Biết mô hình bệnh tật để phòng trị hiệu quả

03:01, 03/01/2014

Xác định mô hình bệnh tật (MHBT) của người cao tuổi (NCT) điều trị nội trú tại bệnh viện được cho là cần thiết, là cơ sở khoa học giúp xây dựng kế hoạch điều trị, chăm sóc bệnh nhân và công tác phòng bệnh phù hợp với tình hình bệnh tật thực tế địa phương. Qua đó, góp phần định hướng phát triển chuyên môn tại bệnh viện có chiều sâu, có trọng điểm để hoạt động khám chữa bệnh


Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long đang khám tổng quát cho bệnh nhân tăng huyết áp (ảnh minh họa).

Xác định mô hình bệnh tật (MHBT) của người cao tuổi (NCT) điều trị nội trú tại bệnh viện được cho là cần thiết, là cơ sở khoa học giúp xây dựng kế hoạch điều trị, chăm sóc bệnh nhân và công tác phòng bệnh phù hợp với tình hình bệnh tật thực tế địa phương. Qua đó, góp phần định hướng phát triển chuyên môn tại bệnh viện có chiều sâu, có trọng điểm để hoạt động khám chữa bệnh ngày càng hiệu quả.

Đây là mục tiêu của đề tài nghiên cứu khoa học “MHBT của NCT điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long trong 5 năm 2008- 2012”, nằm trong Kỷ yếu các đề tài khoa học bệnh viện năm 2013, do bác sĩ chuyên khoa I- nội Lê Thị Thu Trang và nhóm cộng sự thực hiện.

Tuổi càng cao, tần suất bệnh càng nhiều!

Thống kê của nhóm thực hiện đề tài này cho thấy, lượng bệnh nhân nội trú trong 5 năm qua là 235.850 người, trong đó số NCT điều trị nội trú là 54.636 người (chiếm 23,2%).

Tại các khoa lâm sàng, số lượng NCT điều trị nội trú nhập viện tại Khoa Nội (62,7%) gấp 5 lần vào Khoa Hồi sức tích cực (12%). Theo bác sĩ Thu Trang, qua nghiên cứu 54.636 trường hợp bệnh nhân NCT điều trị nội trú tại bệnh viện, số lượng NCT điều trị nội trú theo từng năm khá ổn định.

Bệnh nhân nữ điều trị nội trú cao hơn nam 1,3 lần; cũng như nhóm tuổi 70- 79 chiếm cao nhất (37,2%), nhóm tuổi 60- 69 chiếm thấp nhất (28,3%) trong tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 10 bệnh thường gặp nhất đối với đối tượng NCT nhập viện điều trị nội trú, bao gồm: tăng huyết áp, suy tim, viêm phổi, nhồi máu não, viêm phế quản cấp, xuất huyết tiêu hóa, bệnh tim thiếu máu cục bộ, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm dạ dày- tá tràng, hội chứng mạch máu não.
 
Với 10 bệnh tử vong thường gặp gồm có: nhồi máu cơ tim cấp, suy tim, suy hô hấp, viêm phổi, chấn thương sọ não, xuất huyết não, nhồi máu não, xuất huyết tiêu hóa, u ác tính của phế quản và phổi, hội chứng sốc nhiễm độc.

Chuyển tuyến trên điều trị là yêu cầu cấp thiết đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý này, trong đó có: nhồi máu não, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim, suy thận mãn, xuất huyết não, viêm phổi, tăng huyết áp vô căn, cơn đau thắt ngực, u ác tính của phế quản và phổi, xuất huyết tiêu hóa.

Trong khi các bệnh lý tăng huyết áp, suy tim, viêm phổi, bệnh tim thiếu máu cục bộ, hội chứng mạch máu não, bệnh nhân nữ chiếm gấp 2 lần nam; thì với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh nhân nam nhập viện gấp 6 lần nữ.

Đáng lưu ý, nhóm tuổi 70- 79 có tỷ lệ tăng huyết áp cao nhất với 38,5%. Bệnh suy tim ở nhóm tuổi 80 trở lên tỷ lệ nhập viện cao nhất 43,9%. “Có sự tương quan giữa nhóm tuổi và mức độ bệnh, tuổi càng cao thì tần suất bệnh càng nhiều”- theo lý giải của người thực hiện đề tài.

Giảm bệnh nội trú bằng “quản” tốt bệnh ngoại trú

Theo nhóm nghiên cứu, cùng với sự gia tăng của tuổi thọ trung bình, MHBT ở Việt Nam đang có sự thay đổi rõ rệt, đan xen giữa các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm. Các bệnh lây nhiễm giảm dần trong khi các bệnh không lây nhiễm lại tăng lên nhanh. Các bệnh tim mạch, khối u, bệnh chuyển hóa, sức khỏe tâm thần và chấn thương do tai nạn giao thông ngày một tăng.

Việc xác định MHBT của NCT điều trị nội trú tại bệnh viện là rất cần thiết, là cơ sở khoa học giúp xây dựng kế hoạch điều trị, chăm sóc bệnh nhân và công tác phòng bệnh, phù hợp với tình hình bệnh tật thực tế của địa phương. Qua đó, góp phần định hướng phát triển chuyên môn tại bệnh viện có chiều sâu, có trọng điểm để hoạt động khám chữa bệnh ngày càng hiệu quả.

Với kết quả nghiên cứu này, để việc công tác khám chữa bệnh và chăm sóc người bệnh ngày càng hiệu quả, giảm tỷ lệ chuyển viện và tử vong, thay đổi các loại bệnh nội trú theo hướng chuyên khoa sâu, bác sĩ Lê Thị Thu Trang cho rằng:

“Bệnh lý tăng huyết áp chiếm tỷ lệ nhập viện hàng đầu, do đó cần đẩy mạnh quản lý điều trị ngoại trú để giảm đến mức tối thiểu bệnh nhân điều trị nội trú. Đồng thời rất cần sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên (Đề án 1816) về lĩnh vực tim mạch can thiệp; tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế và đội ngũ nhân lực phù hợp, cũng như quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực điều trị các lĩnh vực chuyên ngành cấp cứu, hô hấp, nội tiết, tim mạch, thần kinh...”.

Hội nghị công tác nghiên cứu khoa học thường niên năm 2013 của BVĐK Vĩnh Long có 19 đề tài nghiên cứu khoa học của bác sĩ và 9 đề tài của điều dưỡng.

Theo TS, bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long, hầu hết các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực lâm sàng hay cận lâm sàng, điều dưỡng đều đã có triển khai trong hoạt động chuyên môn và khám chữa bệnh tại bệnh viện, khá nhiều đề tài trong số đó mang tính ứng dụng thực tế cao. Sẽ có khoảng 1/3 đề tài nghiên cứu khoa học được trình bày tại hội nghị năm nay.


Bài, ảnh: MINH THÁI – TRANG LÊ

 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh