FAO cảnh báo nguy cơ dịch cúm H7N9 vượt biên giới Trung Quốc

08:02, 08/02/2014

Trước tình hình dịch cúm gia cầm H7N9 hoành hành ngày càng mạnh và diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, ngày 6-2, Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra cảnh báo nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này có thể lây lan vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm H7N9 hoành hành ngày càng mạnh và diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, ngày 6-2, Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra cảnh báo nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này có thể lây lan vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc.
 
FAO cũng đưa các chỉ dẫn dựa trên những kinh nghiệm từ dịch cúm gia cầm H5N1 trước đó cho thấy, vi-rút H7N9 rất dễ lây lan qua biên giới Trung Quốc để sang các nước láng giềng.

Các nhân viên y tế Hồng Công (Trung Quốc) xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh. Ảnh: AP

Tuy nhiên, theo tổ chức này, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy vi-rút nguy hiểm này xuất hiện ở Việt Nam hay bất cứ nước láng giềng nào của Trung Quốc thuộc tiểu vùng sông Mê Công như Mi-an-ma, Lào.

Trong cảnh báo của mình, FAO kêu gọi các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc xem xét áp dụng các biện pháp đề phòng khẩn cấp và lập các kế hoạch phản ứng nhanh nhằm đối phó với nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
 
Theo tổ chức này, sự lây lan vi-rút H7N9 tại các chợ gia cầm ở tỉnh Quảng Tây đã làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các nước láng giềng của Trung Quốc. Do vậy, đòi hỏi các bên phải nâng cao tinh thần cảnh giác để làm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra ngoài biên giới Trung Quốc.

Cảnh báo của FAO được đưa ra sau khi tỉnh Quảng Tây phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm vi-rút H7N9 ngày 4-2, gồm một bé trai 5 tuổi và người mẹ 41 tuổi.

Trong khi đó, ngày 6-2, Cơ quan Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Bắc Kinh xác nhận đã có thêm 5 trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở người tại 4 tỉnh, thành phố của nước này, trong đó có thủ đô Bắc Kinh. Một trong số đó là một người chăn nuôi gia cầm 73 tuổi, ở quận Hoài Nhu, ngoại ô Bắc Kinh, đang trong tình trạng nguy kịch.

Các trường hợp còn lại gồm 2 bệnh nhân nam trên 60 tuổi ở tỉnh Giang Tô, 1 bệnh nhân nữ 61 tuổi đến từ thành phố Nhạc Dương của tỉnh Hồ Nam và 1 bệnh nhân nữ 36 tuổi ở thành phố Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông. Các bệnh nhân đều tiếp xúc với gia cầm sống trước khi lâm bệnh, trong đó 2 bệnh nhân ở Giang Tô đang trong tình trạng nguy kịch.

Đến nay, đã có ít nhất 290 người bị nhiễm vi-rút H7N9 ở Trung Quốc đại lục, Hồng Công (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc), trong đó 66 trường hợp đã tử vong.

Các giới chức y tế Trung Quốc ngày 5-2 đã tái khẳng định chưa có bằng chứng nào cho thấy vi-rút H7N9 lây nhiễm trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, theo FAO, loại vi-rút này tạo ra nguy cơ ngày càng tăng đối với sức khỏe con người. Theo ông Hi-rô-y-u-ki Cô-nu-ma (Hiroyuki Konuma), đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của FAO, cần phải tăng cường giám sát và thúc đẩy kế hoạch tuyên truyền tổng thể nhằm nâng cao nhận thức về mối đe dọa của dịch bệnh này đối với cả lĩnh vực thú y và y tế.

Diễn biến dịch cúm H7N9 ở Trung Quốc gây quan ngại cho một số nước trong khu vực và thế giới. Bộ Nông nghiệp Phi-líp-pin đã ra lệnh cấm tạm thời hoạt động nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Cơ quan Sức khỏe cộng đồng của Ca-na-đa cho biết, nước này đang theo dõi một cách thận trọng tình hình dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc và tiếp tục hành động để cập nhật bản kế hoạch sẵn sàng ứng phó đại dịch quốc gia vốn đã được khởi động từ đại dịch cúm H1N1 năm 2009. Tuy nhiên, Cơ quan Sức khỏe cộng đồng Ca-na-đa tin rằng, nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng tới người dân Ca-na-đa vẫn ở mức thấp.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh