Nhiều loại vắc xin “cháy” hàng

07:04, 04/04/2014

Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Vĩnh Long khẳng định hầu hết các vắc xin phục vụ tiêm ngừa cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng (CTTCMR) vẫn luôn có đầy đủ. Tuy nhiên, một số vắc xin ngừa các bệnh quai bị, thủy đậu, rubella, sởi (cho đối tượng không thuộc CTTCMR) đang “cháy” hàng, do các công ty dược vẫn chưa cung ứng về Vĩnh Long. Thực tế này không chỉ ở

Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Vĩnh Long khẳng định hầu hết các vắc xin phục vụ tiêm ngừa cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng (CTTCMR) vẫn luôn có đầy đủ. Tuy nhiên, một số vắc xin ngừa các bệnh quai bị, thủy đậu, rubella, sởi (cho đối tượng không thuộc CTTCMR) đang “cháy” hàng, do các công ty dược vẫn chưa cung ứng về Vĩnh Long. Thực tế này không chỉ ở tỉnh, mà nhiều địa phương khác cũng gặp tương tự.


An toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu. Trong ảnh: Y tá tiêm mũi viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh.

Đủ vắc xin TCMR, “cháy” vắc xin dịch vụ!

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc TTYTDP tỉnh Vĩnh Long, nhu cầu một số loại vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nằm ngoài CTTCMR như thủy đậu, quai bị, rubella, đang “cháy hàng” khi tình hình dịch bệnh đang “nóng”.

Rõ nhất là thủy đậu. Người dân ùn ùn đưa con đi tiêm ngừa khi số mắc bệnh này đang tăng cao. “Ở góc độ tiêm chủng ngoài CTTCMR, TTYTDP cũng như công ty cung ứng thuốc sẽ không kịp chuẩn bị vắc xin, do thường vắc xin này nhập về có số lượng theo nhu cầu. Cho nên khi diễn biến bệnh phức tạp thì xảy ra “hụt” khi “hút” vắc xin”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân thông tin.

Thống kê của Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc xin sinh phẩm, TTYTDP tỉnh Vĩnh Long, kết quả tiêm chủng tháng 1, 2 cho thấy chỉ xảy ra 44 trường hợp trẻ có phản ứng sau tiêm và hầu hết là phản ứng nhẹ; không có phản ứng nặng sau tiêm.
 Số liệu của TTYTDP thể hiện, tổng số bệnh lây truyền qua đường hô hấp năm 2013 là 3.168 ca, tăng 46% so 2.169 ca ở năm 2012.

Trong đó bệnh có số mắc tăng: thủy đậu, cúm, sởi; bệnh có số mắc giảm: quai bị, rubella.
 
Số mắc một số bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, sởi, trên địa bàn tỉnh tính đến hết 3 tháng đầu năm đang tăng mạnh so cùng kỳ mọi năm.

Trong khi, TTYTDP cho biết, một số vắc xin ngừa bệnh truyền nhiễm: sởi, rubella, quai bị, thủy đậu vẫn chưa được các công ty dược cung cấp về trung tâm. Tình hình của tỉnh, cũng như nhiều địa phương, là đang thiếu vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm này.

Tuy nhiên, “trung tâm luôn có đủ hầu hết các loại vắc xin phục vụ TCMR để tiêm ngừa cho trẻ”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân khẳng định. Riêng với một số vắc xin phục vụ tiêm dịch vụ, hiện tại trung tâm đã hết vắc xin “6 trong 1”, vắc xin “5 trong 1” còn gần 30 liều để tiêm trả mũi cho trẻ.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, đã có một công ty cung ứng thuốc “hứa” sẽ ưu tiên cung cấp cho tỉnh khoảng 200 liều vắc xin phối hợp “3 trong 1” ngừa sởi, rubella, quai bị và số này đang được nhập về.

Với vắc xin ngừa bệnh thủy đậu, phía cung ứng thuốc cũng “hứa” sẽ sớm cung cấp trong tháng này. Các loại vắc xin ngừa bệnh thủy đậu, rubella, quai bị, không thuộc diện tiêm chủng miễn phí, mà tiêm theo yêu cầu (dịch vụ) của phụ huynh.

“Trạm luôn có đủ vắc xin để tiêm chủng cho trẻ trong CTTCMR”- bác sĩ Bùi Thị Lưu- Trưởng Trạm Y tế (TYT) Phường 4 (TP Vĩnh Long) cho biết. Tại TYT Phường 1, y sĩ Trương Thúy Phượng- Trưởng trạm cũng cho biết trạm luôn được cung cấp đủ vắc xin để tiêm ngừa cho trẻ trong chương trình theo lịch tiêm chủng hàng tháng.

Siết khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm

Y tế dự phòng tỉnh đặc biệt nhấn mạnh nội dung này với trung tâm y tế các địa phương, hệ thống y tế cơ sở, là nơi thực hiện tiêm chủng hàng tháng cho trẻ trong CTTCMR.


Một ca tư vấn trước tiêm mũi BCG (ngừa lao) và mũi viêm gan B sơ sinh tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long.

Bác sĩ Bùi Thị Lưu cho biết, mỗi đợt tiêm ngừa, TYT Phường 4 mời khoảng 60 gia đình có con nhỏ đến.

“Chúng tôi khám sàng lọc trước tiêm rất kỹ, nên thường có khoảng 20% trẻ không được chỉ định tiêm mà phải trả về. Những trường hợp này sẽ tiêm bù tháng sau đó”- bác sĩ Lưu nói.
 
Tương tự, TYT xã Tân Thành (Bình Tân) cũng thực hiện rất kỹ quy trình khám sàng lọc trước tiêm, thực hành an toàn tiêm chủng và tư vấn sau tiêm đầy đủ cho các phụ huynh.

Theo TYT xã Tân Thành, một khi trẻ bị bệnh sốt, tiêu chảy, có uống thuốc điều trị bệnh cấp tính nào đó, cán bộ tiêm chủng tư vấn để dời lại lịch tiêm cho trẻ. “Một số phụ huynh nhiều lúc cũng ngại, nhưng đa số họ hiểu là cần phải đảm bảo an toàn tiêm chủng như thế nào, nên hợp tác tốt”- theo cán bộ phụ trách tiêm chủng TYT xã Tân Thành.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, khi khám sàng lọc trước tiêm, hễ trẻ bị mắc bệnh cấp tính nào đó, trẻ bệnh phải dùng thuốc, thì y- bác sĩ và cán bộ tiêm ngừa sẽ tư vấn cho phụ huynh xin dừng tiêm cho trẻ ngay. Việc tiêm ngừa sẽ dời lại. Cũng có trường hợp trẻ phải dời lịch tiêm ngừa vì tới ngày tiêm mà trẻ không có ở địa phương.

Trả lời câu hỏi “các trường hợp như trên có ảnh hưởng tới miễn dịch cho trẻ, có đảm bảo miễn dịch đầy đủ và chỉ tiêu tiêm chủng của tỉnh không”, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nói: Những trường hợp dời lại không tiêm, sẽ được tiêm bù lại ngay trong tháng sau đó và vẫn đảm bảo đủ các mũi tiêm. Các trẻ vẫn đáp ứng đủ miễn dịch phòng bệnh, cũng như đảm bảo tỷ lệ tiêm trong kế hoạch CTTCMR của tỉnh.

 

Trong CTTCMR, 8 loại vắc xin sẽ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, ngừa các bệnh truyền nhiễm, gồm: lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi (đơn mũi), Hib. TTYTDP khẳng định: hầu hết vắc xin trong CTTCMR đều có đủ để phục vụ nhu cầu tiêm cho trẻ. Vấn đề được quan tâm là cần sự phối hợp nhịp nhàng, nhiệt tình hơn từ chính các phụ huynh, bởi việc đưa trẻ tiêm ngừa đúng lịch, đúng liều, nhằm đảm bảo đủ miễn dịch cho con mình, đồng thời nâng cao độ miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh