Nghỉ tết dài ngày, cộng với diễn biến thời tiết giao mùa năm nay khác thường (lạnh nhiều, kéo dài), là điều kiện thuận lợi để nhiều chủng vi rút gây bệnh phát triển. Các bác sĩ ngành y tế dự phòng và khối điều trị nhận định như vậy và đưa ra nhiều lời khuyên để người dân đón một mùa tết vui tươi, an toàn...
Bác sĩ thăm hỏi, tư vấn cho trẻ đang điều trị nội trú.
Nghỉ tết dài ngày, cộng với diễn biến thời tiết giao mùa năm nay khác thường (lạnh nhiều, kéo dài), là điều kiện thuận lợi để nhiều chủng vi rút gây bệnh phát triển. Các bác sĩ ngành y tế dự phòng và khối điều trị nhận định như vậy và đưa ra nhiều lời khuyên để người dân đón một mùa tết vui tươi, an toàn...
Nhiều bệnh trạng lúc giao mùa
Khoảng 2 tháng trở lại đây, thời tiết giao mùa được cho là lạnh nhất trong nhiều năm qua.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thu Hương- Phó Khoa Nhi của BVĐK tỉnh Vĩnh Long, giao mùa năm nay lạnh kéo dài và thường thì từ mùa này kéo dài đến tháng 3 là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn đường ruột và đường hô hấp phát triển.
Trẻ nhỏ theo đó sẽ dễ mắc các bệnh tiêu chảy cấp, lỵ, tả, hen suyễn, nhiễm khuẩn hô hấp,... Ngoài ra, cộng với năm nay học sinh được nghỉ tết dài ngày, nên nếu thiếu chú ý, trẻ nhỏ dễ mắc tai nạn thương tích, tai nạn sinh hoạt: ngộ độc thức ăn, ngộ độc thuốc tây, bỏng, điện giật, ong đốt, ngạt nước, té gãy tay gãy chân,...
Trong đó, ngộ độc thức ăn trẻ có nguy cơ mắc nhiều, bởi tết dài ngày và đồ ăn thức uống đầy ứ, trong khi không ít cha mẹ không (hoặc thiếu) kiểm soát trẻ chuyện ăn uống những ngày bận bịu với tết.
Với ngộ độc thức ăn, phần lớn là do thực phẩm chế biến sẵn có nguồn gốc trôi nổi, thực phẩm để lâu ngày, thực phẩm sử dụng phẩm màu hóa chất khi chế biến,... sẽ tiềm ẩn nguồn cơn dẫn đến ngộ độc thức ăn, không chỉ trẻ em mà cả người lớn, dẫn đến các bệnh đường tiêu hóa.
Dù không ồ ạt, nhưng thực tế các bệnh lý này đã từng xảy ra với trẻ và được điều trị tại bệnh viện tỉnh. Có bác sĩ nhi khoa kể chi tiết vui, cũng là lời khuyên cho cha mẹ các trẻ: “Thậm chí trẻ có thể do mặc quần áo sặc sỡ, nước hoa thơm phức, vui đùa hăng say quá, rồi thì bị ong đốt”.
Bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Năm- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long nói, ngoài các bệnh lý nhi kể trên, phụ huynh cần theo dõi sát sao để phòng tránh bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cho trẻ trong diễn biến mắc mới bệnh vẫn đều đặn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong họp toàn ngành triển khai nhiệm vụ năm 2014, có nêu: Hệ thống y tế dự phòng ngoài giám sát các bệnh lây từ động vật (gia súc, gia cầm) sang người, từ người sang người, thì còn cần phải làm tốt công tác phối hợp, giám sát chặt chẽ các bệnh không lây nhiễm đang “thời đại” hiện nay: tiểu đường, tim mạch, các loại ung thư.
Ngoài ra không riêng thời điểm nào trong năm, các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm, ngành y tế phải chủ động tích cực phòng chống”- theo người đứng đầu ngành y tế. Trong phương hướng nhiệm vụ năm 2014, ngành y tế Vĩnh Long, một trong nhiều mục tiêu cụ thể đã có “hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong do bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng”.
Giám sát dịch bệnh xuyên suốt
Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long- cũng đồng tình cho rằng, thời tiết năm nay khác thường với nền nhiệt độ thấp và kéo dài so mọi năm, thuận lợi cho một số chủng vi rút gây bệnh qua đường hô hấp phát triển.
Bác sĩ Tân cũng dẫn thông tin từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho hay: vi rút cúm là vi rút thường xuyên biến chủng, tạo chủng mới, đồng thời kết hợp với chủng thông thường, cũng có thể phát triển thành dịch cúm.
Trẻ bị bệnh đường hô hấp điều trị tại bệnh viện tỉnh.
“Sốt xuất huyết trong năm 2013 giảm mạnh so năm 2012 và tay chân miệng cũng giảm nhẹ so cùng kỳ. Điều này có thể làm người dân và các cơ sở y tế chủ quan, lơ là. Nếu năm ngoái số ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ nhiều, số ca mắc rải đều mà không tập trung, thì năm 2014, nếu có ca bệnh nặng, lại ngay vùng có mật độ côn trùng cao, sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát trên diện rộng”- bác sĩ Tân nói.
Về vấn đề phòng chống dịch bệnh thời điểm tết đến xuân về, bác sĩ Tân khuyến cáo người dân không chủ quan mà hãy ý thức hơn trong vệ sinh phòng bệnh, chú ý các bệnh liên quan đường tiêu hóa bắt nguồn từ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bởi theo bác sĩ Tân, có trường hợp trong nửa tháng một trẻ nhỏ được giám sát cho thấy không đi ra khỏi nhà và không tiếp xúc với trẻ bệnh tay chân miệng, cha mẹ trẻ cưng nựng các trẻ khác, có thể đang có nguồn bệnh, và trở thành nguồn lây cho trẻ ở nhà.
“Với trẻ nhỏ, đôi khi nguy cơ mắc tay chân miệng lại từ phụ huynh và người thân trong gia đình. Vì vậy, ngoài rửa tay bằng xà phòng cho trẻ, người lớn cũng rất cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ẵm bồng, chăm sóc, cho trẻ ăn uống”.
Y tế dự phòng tỉnh cũng nhận được chỉ đạo của Sở Y tế Vĩnh Long và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh về đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh dịp lễ tết và thời gian tới. Ngoài trực chống dịch xuyên suốt theo phân cấp, đơn vị đảm bảo đủ cơ số thuốc men, hóa chất, đồng thời giám sát chặt chẽ các ca bệnh theo đúng quy định, cho dù đó là ngay thời điểm tết.
“Với trẻ nhỏ, đôi khi nguy cơ mắc tay chân miệng lại từ phụ huynh và người thân trong gia đình. Vì vậy, ngoài rửa tay bằng xà phòng cho trẻ, người lớn cũng rất cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ẵm bồng, chăm sóc, cho trẻ ăn uống”. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin