Bệnh sởi xuất hiện dồn dập trên cả nước

07:04, 11/04/2014

Ngày 5/4/2014, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công điện khẩn gửi tất cả các tỉnh- thành trên cả nước về tăng cường phòng chống dịch sởi. Bộ Y tế tính đến thời điểm trên đã có 59/63 địa phương xuất hiện dịch sởi với trên 5.000 ca mắc và bệnh vẫn đang xuất hiện dồn dập...


Người dân đưa trẻ đến TYT Phường 1 tiêm ngừa sởi mũi 1 cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi (ảnh chụp sáng 7/4).

Ngày 5/4/2014, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công điện khẩn gửi tất cả các tỉnh- thành trên cả nước về tăng cường phòng chống dịch sởi. Bộ Y tế tính đến thời điểm trên đã có 59/63 địa phương xuất hiện dịch sởi với trên 5.000 ca mắc và bệnh vẫn đang xuất hiện dồn dập...

Dù trước đó, trong tháng 2, kế hoạch của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu tại cuộc họp trực tuyến phòng chống cúm lây sang người và triển khai chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi, dự báo có khoảng 200.000 trẻ từ 9- 24 tháng tuổi sẽ được tiêm vét vắc xin ngừa sởi. Hiện các địa phương đang tiêm vét, được lồng vào lịch tiêm chủng mở rộng hàng tháng.

Bệnh sởi “đột biến” so mọi năm!

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Năm- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long, tính từ đầu năm đến nay, trong nhiều trường hợp bệnh nhi sốt phát ban nghi sởi đã và đang điều trị tại bệnh viện, đã có 3 ca dương tính với sởi- theo kết quả kết luận của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.

Hiện tại bệnh viện vẫn có một số ca sốt phát ban nghi sởi đang điều trị, chờ kết quả của mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

“Mấy năm trước, bệnh nhân nhi điều trị sốt phát ban và chủ yếu sốt do siêu vi thông thường, nhưng năm nay sốt phát ban nghi sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi được nhận định là đột biến so với mọi năm”- theo bác sĩ Phan Văn Năm.

Bệnh sởi sẽ không nguy hại nếu phụ huynh phát hiện trẻ sốt phát ban và đưa đến đúng cơ sở y tế chuyên môn để chẩn đoán, điều trị.

Theo bác sĩ Phan Văn Năm, phụ huynh ngoài giữ vệ sinh và đề kháng tốt cho trẻ nhỏ, cần phải tiêm ngừa đầy đủ. Nếu trẻ chưa được tiêm mũi ngừa sởi nào thì đi tiêm, nếu chưa tiêm đủ 2 mũi thì đi tiêm nhắc cho đủ, để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh. 

Số ca dương tính với sởi hiện tăng mạnh. Năm 2013, chỉ 2 ca mắc và năm 2012 chỉ 1 ca mắc. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm nay, tổng số ca mắc sởi (3 ca) đã bằng 2 năm trước đó cộng lại.
Nói về tiêm vét vắc xin ngừa sởi trên địa bàn, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long cho hay, hiện tại tất cả các điểm tiêm chủng trong tỉnh đồng loạt tiêm vét vắc xin ngừa sởi cho trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi ngừa sởi cho trẻ ở thời điểm từ 9- 24 tháng tuổi, lồng ghép vào lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng hàng tháng.

Ở một diễn biến liên quan, thực trạng đáng lo ngại hiện nay là tại một số bệnh viện Trung ương ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang quá tải do bệnh nhi đông và “lo ngại bệnh viện thành ổ dịch sởi”.

Cảnh báo này được đưa ra khi khá nhiều bệnh nhi đến điều trị bệnh sởi hoặc bệnh lý khác, nhưng bị lây bệnh sởi, khiến bệnh diễn biến nặng, nguy cơ tử vong cao.

Trao đổi về việc có quá tải tại khoa Nhi khi các bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp hay không, bác sĩ Phan Văn Năm cho biết: Khoa Nhi tại bệnh viện hầu như thường xuyên quá tải do lượng bệnh nhi đông. Nhưng quá tải do các bệnh truyền nhiễm nói chung, còn quá tải do bệnh sởi thì không.

“Tuy vậy, bệnh viện luôn trên tinh thần chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, thiết bị y tế, sẵn sàng phục vụ yêu cầu điều trị các bệnh truyền nhiễm, nhất là sắp vào mùa mưa, nhiều bệnh có nguy cơ mắc tăng lên”- bác sĩ Phan Văn Năm nói.

Nâng ý thức chủ động tiêm phòng

Sáng 7/4, trao đổi với một cán bộ phụ trách tiêm chủng của Trạm Y tế (TYT) Phường 1 (TP Vĩnh Long) tại buổi tiêm định kỳ tháng này, được biết “hầu hết người dân hiện rất quan tâm đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho con em mình”.
 
Nhiều TYT cơ sở, cho hay tỷ lệ phụ huynh đưa trẻ đến TYT trên địa bàn tiêm ngừa đạt cao. “Tỷ lệ tiêm ngừa cho trẻ tại trạm đạt khoảng 80% trở lên”- theo TYT Phường 4.

Nhưng vẫn còn khá nhiều bất cập mà chỉ người làm công tác tiêm chủng mới biết. Theo nhân viên phụ trách tiêm chủng tại một TYT tại TP Vĩnh Long thì có một số người dân còn hời hợt.

Nhân viên trên kể, có khi mình đi đến nhà đưa giấy mời, phát giấy hẹn, thậm chí điện thoại để người dân đưa trẻ đến trạm để tiêm ngừa, nhưng một số người đôi khi nghi ngại, nghĩ mình như “người lạ đến nhà hoặc gọi hỏi thu tiền điện, nước”.

Có trường hợp phụ huynh không quan tâm, không xem tới quyển tiêm chủng cá nhân của con em mình và đến ngày tiêm thì có người còn không đem quyển sổ ấy theo,... Đó là mấy cái khó, mà theo các cán bộ và nhân viên phụ trách tiêm chủng, để tỷ lệ tiêm khó bao phủ đạt cao, kịp thời, đáp ứng đầy đủ miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.


Sáng 7/4, theo lịch tiêm chủng mở rộng hàng tháng, trẻ đang được tiêm ngừa sởi tại điểm tiêm ở y tế cơ sở.

TYT Phường 1 đợt tiêm theo lịch tiêm chủng mở rộng tháng này chỉ tiêm 2 ngày 7, 8/4. Ngày đầu cho trẻ uống sabin liều 2, tiêm vắc xin Quinvaxem “5 trong 1”, vắc xin sởi (đơn mũi), DCT2, viêm gan B. Ngày kế chủ yếu tiêm vét vắc xin ngừa sởi cho trẻ từ 9- 24 tháng tuổi chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa sởi.
 
TYT Phường 1, mỗi buổi tiêm mời 50 gia đình có trẻ nhỏ, nhưng không tiêm đủ 50 trẻ, vì qua khám sàng lọc, có một số trẻ không được chỉ định tiêm, phải dời ngày tiêm lại.

Tại hầu hết địa điểm tiêm ngừa, sau khi tiêm xong, ngoài các mặt giấy A4 dán đầy các mặt tường, thì cán bộ tiêm chủng bao giờ cũng nhắn thêm câu “người nhà vui lòng ngồi đợi sau 30 phút rồi mới được về”.

Bộ Y tế đã siết rất kỹ lại các nội dung này, đặc biệt nhấn mạnh đến tư vấn khám sàng lọc trước tiêm, thực hành tiêm an toàn và giữ lại theo dõi 30 phút sau tiêm mới cho người nhà đưa trẻ về.

An toàn tiêm chủng, có thể thấy đang đặt lên hàng đầu, nhất là yêu cầu cần phải tiêm vét ngừa sởi đang đặt ra càng cao. Trong khi lo ngại của nhiều phụ huynh về tai biến sau tiêm (dù của vắc xin viêm gan B, “5 trong 1”) tại một số địa phương vẫn còn “lởn vởn”.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh