Diễn biến một số bệnh truyền nhiễm có số ca mắc và nhập viện điều trị trên địa bàn tỉnh tăng khá cao. Phóng viên Báo Vĩnh Long trao đổi với bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long để tìm hiểu nguyên nhân.
Diễn biến một số bệnh truyền nhiễm có số ca mắc và nhập viện điều trị trên địa bàn tỉnh tăng khá cao. Phóng viên Báo Vĩnh Long trao đổi với bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long để tìm hiểu nguyên nhân.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân. Ảnh tư liệu
* Tình hình các loại vắc xin và công tác tiêm ngừa phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (CTTCMR) hiện như thế nào, thưa ông?
- Trong CTTCMR, trẻ mới sinh ra sẽ được tiêm mũi vắc xin ngừa lao và ngừa viêm gan B. Trẻ đủ 2 tháng tuổi, sẽ được tiêm mũi 1 vắc xin “5 trong 1” để ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib. Các mũi tiêm thứ 2 và thứ 3 của vắc xin này sẽ tiêm khi trẻ đủ 3 và 4 tháng tuổi.
Khi trẻ đủ 9 tháng tuổi sẽ được tiêm sởi mũi 1, mũi tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Hiện tại các vắc xin này ở hệ thống y tế dự phòng tỉnh không thiếu, đang có đầy đủ để phục vụ tiêm chủng cho trẻ trên toàn địa bàn.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh với vắc xin ngừa sởi, hiện cũng đầy đủ phục vụ trẻ em trong tỉnh.
Việc tiêm vét vắc xin ngừa sởi cho trẻ chưa được tiêm hay chưa tiêm đủ sẽ diễn ra cùng với lịch tiêm chủng hàng tháng trong CTTCMR.
* Có tâm lý một số phụ huynh ngại ngùng, “né” đi tiêm vắc xin cho con em mình không, khi mà thời gian qua có khá nhiều tai biến sau tiêm “5 trong 1” và Bộ Y tế có thời gian cho ngừng tiêm vắc xin này?
- Đúng là trên địa bàn tỉnh có thời gian người dân ngần ngại, “né” không đưa con đi tiêm vắc xin “5 trong 1” sau khi vắc xin này được Bộ Y tế cho phép tiêm chủng trở lại.
Họ ngại sau khoảng 5 tháng Bộ Y tế cho ngưng sử dụng vắc xin này do xảy ra các tai biến sau tiêm tại một số địa phương.
Cụ thể trên địa bàn tỉnh, trong 1- 2 tháng đầu bắt đầu tiêm lại vắc xin “5 trong 1”, người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đạt thấp. Nhưng từ tháng thứ 3, người dân dần dần quen và yên tâm hơn khi đưa con em mình đi tiêm ngừa, nên tỷ lệ tiêm chủng nâng lên cao và cơ bản đảm bảo tiến độ CTTCMR.
Tiêm chủng theo lịch TCMR tại y tế xã.
* Tai biến sau tiêm như thế nào, thưa ông?
- Hầu hết các vắc xin trong CTTCMR quốc gia thời gian qua- nhất là vắc xin “5 trong 1” (có thời gian ngưng tiêm và sau đó tiêm lại)- khi tiêm chủng cho trẻ trên địa bàn đều không xảy ra tai biến nặng sau tiêm, không có khả năng đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Phía ngành y tế tiếp tục tăng cường giám sát các điểm tiêm chủng để kịp thời củng cố uốn nắn, nhằm hạn chế tối đa sai sót, tai biến có thể xảy ra sau tiêm ngừa.
Y tế dự phòng thường xuyên tập huấn an toàn tiêm chủng, bảo quản vắc xin, các biện pháp thực hành TCMR, nhất là chú trọng đặc biệt công tác khám sàng lọc trước khi tiêm, tư vấn trước tiêm và sau khi tiêm chủng cho trẻ và phụ huynh trẻ để đảm bảo an toàn tiêm chủng cao nhất.
* Ông chia sẻ thêm để người dân yên tâm khi đưa con em mình đi tiêm chủng và để CTTCMR trên địa bàn đạt hiệu quả cao và bền vững?
- Trong CTTCMR quốc gia, sử dụng vắc xin để phòng ngừa bệnh tật cho trẻ là giải pháp hiệu quả nhất.
Thứ nhất, không tốn tiền. Thứ hai, đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh tật cao. Nếu vắc xin không thuộc CTTCMR để được tiêm miễn phí và người dân phải bỏ tiền mua thì việc số tiền vài trăm ngàn đồng đến hơn một triệu đồng cho một mũi tiêm ngừa cho trẻ cũng sẽ rất ít so với kinh phí phải bỏ ra điều trị khi mắc bệnh và có khả năng đe dọa tính mạng của trẻ.
Do vậy, tất cả các phụ huynh cần nâng cao ý thức đưa con em mình đi tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh và phải tuân thủ đảm bảo đúng thời gian, quy trình, đúng liều, đúng lịch tiêm chủng, nhằm đem lại hiệu quả miễn dịch phòng bệnh cho trẻ tốt nhất.
Trong nội dung chỉ đạo công tác dự phòng, phòng chống dịch bệnh tại cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 3/2014, bác sĩ Trần Văn Út- Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long đã giao Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long phối hợp với hệ điều trị thực hiện tốt công tác giám sát tình hình dịch bệnh, tổ chức tập huấn, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh nhỏ khi xảy ra, không để lây lan. Sở Y tế cũng lưu ý hệ dự phòng chú ý cúm gia cầm lây lan sang người, đặc biệt huyện Bình Tân đã xảy ra cúm gia cầm. Phối hợp Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, các cơ quan ban ngành liên quan tăng cường giáo dục tuyên truyền vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho người dân. Và nếu có khó khăn về vắc xin, đặc biệt là vắc xin ngừa sởi, thủy đậu thì báo cáo về Sở Y tế để kịp thời xử lý.
|
MINH THÁI (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin