
Lẽ thường, người ta chỉ nhìn vào bên ngoài thấy mũm mĩm là quy kết béo. Tất cả những người béo đều bị đổ lỗi là do ăn, ngủ nhiều, ít vận động... Nhưng thực ra, sự việc còn phức tạp hơn thế.
Lẽ thường, người ta chỉ nhìn vào bên ngoài thấy mũm mĩm là quy kết béo. Tất cả những người béo đều bị đổ lỗi là do ăn, ngủ nhiều, ít vận động... Nhưng thực ra, sự việc còn phức tạp hơn thế.
Mỡ dư thừa - Thủ phạm của béo phì
Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Như vậy, định nghĩa này đã chỉ rõ, mỡ chính là một tiêu chuẩn duy nhất và rõ ràng của béo phì.
Cơ thể con người được cấu tạo từ rất nhiều loại mô tế bào khác nhau, trong đó có mô mỡ. Bình thường, mô tế bào này không gây hại, nhưng khi tích trữ quá nhiều thì chúng lại gây hại cho cơ thể. Cơ thể nam giới có cấu trúc ít mỡ hơn nữ giới.
Tỷ lệ mỡ ở nam giới khoảng 15-20%, còn ở nữ là 25-30% được coi là bình thường. Khi tỷ lệ mỡ cao hơn chỉ số này thì bạn được xếp vào thang độ béo phì. Cụ thể, nếu tỷ lệ mỡ của nam giới từ 25% trở lên và nữ giới từ 33% trở lên thì được xếp vào béo phì điển hình. Như vậy, chỉ cần đo xem cơ thể bạn có tỷ lệ mỡ bao nhiêu thì sẽ biết chính xác bạn có bị béo phì hay không.
Dư thừa mỡ dẫn đến béo phì
Trên thực hành, người ta dùng các chỉ số đơn giản có giá trị chẩn đoán thay thế như sử dụng chỉ số BMI, đo bề dày lớp mỡ dưới da ở 4 vị trí quy chuẩn (dưới mỏm vai, vùng cơ tam đầu cánh tay, cơ nhị đầu cánh tay và vùng eo), đo chu vi vòng eo và chu vi vòng mông.
Những chỉ số này được kiểm tra một cách dễ dàng và có giá trị chẩn đoán tương đối tốt béo phì, mặc dù kém chính xác hơn chỉ số phần trăm mỡ trong cơ thể.
Nếu bạn dùng chỉ số BMI để đánh giá, khi chỉ số BMI nằm trong khoảng 20-25, bạn rất khỏe mạnh, bình thường. Nếu chỉ số này có giá trị trên 30 thì bạn đã bị béo phì và nếu trên 40 là béo phì mức độ nặng.
Nếu như trước đây, béo phì mới chỉ là sự cảnh báo thì nay, béo phì đã thực sự trở thành thảm họa của xã hội hiện đại. Tỷ lệ người mắc béo phì ngày càng gia tăng, đang đe dọa bệnh tật mà chúng ta đã và sẽ phải đối mặt.
Hiện nay, người ta chia béo phì thành hai dạng. Dạng béo phì do phì đại tế bào mỡ và dạng béo phì tăng sinh tế bào mỡ. Với loại phì đại tế bào mỡ sẽ nguy hiểm và hay gặp ở người trưởng thành. Loại béo phì tăng số lượng tế bào mỡ hay gặp ở thiếu niên, ít nguy hiểm hơn, vì chúng có khả năng tiêu biến.
Lý giải vì sao tế bào mỡ có thể phì đại được, người ta chú ý đến các phân tử kích thích được gọi là các yếu tố nội bào kích thích và các hormon.
Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, dường như tế bào mỡ không chỉ đơn giản là tiếp nhận mỡ để nhét vào trong lòng tế bào, mà chúng còn có khả năng tự sản xuất ra các hormon, một vài peptid và chất kích thích chuyển hóa có tác dụng làm tăng kích thước tế bào mỡ và làm tăng cân. Chính các chất này là thủ phạm tại sao chỉ ăn cơm nhạt mà cũng béo.
Hệ lụy của béo phì
Trước đây người ta cho rằng béo phì là một bệnh liên quan đến dinh dưỡng nên thường được coi là bệnh của nhà giàu. Nhưng thực tế đây là một bệnh lý do rối loạn chuyển hóa có thể mắc ở bất kỳ đối tượng nào. Tốc độ béo phì đang có xu hướng tăng rất nhanh ở các quốc gia đang phát triển như Châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc.
Ở các quốc gia phát triển, tốc độ béo phì đang có xu hướng chững lại. Như vậy, sự thiếu hiểu biết trong dinh dưỡng có lẽ là nguyên nhân chính làm cho béo phì lan nhanh, phổ cập và kéo theo đó là sự tiêu tốn về tiền bạc cho căn bệnh này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Da dẻ mũm mĩm thì người đó ắt hẳn sẽ bị cho là béo phì và được cảnh báo ngay lập tức. Tuy nhiên đối với những người cơ thể bình thường nhưng rất có thể, mỡ đang tiềm ẩn ở những vị trí hiểm hóc hơn là định cư ở ngoài da. Đó là điều lý giải cho hiện tượng vì sao có nhiều người “dây” thực sự nhưng lại có rối loạn mỡ máu, một hiện tượng gắn chặt với thể trạng béo.
Xét về sự phân bố mỡ, một người béo phì càng có nhiều mỡ phân bố ở vùng bụng thì người đó càng dễ bị biến chứng. Những người này có liên quan chặt chẽ với các rối loạn chuyển hóa. Một người béo bụng sẽ tệ hại hơn một người béo phì mà béo đùi, béo tay.
Để sát thực hơn, người ta đo thêm chu vi vòng bụng. Nếu như chu vi vòng bụng càng to thì sự tai hại của béo phì càng lớn. Nghiên cứu cho thấy, một người béo phì rất dễ bị biến chứng tim mạch (béo phì dạng trung tâm) khi và chỉ khi người đó có vòng bụng lớn hơn 94cm với nam và trên 80cm với nữ.
Nếu tỷ lệ vòng bụng/vòng mông trên 0,95 ở nam và trên 0,8 ở nữ thì càng thêm một lần nữa củng cố. Còn một khi vòng bụng của nam giới trên 102cm và nữ giới trên 88cm thì đã đến lúc cần can thiệp điều trị.
Rối loạn chuyển hóa lipid gây béo phì là một yếu tố nguy cơ gây bệnh gout, đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành, thoái hóa khớp, đột qụy não, sỏi mật.
Ứng phó như thế nào?
Các biện pháp điều trị béo phì hiện nay bao gồm 4 biện pháp cơ bản: dinh dưỡng, vận động, dùng thuốc và phẫu thuật.
Biện pháp dinh dưỡng là phương pháp cắt giảm khẩu phần và hàm lượng chất béo trong bữa ăn hàng ngày. Biện pháp này nhằm làm giảm lượng khẩu phần đưa vào khiến cơ thể buộc phải tiêu thụ mỡ để bù vào năng lượng bị thiếu này.
Biện pháp vận động là thiết kế các bài tập vận động có cường độ tiêu hao năng lượng lớn nhằm tiêu hao phần mỡ dư. Vận động càng nhiều thì mỡ tiêu càng hiệu quả.
Biện pháp dùng thuốc là phương pháp sử dụng các thuốc có tác dụng làm chán ăn, giảm hấp thu, chống tích trữ mỡ. Các thuốc đã góp phần đáng kể vào chiến lược giảm béo. Tính cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới có trong tay 3 nhóm thuốc điều trị béo phì: thuốc làm chán ăn trung ương (lorcaserin, phentermin…), thuốc làm giảm hấp thu (orlistat), thuốc làm tăng tiêu hao năng lượng (đồng vận adrenergic).
Biện pháp phẫu thuật được gọi dưới một tên chung là phẫu thuật giảm cân. Biện pháp này gồm nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau như thắt hẹp dạ dày bằng vòng đai, phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày, phẫu thuật nối tắt dạ dày ruột…
Những phương pháp này có chỉ định riêng biệt và áp dụng cho từng đối tượng khác nhau. Nhìn chung, phẫu thuật chỉ ứng dụng cho người có thói quen ăn nhiều không thể kiềm chế, mặc dù đã uống thuốc nhưng không đáp ứng.
Không thể phủ nhận y học có những cố gắng đáng khích lệ trong việc hạn chế béo phì. Các thuốc được tìm ra đã có nhiều hơn. Chỉ đáng tiếc các thuốc này còn nhiều tác dụng phụ và chưa khắc phục được căn nguyên gốc rễ của béo phì. Điều này cũng không có gì quá khó hiểu khi bản thân nguyên nhân của béo phì vẫn chưa được hiểu thấu đáo.
Như vậy, y học còn phải mất thời gian nữa để chiến đấu với béo phì. Chỉ khi nào người ta hiểu rõ hơn về nó, thì lúc ấy mới thực sự có giải pháp toàn diện để điều trị.
Theo SK&ĐS
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin