Lo bệnh sởi quay trở lại

07:02, 14/02/2014

Số ca mắc bệnh sởi từ trước và sau Tết Nguyên đán tại một số địa phương phía Bắc và TP Hồ Chí Minh được xem là tăng bất thường so mọi năm. Điều này gây lo lắng về việc bệnh sởi có thể quay lại trên diện rộng. Nguy cơ của các trường hợp mắc bệnh hầu hết là do trẻ không được tiêm ngừa sởi đủ các mũi, tiêm không đúng lịch hoặc không tiêm ngừa sởi.


Bé trai ngụ huyện Cái Bè (Tiền Giang) mắc bệnh sởi, điều trị tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long từ ngày 10/2 và sắp xuất viện.

Số ca mắc bệnh sởi từ trước và sau Tết Nguyên đán tại một số địa phương phía Bắc và TP Hồ Chí Minh được xem là tăng bất thường so mọi năm. Điều này gây lo lắng về việc bệnh sởi có thể quay lại trên diện rộng. Nguy cơ của các trường hợp mắc bệnh hầu hết là do trẻ không được tiêm ngừa sởi đủ các mũi, tiêm không đúng lịch hoặc không tiêm ngừa sởi.

Mắc sởi do chưa tiêm ngừa!

Báo cáo từ đầu năm đến ngày 5/2, ghi nhận có 5 tỉnh- thành gồm Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, TP Hồ Chí Minh có nhiều ca mắc sởi. Điều tra dịch tễ các ca mắc sởi thời điểm trên cho thấy, 80% trẻ dương tính với bệnh sởi do chưa được tiêm phòng.

Công văn của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) gửi Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh– thành cả nước ngày 8/2/2014, có nêu nguyên nhân chủ yếu của bệnh sởi đang diễn biến phức tạp là do trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc tiêm không đúng lịch.

Cũng có thể trẻ tiêm đủ 2 mũi nhưng vì lý do nào đó trẻ không đáp ứng miễn dịch tốt; hoặc trẻ sinh ra từ những bà mẹ chưa tiêm vắc xin ngừa sởi. Theo quy định, trẻ từ đủ 9 tháng tuổi sẽ tiêm mũi 1, đủ 18 tháng tuổi sẽ tiêm mũi 2 ngừa sởi.

Sởi là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp từ siêu vi. Thời tiết năm nay lạnh kéo dài là điều kiện cho siêu vi hoạt động mạnh. Đó là nguyên nhân gây mắc bệnh nhiều. Những năm gần đây, bệnh sởi đã được khống chế do trẻ được tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Đợt phát bệnh sởi gần đây nhất là năm 2010. Như vậy sau 3 năm vắng bóng, thì từ đầu năm nay, bệnh sởi đã quay trở lại. Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi đã xuất hiện tại ít nhất 24 tỉnh- thành tính đến nay và đã có ít nhất 3 ca tử vong do bệnh sởi tại một số địa phương có số mắc sởi nhiều.

Ghi nhận ngày 10/2/2014, BVĐK tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận một trẻ 5 tuổi, ngụ huyện Cái Bè (Tiền Giang) nhập viện và được chẩn đoán mắc sởi.

“Đây là trường hợp mắc bệnh sởi đầu tiên được điều trị trên địa bàn và không phải là người trong tỉnh”- bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà- Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BVĐK tỉnh cho biết.
 
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, bé trai này ở nhà từ ngày 7/2 đã sốt cao, phát ban, ho, sổ mũi, đỏ mắt, đến ngày 10/2 vào viện. “Đối với bệnh sởi, trường hợp trẻ sốt 2-3 ngày đầu, uống thuốc không hạ, mệt đừ, miệng đắng ăn uống không ngon, không rõ nguyên nhân sốt, không thể hiện rõ bệnh,... là lúc bệnh dễ lây nhất”- bác sĩ Thu Hà nói.

Đến 13/2, qua điều trị tại bệnh viện, bé trai đã hết sốt, ban đỏ đã tan dần và sẽ xuất viện trong nay mai. Điều đáng nói, mặc dù bé trai này được cho biết đã tiêm ngừa sởi đầy đủ, nhưng vẫn bị mắc sởi.

Khuyến cáo của Bộ Y tế

Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước, đặc biệt là các địa phương xảy ra dịch sởi tăng cường các hoạt động giám sát, hướng dẫn việc cách ly, tổ chức điều trị kịp thời để hạn chế tối đa các trường hợp mắc, biến chứng và tử vong do sởi.

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9- 11 tháng tuổi, chỉ có 80- 85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90- 95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

NT (theo VnMedia)

Giải pháp hàng đầu: tiêm vắc xin

Tiêm vắc xin ngừa sởi, theo các bác sĩ, là giải pháp hàng đầu phòng chống bệnh sởi hiệu quả.

“Tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay không có trường hợp trẻ em nào sốt phát ban hay mắc sởi”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết.

Trước đó, trong năm 2013, tỉnh ghi nhận 2 ca mắc, tăng 1 ca so năm 2012. Theo bác sĩ chuyên lĩnh vực y tế dự phòng ở Vĩnh Long, bệnh sởi các năm qua trên địa bàn có thể nói là “không còn chu kỳ”, bởi địa phương luôn chủ động giám sát tốt và tăng cường tiêm phòng sởi.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, y tế dự phòng và các trung tâm y tế huyện luôn chủ động giám sát các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có sởi.
 
“Tăng cường giám sát các điểm tiêm chủng, rà soát đối tượng trẻ cần tiêm, đảm bảo tiêm ngừa sởi đúng đối tượng, đúng lịch, đúng liều, kịp thời và không bỏ sót”– bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nói và khẳng định “trong công tác phòng chống bệnh sởi, việc sử dụng vắc xin là giải pháp hàng đầu, hiệu quả cao nhất”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà cũng nói, ngoài chủ động phòng chống bằng vắc xin ngừa sởi, trong cộng đồng và gia đình, phụ huynh cần giữ vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, tăng cường chế độ dinh dưỡng để trẻ đảm bảo đề kháng tốt, hạn chế tiếp xúc với trẻ sốt phát ban nghi bệnh sởi...
 
Đồng thời các bà mẹ cần tuân thủ lịch thời điểm tiêm vắc xin đủ liều cho trẻ. Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu nghi sởi, phụ huynh cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Các bác sĩ khẳng định, cùng với dự phòng, kênh điều trị ở các bệnh viện và cơ sở y tế luôn chủ động thu thập thông tin để phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay từ ca mắc bệnh đầu tiên.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh