ đang được quản lý điều trị.
Bệnh lao là bệnh nguy hiểm, dễ lây truyền qua tiếp xúc thông thường. Nếu không được phát hiện người bệnh là nguồn lây nhiễm cho nhiều người khác, nhất là những người trong cùng gia đình, nhưng nếu được phát hiện sớm thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Biết vậy nhưng làm thế nào để người dân đi khám phát hiện bệnh là chuyện rất khó. Khi hỏi điều này, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhan- chuyên trách phòng chống lao Trạm Y tế xã Thanh Bình cho biết:
“Giờ người dân hiểu và quan tâm đến bệnh lao hơn trước nhiều, không còn chủ quan, ngay cả những bạn trẻ. Họ nói khi thấy có những dấu hiệu nghi ngờ là lo lắng và đến trạm ngay, vì nếu không là bệnh lao thì cũng phát hiện sớm một bệnh nào đó. Rất may, hầu hết bệnh nhân ở đây điều trị khỏi là nhờ được phát hiện sớm từ những dấu hiệu ban đầu đó”.
Tất nhiên, để người dân quan tâm như thế, công tác phòng chống lao của trạm đã phải làm nhiều việc từ trước đó rất lâu, như tăng cường truyền thông trực tiếp, gián tiếp trên hệ thống loa truyền thanh xã, tại trạm đến cộng đồng, cả những hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng.
Là bệnh có khả năng lây nhiễm cao nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian theo quy định bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn, thuốc điều trị lao cũng được cấp miễn phí. |
Ngoài ra, để hạn chế bỏ sót bệnh ngoài cộng đồng, thấy điều kiện đi lại của người bệnh quá khó khăn thì trạm giúp cả việc chuyển mẫu đàm đến Trung tâm Y tế huyện xét nghiệm. Nhờ vậy mà nhiều người không còn ngần ngại và cũng nhờ đó mà nhiều người bệnh được phát hiện kịp thời.
Quan tâm, hết lòng với người bệnh
Song, phát hiện sớm bệnh lao chỉ mới là bước đầu. Làm cách nào mà người bệnh tuân thủ điều trị, tự tin không bỏ trị và biết dự phòng lây nhiễm cho người khác, trong khi thực tế cho thấy đa số bệnh nhân lao thường có điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn, môi trường sống chật chội, lại là lao động chính trong gia đình còn khó hơn nhiều?
Thêm nữa, Thanh Bình cùng với Quới Thiện là 2 xã cù lao của huyện Vũng Liêm, dù nổi danh là vùng cây trái ngọt lành, đời sống người dân không còn khốn khó như xưa, nhưng việc đi lại vẫn còn đò giang cách trở. Điều này không những ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa mà cả việc chăm sóc sức khỏe của người dân.
Như hiểu được cái khó của bà con ở đây, bác sĩ Lê Hữu Thành- Trưởng Trạm Y tế xã Thanh Bình, chia sẻ:
“Chúng tôi vô cùng ray rứt khi phải chuyển điều trị những trường hợp ngoài khả năng của trạm, bởi có không ít trường hợp bệnh vì hoàn cảnh, đi lại khó khăn mà không lên được tuyến trên điều trị đến nơi đến chốn, khiến việc điều trị càng khó, vừa mất thời gian lại càng tốn kém”.
Bác sĩ nói tiếp:
“Chính vì thế, không riêng gì bệnh lao mà tất cả các bệnh có thể phòng ngừa được, ngay tại y tế cơ sở, chúng tôi cố gắng làm hết sức những gì mình có để chăm lo sức khỏe ban đầu cho người dân. Với công tác phòng chống lao, bên cạnh truyền thông, tư vấn hướng dẫn kiến thức cho người dân, cộng đồng còn là sự quan tâm, sâu sát, nắm bắt kịp thời khó khăn của bệnh nhân và gia đình họ của đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên”.
Xã Thanh Bình hiện có 12 ấp, mỗi ấp đều có một cộng tác viên. Bệnh nhân lao điều trị tại cộng đồng được quản lý chặt chẽ bởi lực lượng này.
Các bệnh nhân được lực lượng cộng tác viên thường xuyên đến nhà theo dõi tình hình sức khỏe, kiểm tra lịch uống thuốc, tác dụng phụ của thuốc cũng như cách dự phòng lây nhiễm, thăm hỏi động viên người bệnh và gia đình.
Những trường hợp khó khăn hay mới bắt đầu điều trị thì cộng tác viên đến nhiều hơn, vì nếu bỏ uống hay uống không đúng thì coi như cả quá trình điều trị sẽ thất bại, và rất khó trong việc điều trị lại.
Cái khó thường thấy nhiều năm qua trong công tác phòng chống lao tại Vĩnh Long là người bệnh còn mặc cảm, giấu bệnh, tự điều trị hoặc bỏ điều trị (làm bệnh lao kháng thuốc, điều trị khó hơn và tốn kém hơn và nguy hiểm đến tính mạng), bệnh nhân trẻ hóa và là lao động chính trong gia đình…
Vì vậy, để công tác phòng chống lao tại cơ sở thật sự hiệu quả, bên cạnh truyền thông nâng cao kiến thức để người bệnh thay đổi nhận thức, hợp tác điều trị cũng như sự quan tâm của cộng đồng, còn có sự quan tâm và kịp thời nắm bắt, chia sẻ khó khăn với người bệnh của nhân viên y tế cơ sở.
Thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức với y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhưng với những gì Trạm Y tế xã Thanh Bình mang lại qua công tác phòng chống lao thời gian qua cho thấy cách làm này có thể thực hiện hiệu quả tại nhiều y tế cơ sở.
Và hiệu quả phòng chống lao của Trạm Y tế xã Thanh Bình càng ý nghĩa khi tỉnh thực hiện chủ đề quốc gia phòng chống lao năm 2014: Phòng chống bệnh lao bằng sức mạnh của hệ thống y tế cơ sở.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền- Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long, năm 2013, toàn tỉnh khám phát hiện cho 19.831 lượt người, thử đàm cho 11.446 người, phát hiện mới 1.480 bệnh nhân, điều trị khỏi cho 1.406 người, 56 bệnh nhân tử vong. Từ đầu năm 2014 đến nay, đã khám lao cho 4.683 lượt người, thử đàm phát hiện 2.357 lượt, qua đó phát hiện 388 bệnh lao mới, 375 bệnh nhân được điều trị khỏi. Hiện số bệnh nhân đang quản lý điều trị là 1.427. Hiện bệnh nhân lao tại Vĩnh Long đang có xu hướng trẻ hóa khi có đến 78% nằm trong độ tuổi lao động, và hầu hết trong số đó là công nhân ở các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên tại các trường đại học, trường dạy nghề. Tỷ lệ đa kháng thuốc ở nhóm điều trị lại là 19%, nhóm bệnh nhân mới là 2,7%. |
Bài, ảnh: BÙI SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin