Ý thức tự phòng là quan trọng nhất

02:03, 07/03/2014

Bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn diễn biến với số ca mắc, đến khám và điều trị đều đặn tại các cơ sở y tế trong tỉnh.


Quan trọng nhất là ý thức phòng bệnh TCM của mỗi phụ huynh cho con em mình. Trong ảnh: Một bé bệnh TCM mới nhập viện ngày 6/3.

Bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn diễn biến với số ca mắc, đến khám và điều trị đều đặn tại các cơ sở y tế trong tỉnh.

TCM- bệnh mới nổi

Bệnh TCM được bác sĩ ở khối điều trị và hệ y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long nhận định vẫn diễn biến khá phức tạp ở số mắc, đến khám và nhập viện điều trị nội trú tại các cơ sở y tế trong tỉnh.

Là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, sau đó diễn biến ở trẻ là sốt, nổi mụn nước ở bàn tay bàn chân... và diễn biến nặng như suy hô hấp, viêm phổi. Khi có bất cứ biểu hiện nào nói trên, phụ huynh nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế. Nếu chậm trễ, bệnh chuyển sang độ nặng, nguy cơ dẫn đến tử vong.

Tổng hợp từ ngày 1- 28/2/2014 của y tế dự phòng tỉnh, số ca mắc TCM từ 225 tăng lên 426. Năm 2013, cả tỉnh có 3.247 ca mắc TCM và không có ca tử vong, giảm so năm 2012 với 3.301 ca mắc với 2 ca tử vong.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long: “TCM là bệnh truyền nhiễm mới nổi và chưa có vắc xin phòng bệnh”.

Chị Đặng Thị Nhạn (Phường 9- TP Vĩnh Long) sáng 6/3 đưa con là cháu Minh Khương vào BVĐK tỉnh. Chị Nhạn nói, cách đây hơn 2 tháng, cháu cũng bị TCM, đi khám bác sĩ cho thuốc uống hết. Nay sau mấy đêm cháu khó ngủ, giật mình quấy khóc, vào bệnh viện khám thì bác sĩ nói cháu mắc TCM.

“Sợ là nóng sốt, ít ngủ, đầu óc cháu có vấn đề gì thôi, bác sĩ nói ở lại theo dõi; chứ chẩn đoán bệnh TCM độ 1 thì chữa trị sớm sẽ mau hết, nhanh về”- chị Nhạn nói.

Buồng bên cạnh cũng một trường hợp bé trai 15 tháng tuổi bị TCM độ 1. Mẹ cháu- chị Nguyễn Thị Đoan Trang (xã Tân Hạnh- Long Hồ) nói “sáng thức dậy rửa mình chuẩn bị cho cháu đến lớp, thì thấy nổi các mụn nước đỏ, thấy lạ, nghi nghi nên đưa vào bệnh viện luôn”. Trường hợp này bác sĩ cho nhập viện theo dõi, sau chẩn đoán là bị TCM.

Số liệu của Khoa Nhi, BVĐK tỉnh Vĩnh Long đến ngày 5/3/2014, thể hiện: bệnh TCM có 171 ca (26 ca độ 1, 136 ca độ 2A và là độ nhẹ, 9 ca độ 2B- độ nặng); sốt xuất huyết có 7 ca; thủy đậu 1 ca; sởi 1 ca). Các trường hợp này nhập viện điều trị nội trú và đã xuất viện. Đến ngày 6/3, còn 1 ca sởi, 2 ca sốt xuất huyết, 12 ca TCM vẫn đang điều trị nội trú.

Quan trọng nhất là ý thức phòng bệnh

Các bác sĩ điều trị và bác sĩ hệ y tế dự phòng, đều khẳng định như vậy và xem đó là “giải pháp tối ưu để phòng bệnh TCM”. Theo y tế dự phòng, đỉnh dịch TCM hàng năm thường rơi vào 2 thời điểm: tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11.

Và do đây là thời điểm nằm trong đỉnh dịch, nên cần tăng cường các giải pháp, biện pháp phòng chống dịch bệnh. “Mặc dù ngành y tế đã đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp phòng chống dịch bệnh, nhưng biện pháp hàng đầu vẫn là ở... ý thức người dân.

Bệnh truyền nhiễm này chưa có giải pháp nào can thiệp (giảm số mắc và tử vong) hiệu quả hơn là mỗi người dân tự nâng cao ý thức hơn nữa để phòng bệnh cho con em mình”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nêu.

Chị Trang nêu trên nói là đã biết qua báo đài, tờ rơi về cách nhận biết và biện pháp phòng chống bệnh TCM. Nhạy cảm người mẹ rõ vậy và luôn tuân thủ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho con nhưng cháu vẫn bị mắc TCM.

Phòng chống trong cộng đồng, người lớn cần vệ sinh cho trẻ, rửa tay sạch bằng xà phòng không chỉ cho trẻ mà cả cho mình, bởi một số phụ huynh được cho là yếu tố “gián tiếp” làm lây bệnh này cho con em mình, sau khi cưng nựng trẻ khác (với trẻ có bệnh).

Cần phải vệ sinh đồ dùng vật dụng trong nhà, đồ chơi tiếp xúc với trẻ để giảm nguy cơ mắc bệnh. Các trường mầm non chủ động theo dõi để phát hiện sớm trẻ mắc bệnh, cách ly, cùng phụ huynh đưa đến cơ sở y tế kịp thời.

Y tế dự phòng tỉnh sẽ giám sát hàng ngày ở BVĐK tỉnh, trung tâm y tế huyện tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên, xử lý kịp thời, tránh bùng phát và lây lan. Phối hợp giữa ngành chức năng và cơ quan truyền thông tuyên truyền đến người dân với mục tiêu “nâng cao hơn nữa nhận thức trong phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh dễ lây lan như TCM”.

Công tác vệ sinh phòng dịch, dự trù hóa chất, thiết bị y tế cũng được ngành y tế chuẩn bị chu đáo, kịp thời cung cấp khi cần thiết cũng như thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực giám sát, điều tra xử lý dịch bệnh cho cán bộ y tế dự phòng các tuyến...

Mặc dù ngành y tế đã đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp phòng chống dịch bệnh, nhưng biện pháp hàng đầu vẫn là ở... ý thức người dân. Bệnh truyền nhiễm này chưa có giải pháp nào can thiệp (giảm số mắc và tử vong) hiệu quả hơn là mỗi người dân tự nâng cao ý thức hơn nữa để phòng bệnh cho con em mình.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh